Báo điện tử VOV,

2-3 trận bão có thể đổ bộ đất liền sắp tới, miền Trung đối mặt mưa lũ cực đoan

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 14:02:39 29/09/2024 theo đường link https://vov.vn/xa-hoi/2-3-tran-bao-co-the-do-bo-dat-lien-sap-toi-mien-trung-doi-mat-mua-lu-cuc-doan-post1124811.vov
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Dự báo từ nay đến cuối năm, khả năng có 4-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có 2-3 cơn đổ bộ vào đất liền. Các tỉnh miền Trung cần rà soát các phương án sẵn sàng ứng phó mưa lũ cực đoan trong tháng 10 và 11.
Ông Mai Văn Khiêm - giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết như vậy vào sáng 28-9, khi nhận định về xu thế mưa bão trong những tháng cuối năm 2024.
Đối với dự báo thời tiết trong khoảng 10 ngày tới, ông Khiêm cho biết hiện nay (ngày 28-9) trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương có 2 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới đang hoạt động.
Gần Biển Đông nhất hiện đang có cơn bão Krathon mới hình thành ở vùng biển khu vực phía đông bắc đảo Luzon (Philippines), cường độ bão mạnh cấp 8 (62 - 74km/h).
Tuy nhiên các dự báo đều nhận định bão Krathon cũng như các cơn bão, áp thấp nhiệt đới này đều di chuyển lên phía bắc của vùng biển Bắc Thái Bình Dương, không di chuyển vào khu vực Biển Đông nước ta.
"Về thời tiết trên đất liền, từ đêm 28 đến 30-9 ở Bắc Bộ xuất hiện một đợt mưa dông 30-60mm, cục bộ có nơi mưa to trên 100mm, đề phòng nguy cơ trượt lở đất tái xuất hiện.
Khu vực Trung Bộ (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế) từ đêm 1 đến 3-10 có mưa vừa, mưa to" - ông Khiêm cảnh báo.
Các dự báo quốc tế đều nhận định bão Krathon ít có khả năng đi vào Biển Đông - Ảnh: NCHMF
Về xu thế thời tiết cả nước từ nay đến cuối năm 2024, ông Khiêm cho biết từ tháng 10 đến tháng 12-2024 trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện 4-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó khoảng 2-3 cơn đổ bộ vào đất liền.
"Các tỉnh khu vực miền Trung cần rà soát các phương án sẵn sáng ứng phó mưa lũ cực đoan trong tháng 10 và 11-2024" - ông Khiêm nhấn mạnh.
Theo ông Khiêm, đỉnh lũ năm 2024 ở các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa ở mức báo động 2 - báo động 3 và trên báo động 3, các sông ở Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận trên báo động 2.
Lũ năm 2024 ở đầu nguồn sông Cửu Long dao động ở trên mức báo động 1 và đỉnh lũ tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long ở mức báo động 2 - báo động 3 và trên báo động 3, cao nhất trong khoảng 4 năm gần đây và thấp hơn năm 2018.
Lũ trên sông Cửu Long đang lên
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng nay mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên theo triều, mực nước cao nhất ngày 27-9, trên sông Tiền tại trạm Tân Châu là 3,22m, trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,82m.
Mực nước trên sông Đồng Nai tại Tà Lài đang xuống chậm. Mực nước lúc 7h sáng nay tại Tà Lài là 112,14m, trên mức báo động 1 là 0,14m.
Dự báo trong những ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên, đến ngày 4 đến 6-10, mực nước cao nhất tại trạm Tân Châu, Châu Đốc có khả năng lên trên mức báo động 1 từ 0,1-0,25m, sau đó biến đổi chậm.
Trong 24 giờ tới, mực nước trên sông Đồng Nai tại Tà Lài biến đổi chậm và ở trên mức báo động 1.
Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An và các vùng trũng thấp, ven sông tại các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long, đề phòng tình trạng sạt lở bờ bao, đê bao yếu tại các vùng xảy ra ngập lụt.
Cần đề phòng khả năng mưa lớn kết hợp với lũ gây ngập lụt, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng thấp tại địa bàn các huyện Tân Phú, Định Quán thuộc tỉnh Đồng Nai và các địa bàn lân cận.
Sao chép thành công