Nội dung liên quan Xã Kiên Bình, Huyện Kiên Lương, Tỉnh Kiên Giang, Tin Trong Nước
Báo Dân Việt | Đọc Tin Tức Online Nhanh Mới Nhất 24h,
862 tỷ đồng và những người nông dân mới
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
15:19:44 14/10/2024
theo đường link
https://danviet.vn/tu-hao-nong-dan-viet-nam-2024-862-ty-dong-va-nhung-nguoi-nong-dan-moi-20241011064035973.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Anh Thơ Tôi đã thử làm một phép tính, cộng tổng doanh thu trong tất cả các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh của 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024, con số đó là 862 tỷ đồng, nếu chia bình quân, mỗi mô hình sản xuất của 63 nông dân đạt doanh thu khoảng 13,6 tỷ đồng. Bình luận Nhưng để có được 862 tỷ đồng doanh thu, 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc - những người sẽ được tôn vinh tại Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, giao báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Công ty CP Phân bón Bình Điền, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức - đã phải trải qua quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ, "cảm hóa" đất đai, "hiểu" từng loại cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn nghĩ lớn và làm ăn lớn, ứng dụng máy móc, khoa học công nghệ để những giọt mồ hôi bớt rơi trên những cánh đồng. Cho đến giờ này, khi đã có trong tay 500ha đất trồng lúa thẳng cánh cò bay, ký hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp xuất khẩu hạt gạo trên cánh đồng phù sa sang Mỹ, Úc, đạt doanh thu tới 31,2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 15,8 tỷ đồng/năm nhưng ông Nguyễn Thanh Tuấn, Nông dân Việt Nam xuất sắc của tỉnh Kiên Giang (ở ấp Lung Lớn, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) vẫn không quên được những ngày đầu năm 2001. Khi đó, ông bắt đầu những bước chân đầu tiên chinh phục vùng đất hoang vu, chỉ toàn cỏ dại và phèn, mặn. "Đất phèn đến độ chỉ cần nhúng chân xuống nước đã vàng khè", ông Tuấn tâm sự với người viết. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Nông dân Việt Nam xuất sắc của tỉnh Kiên Giang (ở ấp Lung Lớn, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) kiểm tra lúa. Ảnh: Hồng Cẩm Nhưng bằng ý chí, nghị lực, sau hơn 20 năm chinh phục vùng đất khó, người nông dân ấy đã sở hữu một cánh đồng 500ha, đều đặn cho những hạt ngọc trời dù qua bao mùa mưa nắng với sản lượng lên đến 3.625 tấn. Trong khi đó, câu chuyện của ông Đinh Văn Thuận, Nông dân Việt Nam xuất sắc của tỉnh Nam Định (ở xã Hải Đông, Hải Hậu, Nam Định) lại là hình trình tìm lại những cơ hội trên mảnh đất quê hương sau khi đã lựa chọn khởi nghiệp ở một chân trời khác. Ông Thuận từng tốt nghiệp Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.Hồ Chí Minh (năm 2011) và quyết định ở lại thành phố này tìm cơ hội. Nhưng năm 2013, nhận thấy mô hình trồng cây đinh lăng ở quê phát triển mạnh, năm 2013, ông quyết định rời TP Hồ Chí Minh, trở về quê trồng loại cây mới này. Không dừng lại ở đó, năm 2019, ông Thuận khởi công xây dựng nhà nuôi chim yến, năm 2020, nhà nuôi yến rộng 200m2 đầu tiên của tỉnh Nam Định đi vào hoạt động. Nhưng có lẽ nông dân Việt Nam xuất sắc tỉnh Nam Định cũng không lường trước được sự khắc nghiệt của mùa đông miền Bắc, có những lúc đàn chim yến chết đến 70% tổng đàn. Sau thất bại, ông Thuận nghiên cứu tìm ra công thức vận hành thành công nhà nuôi chim yến, bắt buộc phải đảm bảo 5 yếu tố: "Âm - ẩm - sáng - khí - nhiệt". Đến nay, ông Thuận đã có 5 nhà nuôi yến ở Nam Định, Quảng Bình và trên nước bạn Lào, năng suất tổ yến đạt 220kg/năm, tổng doanh thu hàng năm đạt khoảng 9 tỷ đồng, lợi nhuận 2 tỷ đồng/năm. Câu chuyện của ông Nguyễn Thanh Tuấn, ông Đinh Văn Thuận cũng giống như rất nhiều câu chuyện về hành trình khởi nghiệp, làm giàu với nghề nông của rất nhiều nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân Việt Nam xuất sắc ở khắp các vùng miền trên dải đất hình chữ S này. Ông Đinh Văn Thuận, Nông dân Việt Nam xuất sắc tỉnh Nam Định bên vườn thanh long, phía sau là nhà nuôi yến. Mỗi người có một xuất phát điểm, một cách làm khác nhau, nhưng điểm chung của họ chính là một tinh thần không ngại khó, không nản chí trước thất bại và có một tình yêu mãnh liệt với đất, với nghề, dù trong hành trình đó, có không ít lần họ phải rơi nước mắt. Điều đáng mừng là, công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tích tụ đất đai cộng với nỗ lực, sáng tạo của mỗi nông dân trong phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã đặt nền tảng hình thành một thế hệ nông dân mới, thế hệ nông dân sản xuất hàng trăm hecta lúa, nuôi hàng chục hecta tôm, doanh thu tính lên con số vài chục tỷ. Có thể kể đến những cái tên như ông Huỳnh Mừng Em ở Bạc Liêu nuôi ngao thu lãi hơn 10 tỷ đồng/năm; ông Lưu Hoàng Sơn ở Gia Lai chế biến hạt điều lãi 16,6 tỷ đồng; nông dân Lê Mạnh Cường ở Phú Thọ nuôi lợn, trồng rừng được tặng Huân chương Lao động hạng Ba… Dù vậy, những người nông dân mới ngày đêm cần mẫn trên những cánh đồng vẫn đang gặp phải những vấn đề tưởng như là "muôn thuở" của nông dân như câu chuyện "được mùa, mất giá - được giá thì mất mùa"; câu chuyện bão lũ, thiên tai có thể khiến công sức dựng xây mấy chục năm của họ trong phút chốc tan thành mây khói; câu chuyện tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn hay thiếu nguồn vốn để mở rộng quy mô... Nhưng có lẽ khó khăn đó cũng không khiến nông dân Việt Nam xuất sắc chùn bước. Trong hơn 20 năm trồng lúa, ông Nguyễn Thanh Tuấn không ít lần rớt nước mắt vì giá lúa giảm sâu, trong khi giá vật tư nông nghiệp leo thang từng ngày; ông Đinh Văn Thuận bất lực nhìn những cánh yến nhỏ nhoi gục ngã trong mùa đông giá lạnh. Hay như ông Giám đốc Hợp tác xã Phất Cờ (Quảng Ninh) - một trong 63 hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc năm 2024 được vinh danh chỉ còn biết đứng nhìn khu lồng bè nuôi cá của mình giờ là đống đổ nát sau bão lũ. Nhưng sau đó, rất nhanh, họ lại đứng lên, mạnh mẽ, làm lại từ đầu, ông Tuấn vẫn đều đặn 3 mùa gieo hạt, tìm đường liên kết với doanh nghiệp để được tiêu thụ ổn định; ông Thuận tìm ra được cách "chế ngự" mùa đông trong những ngôi nhà nuôi yến còn các thành viên HTX Phất Cờ lại tiếp tục thả nuôi những lứa cá, tôm mới, để lại đằng sau những nỗi buồn... Tác giả bài viết, nhà báo Phạm Thị Anh Thơ. Ảnh: DV Và trong các kiến nghị gửi đến lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT, những nông dân Việt Nam xuất sắc cũng không gửi riêng cho cá nhân mình, họ muốn nông dân sớm được hưởng chính sách hỗ trợ sau bão lũ để nhanh chóng tái thiết sản xuất; họ muốn được tham gia liên kết theo chuỗi giá trị; muốn được đào tạo nghề, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử... Khi nói về những ấn tượng của mình đối với 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc, 63 hợp tác xã tiêu biểu năm 2024, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan muốn dành lời cảm ơn đến họ - những nông dân mới. "Tôi muốn cảm ơn những nông dân tiêu biểu này, bởi họ là những nhân tố đi đầu trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn ở các địa phương, tạo lực đẩy các nông dân khác cùng làm theo. Chính họ đã góp phần vẽ lên chân dung những người nông dân mới, không phải vất vả lam lũ trên những cánh đồng mà có thể đứng ở trên bờ, ung dung điều khiển thiết bị sản xuất thông minh chỉ bằng một cú click chuột", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói. Những người nông dân của nhiều thế hệ trước đã góp phần viết nên bản hùng ca trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; làm nên một nền văn minh lúa nước với những tầng sâu văn hóa. Những người nông dân mới hôm nay sẽ tiếp tục vẽ bức tranh mới cho nông nghiệp, nông thôn, một bức tranh của sắc màu ấm no, hiện đại dựa trên nền tảng của những gì đã được hun đúc tự nghìn đời.