Báo Vnexpress,

5 nghiên cứu tiềm năng đoạt giải Nobel

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 12:46:06 07/10/2024 theo đường link https://vnexpress.net/5-nghien-cuu-tiem-nang-doat-giai-nobel-4800918.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Tuy rất khó dự đoán người đoạt giải Nobel, một số nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực y sinh, vật lý và hóa học có tiềm năng được xướng tên bởi hội đồng bình chọn.
Giải Nobel do nhà phát minh kiêm doanh nhân Thụy Điển lập ra cách đây hơn một thế kỷ, nhằm tôn vinh những công trình mang tính đột phá có thể mất hàng thập kỷ để hoàn thành. Năm nay, các giải Nobel Y sinh, Vật lý, Hóa học sẽ lần lượt được công bố vào 16h30 ngày 7/10, 16h45 ngày 8/10 và 16h45 ngày 9/10 theo giờ Hà Nội.
Dưới đây là 5 nghiên cứu được cho là xứng đáng được gọi tên bởi "những đột phá dẫn đến sự thay đổi cuộc sống".
Bản đồ hệ gene người đầu tiên
Bản đồ hệ gene người có tác động to lớn trong nhiều lĩnh vực. Ảnh: AFP
Một trong những đề cử thường được thảo luận cho giải Nobel là bản đồ hệ gene người, một dự án táo bạo bắt đầu năm 1990 và hoàn thành năm 2003. Quá trình giải mã hệ gene người bao gồm liên minh quốc tế với hàng nghìn nhà nghiên cứu ở Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản và Trung Quốc. Dự án có tác động sâu sắc tới sinh học, y học và nhiều lĩnh vực khác. Nhưng một lý do khiến dự án chưa được trao giải Nobel là số lượng người tham gia khổng lồ.
Theo quy định của nhà sáng lập Alfred Nobel năm 1985, giải thưởng chỉ có thể vinh danh tối đa 3 người. Điều này ngày càng trở thành thách thức do bản chất cộng tác của nhiều nghiên cứu khoa học.
Nghiên cứu cách mạng hóa điều trị béo phì
Cơ sở của Novo Nordisk sản xuất thuốc tiêm GLP-1. Ảnh: Bloomberg
Phát triển thuốc giảm cân mô phỏng một hormone mang tên glucagon-like peptide 1, hay GLP-1, gây chấn động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe suốt vài năm qua. Cứ 8 người trên thế giới có một người mắc bệnh béo phì, con số tăng hơn gấp đôi từ năm 1990. Loại thuốc giúp hạ thấp đường huyết và giảm chứng thèm ăn này có tiềm năng mở ra kỷ nguyên mới của điều trị béo phì và những bệnh liên quan như tiểu đường tuýp 2.
Ba nhà khoa học Svetlana Mojsov, Joel Habener và Lotte Bjerre Knudsen tham gia phát triển thuốc semaglutide từng đoạt Giải nghiên cứu y học lâm sàng Lasker-DeBakey 2024, thường được coi như dấu hiệu báo trước liệu một nghiên cứu đột phá hoặc nhà khoa học có đoạt giải Nobel hay không.
Mojsov, nhà sinh hóa học và phó giáo sư ở Đại học Rockefeller University, và Habener, chuyên gia nội tiết và giáo sư y khoa ở Trường y Harvard, giúp nhận dạng và tổng hợp GLP-1. Knudsen, giám đốc cố vấn khoa học phụ trách nghiên cứu và phát triển ở Novo Nordisk, đóng vai trò chủ chốt giúp biến hợp chất thành loại thuốc hiệu quả thúc đẩy giảm cân ở hàng triệu người ngày nay.
Trí tuệ nhân tạo (AI)
Demis Hassabis (trái) và John Jumper (phải) nhận giải Breakthrough ở Los Angeles hồi tháng 4. Ảnh: Lester Cohen
AI đang biến đổi cuộc sống của mọi người ở tốc độ chưa từng thấy. Đây là lĩnh vực rộng lớn nhưng có hai cái tên nổi bật, theo David Pendlebury, giám đốc phân tích nghiên cứu ở Viện thông tin khoa học của Clarivate. Pendlebury xác định cá nhân xứng đáng đoạt giải Nobel thông qua phân tích bài báo khoa học của họ được các đồng nghiệp trích dẫn thường xuyên tới mức nào trong những năm qua.
Hai cái tên nổi bật là Demis Hassabis và John Jumper, những nhà phát minh Cơ sở dữ liệu cấu trúc protein AlphaFold của Google DeepMind, chương trình AI giải mã cấu trúc 3D của protein từ chuỗi axit amin mà ít nhất 2 triệu nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đang sử dụng. AlphaFold đóng vai trò như công cụ tìm kiếm Google dành cho cấu trúc protein, cung cấp truy cập ngay lập tức mô hình dự đoán của protein, thúc đẩy phát triển sinh vật học và các lĩnh vực liên quan khác.
Từ khi bài báo của hai nhà nghiên cứu công bố năm 2021, nó đã được trích dẫn hơn 13.000 lần, một con số đặc biệt hiếm có theo nhận xét của Pendlebury. Trong tổng số 61 triệu bài báo khoa học, chỉ có 500 bài được trích dẫn hơn 10.000 lần.
Jumper và Hassabis cũng từng đoạt giải Lasker và giải Breakthrough năm 2023. Giải Nobel Hóa học có thể nằm trong tầm với của họ, cùng với nhà nghiên cứu David Baker, giám đốc Viện thiết kế protein ở Trường Y Đại học Washington, người đặt nền móng cho AlphaFold.
Tìm hiểu hệ vi sinh vật đường ruột
Ruột người chứa vô số vi sinh vật có thể ảnh hưởng tới sức khỏe. Ảnh: Boris Roessler
Hàng nghìn tỷ vi sinh vật bao gồm vi khuẩn, virus, nấm, sống trong cơ thể người, gọi chung là hệ vi sinh vật ở người. Với tiến bộ trong giải trình tự gene trong hai thập kỷ qua, các nhà khoa học có thể hiểu rõ hơn những vi sinh vật này làm gì, chúng liên lạc với nhau ra sao và tương tác với tế bào con người, đặc biệt là ở ruột. Lĩnh vực này từ lâu đã xứng đáng được ghi nhận bởi giải Nobel, theo Pendlebury.
Nhà sinh vật học, tiến sĩ Jeffrey Gordon ở Đại học Washington tại St. Louis, là người tiên phong trong lĩnh vực. Gordon nỗ lực tìm hiểu hệ vi sinh vật đường ruột ở người và cách nó tác động tới sức khỏe, bắt đầu với nghiên cứu ở chuột trong phòng thí nghiệm. Ông là tác giả chính của nghiên cứu phát hiện hệ vi sinh vật đường ruột góp phần vào những ảnh hưởng sức khỏe của bệnh suy dinh dưỡng đang tác động tới gần 200 triệu trẻ em trên toàn cầu. Gordon cũng đang phát triển biện pháp can thiệp vào thức ăn nhằm cải thiện sức khỏe đường ruột.
Gene gây ung thư
Mary-Claire King chụp ảnh cùng tổng thống Barack Obama trong buổi lễ tại Nhà Trắng năm 2016. Ảnh: Drew Angerer
Vào thập niên 1970, ung thư đôi khi xuất hiện trong các gia đình, nhưng quan niệm phổ biến về ung thư vú không tính tới yếu tố di truyền. Với kinh nghiệm nghiên cứu khác biệt di truyền giữa người và tinh tinh, Mary-Claire King, hiện nay là giáo sư y khoa và khoa học hệ gene ở Trường y Đại học Washington, có cách tiếp cận mới.
King mất 17 năm để phát hiện và xác định vai trò của một đột biến ở gene BRCA1 góp phần gây ung thư vú và tử cung. Phát hiện cho phép kiểm tra di truyền để xác định những phụ nữ có nguy cơ ung thư vú cũng như các bước giúp giảm nguy cơ, như sàng lọc và phẫu thuật ngăn chặn.
Nobel là giải thưởng quốc tế do Quỹ Nobel tại Stockholm lập ra từ năm 1901 dựa trên tài sản của Alfred Nobel, nhà phát minh kiêm doanh nhân Thụy Điển.
Giải thưởng được trao thường niên. Năm 1968, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển lập ra Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển cho Khoa học kinh tế để tưởng nhớ Nobel, còn gọi là giải Nobel Kinh tế.
Người được giải sẽ nhận huy chương, bằng chứng nhận cá nhân và một khoản tiền thưởng không cố định. Năm 2012, giá trị giải thưởng giảm từ 10 triệu crown, còn 8 triệu crown do Quỹ Nobel cần củng cố tài chính. Sau đó, giá trị giải trưởng đã tăng lên 9 triệu crown vào năm 2017 và 10 triệu crown vào năm 2020, về mức trước năm 2012. Năm 2013, các giải thưởng về khoa học, văn học và hòa bình có giá trị tương đương 1,2 triệu USD dù giải thưởng lúc bấy giờ chỉ là 8 triệu crown. Năm 2023 tác giả nhận khoản tiền thưởng 11 triệu crown Thụy Điển (986.000 USD).
Từ năm 1901 - 2023, giải thưởng đã được trao 616 lần cho các cá nhân và tổ chức trên thế giới.
An Khang (Theo CNN
Sao chép thành công