Báo Lao Động Online,

Ấm tình người nơi rốn lũ

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 10:07:06 15/09/2024 theo đường link https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/am-tinh-nguoi-noi-ron-lu-1393238.ldo
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Khánh Linh
Có trải nghiệm thực tế mới thấm thía được những mất mát của người dân vùng lũ. Và cũng ở đó mới thấy được tình cảm của đồng bào cả nước đang hướng về rốn lũ miền Bắc.
Người dân làm thịt ruốc sả gửi đồng bào vùng lũ. Ảnh: Công Sáng
Chạy lũ trong đêm
Theo dõi diễn biến cơn bão số 3 , chị Triệu Quỳnh Anh (TP Thái Nguyên) phần nào bớt lo lắng khi cấp gió có phần suy yếu sau khi đi vào đất liền. Thoáng nghĩ, bão sẽ tan, mây sẽ quang, trời sẽ tạnh và cuộc sống sẽ trở lại bình thường.
Thế nhưng, những trận mưa trắng trời cứ liên tục trút xuống, nằm trong căn phòng trọ ở phường Túc Đán, chị không thể chợp mắt vì đã rất lâu không có trận mưa lớn và lâu như thế này.
Bỗng nhiên, có tiếng hô hoán từ ngoài đầu ngõ "ngập rồi, nước lên rồi, ngập hết ngoài đường rồi, chạy lũ đi kẻo không kịp mất".
Cô gái trẻ choàng dậy, chỉ kịp cùng đứa bạn ở phòng trọ kê tủ lạnh, máy giặt và ít quần áo lên cao. Nước lũ dâng lên nhanh chóng mặt. Giữa đêm, tiếng hô hoán, tiếng chuyển đồ chạy lũ náo loạn cả một vùng.
Người dân gói bánh chưng gửi đồng bào vùng lũ. Ảnh: Công Sáng
"Chú ơi, cứu nhà cháu với, mẹ cháu đang bị liệt mà anh trai cháu lại đi làm xa, một mình cháu không bế được mẹ, nước tràn vào phòng ngủ mẹ cháu rồi" - xa xa, tiếng kêu cứu của một cô bé khoảng 14 tuổi hớt hải chạy đến. Ngay lập tức, lực lượng chức năng đã cử người đến nhà hỗ trợ mẹ em đến nơi an toàn.
Cùng lúc đó, lực lượng công an, quân đội đã hỗ trợ người dân tại các tuyến phố bị ngập sơ tán người già, trẻ nhỏ và di chuyển đồ đạc, tài sản đến nơi an toàn. Những kho hàng với hàng trăm tấn gạo, lương thực, thực phẩm, quần áo, hàng hóa... đều được lực lượng dân quân tự vệ hỗ trợ, vận chuyển tránh ngập úng.
Đồng thời, các lực lượng chức năng đã chốt chặn, căng dây cảnh báo không cho người và các phương tiện qua lại trên các tuyến đường bị ngập sâu.
"Nhìn thấy quân đội, công an là biết mình sống rồi" - tiếng hai cụ già nói chuyện với nhau sau khi đã được hỗ trợ di chuyển đến nơi cao ráo, an toàn khiến ai nấy như vơi đi một phần nỗi lo.
"Hàng trăm người đội mưa, hướng mắt về những chiếc thuyền cứu hộ của lực lượng chức năng, họ dáo dác tìm người thân của mình trong số những người được đưa lên bờ. Thế rồi nỗi lo lại tăng lên khi thi thể cháu bé bị lũ cuốn vào chiều 9.9 được tìm thấy, khi chứng kiến, đã nhiều người òa khóc. Nhưng lực lượng chức năng vẫn kiên trì đưa người ra khỏi khu vực ngập lụt, đồng thời tiếp tế nhu yếu phẩm cho người đang mắc kẹt.
Sau khi đã an toàn ở tầng 2 của nhà người quen, nhìn xuống dòng nước lũ cuồn cuộn chảy, dần dần nhấn chìm những thứ thân thương vào dòng nước đục ngầu, chảy xiết, những người chiến sĩ vẫn dầm mình trong lũ để cố gắng hết sức có thể cứu tính mạng và tài sản người dân, tôi thầm nghĩ, nếu được chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn là người Việt Nam" - chị Quỳnh Anh nhớ lại.
Những chuyến xe nghĩa tình
Lũ chưa dứt, người dân vùng rốn lũ lại đối mặt với muôn vàn khó khăn khi bị cô lập, chia cắt, thiếu lương thực, thực phẩm, thuốc men và cả những vật dụng hàng ngày.
Thấu hiểu được những vất vả, những ngày này, các mạnh thường quân trên khắp mọi miền Tổ quốc đã chia sẻ yêu thương, đùm bọc với bà con vùng lũ.
Trên khắp các ngả đường về Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, hàng trăm chiếc xe tải nối đuôi nhau với dòng chữ "Hỗ trợ đồng bào lũ lụt phía Bắc", mang hy vọng ngược núi, khiến người đi đường cũng cảm thấy ấm lòng.
Lau giọt mồ hôi đang chảy thành dòng, cùng người dân đóng những suất cơm để chuyển đến các hộ dân bị ngập, bạn Nguyễn Ngọc Hiếu - sinh viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên tâm sự: "Khi lũ về em đang ở trường, lúc quay về đến phòng nước đã dâng cao nửa mét. Em chỉ kịp cầm điện thoại rồi chạy đi luôn, không lấy được thêm bộ quần áo nào ngoài bộ mặc trên người.
Những chiến sĩ dầm mình trong nước hỗ trợ cho người dân vùng lũ Thái Nguyên. Ảnh: Khánh Linh
Chúng em chia nhau ra để hỗ trợ phân loại đồ tiếp tế, đóng gói thành các túi nhỏ và theo xuồng của công an, quân đội mang đến cho người dân. Dù làm việc từ sáng đến nửa đêm nhưng mọi người ai cũng động viên nhau cố lên, so với vất vả của chính quyền và các đồng chí trực tiếp cứu hộ, dầm mình mấy ngày đêm trong dòng nước lũ thì chưa là gì cả. Chúng em chỉ muốn góp một phần nhỏ, mong bà con sớm vượt qua khó khăn".
Tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, dù mưa vẫn chưa ngớt, nhưng tại Nhà văn hóa thôn Bãi Chạo, xã Tú Sơn, hơn chục người, người góp của, người góp công, người vo gạo, người rửa lá, rửa đỗ, thái thịt, chẳng ai bảo ai, công việc cứ thế được thống nhất đến lạ thường.
Thoăn thoắt vớt chiếc bánh chưng đã chín để ráo nước, chị Bùi Thị Mỹ Lệ (xóm Bãi Chạo, xã Tú Sơn) chia sẻ: "Cùng ở tỉnh miền núi nhưng may mắn chúng tôi an toàn hơn các tỉnh bạn. Chính vì thế, một số gia đình rủ nhau góp gạo, đỗ và nguyên liệu để gói bánh chưng gửi đến bà con vùng lũ. Mong mọi người sớm vượt qua khó khăn".
Những chuyến xe cứu trợ vẫn tiếp tục lăn bánh, mang theo không chỉ hàng hóa cứu trợ mà còn là những cái ôm, những lời động viên chân tình, xoa dịu nỗi đau thiên tai.
Sao chép thành công