Tạp chí điện tử Người đưa tin Pháp luật,

Ấm tình thôn Sơn Trình

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 13:03:37 16/09/2024 theo đường link https://www.nguoiduatin.vn/am-tinh-thon-son-trinh-204240915180728288.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Ấm tình thôn Sơn Trình
Bùi Thị Ngân
Thiệt hại nặng nề nhất trong cơn lũ lịch sử 2020 tại Hà Tĩnh, nhưng người dân thôn Sơn Trình đã quyên góp một số tiền bất ngờ ủng hộ bà con miền Bắc. Mới đây, mạng xã hội lan truyền dòng trạng thái chia sẻ về việc ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Bắc của thôn Sơn Trình, xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Danh sách ủng hộ cho thấy, xóm này có 99 hộ, hầu hết đều ủng hộ 500.000 đồng trở lên, không ít người ủng hộ 1.000.000 đồng. Điều đặc biệt, đây là thôn nghèo nhất của xã Tân Lâm Hương. Chính bởi vậy, khi danh sách ủng hộ được lan truyền nhiều người không khỏi xúc động.
Danh sách ủng hộ của người dân thôn Sơn Trình.
Không nén được cảm xúc, tài khoản có tên "Hương Như" chia sẻ trên tài khoản facebook cá nhân: "Sơn Trình, tôi biết đến là xóm nghèo nằm ven sông Ngàn Mọ, thuộc xã Thạch Lâm cũ, nay là xã Tân Lâm Hương. Nơi đây, bà con nghèo đói lam lũ nhất xã, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Đặc biệt, đây là địa bàn độc đạo, lại thấp trũng nên chưa mưa đã ngập, mà mỗi khi ngập lụt rất khó tiếp cận cứu trợ.
Trận lũ tháng 10/2020, Sơn Trình là xóm chịu hậu quả nặng nề nhất. Sau lũ, bà con gồng mình khắc phục hậu quả. Có lẽ, cũng chính vì điều đó mà họ thấm được nỗi đau mất mát. Trận lũ năm ấy, họ cũng đã được cả nước hướng về "nắm tay", bước qua hoạn nạn nên họ thấu cảm được nỗi đau, hiểu sâu sắc đạo lý uống nước nhớ nguồn. Nên hôm nay, khi hay tin miền Bắc đang oằn mình trong lũ lụt kinh hoàng, người dân Sơn Trình không ai bảo ai đều tự nguyện ủng hộ. Nhìn danh sách ủng hộ, tôi giật mình dụi mắt, tưởng đọc nhầm con số… Họ không phải chơi trội, thích thể hiện, cũng không phải giàu có thừa thãi, mà chính họ từng ở trong cảnh ngộ như đồng bào miền Bắc nên thấm được nỗi đau".
Dòng trạng thái này sau đó nhận được nhiều lượt like, bình luận, chia sẻ. Mọi người đều cảm kích trước tấm lòng của bà con thôn Sơn Trình.
Người dân thôn Sơn Trình đến nhà văn hoá gửi tiền ủng hộ.
Theo tìm hiểu, thôn Sơn Trình là thôn bị ngập sâu nhất tại trận lũ lịch sử năm 2020 và nghèo nhất xã Tân Lâm Hương (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh).
Mới đây, 99 hộ dân toàn thôn quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Bắc bình quân mỗi hộ từ 500.000 đến 1.000.000 đồng với tổng số tiền lên tới 52.600.000 đồng.
Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Phạm Thị Lục, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Lâm Hương cho biết, thông tin trên là hoàn toàn chính xác. Thôn Sơn Trình, xã Tân Lâm Hương là thôn khó khăn nhất xã nhưng tinh thần xung kích, ủng hộ vì đồng bào miền Bắc lại rất tiên phong.
Toàn thôn có 99 hộ dân, đến nay danh sách thống kê ủng hộ, bình quân mỗi gia đình ủng hộ 500.000 đồng, hộ nhiều nhất là 1.000.000 đồng. Một vài hộ đặc biệt khó khăn thì ủng hộ 200.000 hoặc 300.000 đồng.
Tình cảm ấm áp, bình dị của bà con khiến dư luận xúc động.
"Tối 12/9, tại cuộc họp của thôn, khi vừa nghe thông báo MTTQ phát động ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Bắc, người dân lập tức nộp tiền trong tối đó, ai chưa mang tiền thì họ tranh thủ chạy về nhà lấy hoặc vay người khác để ủng hộ", Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Lâm Hương nói.
Theo Chủ tịch xã Tân Lâm Hương, thôn Sơn Trình ở xa trung tâm xã, lại ở vùng sâu trũng nên việc phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn.
Thế hệ trẻ của Sơn Trình đã tìm cách thoát nghèo, mua đất, làm nhà ở nơi khác khá hơn nên Sơn Trình còn lại hầu hết là thế hệ trước.
Hình ảnh trận lũ lịch sử 2020 tại thôn Sơn Trình.
Trong trận lũ lịch sử năm 2020, Sơn Trình bị ngập sâu nhất, thiệt hại nặng nề nhất, thời điểm đó, thôn cũng nhận được tấm lòng hảo tâm của nhân dân cả nước. Bởi vậy, hơn ai hết, người dân Sơn Trình thấu hiểu những khó khăn, vất vả khi bị bão, lũ hoành hành.
Dù nghèo khó, nhưng những người dân thôn Sơn Trình đã chia sẻ khó khăn với nhân dân miền Bắc như chính họ từng được.
Theo báo cáo của Ban Vận động Quỹ Cứu trợ tỉnh Hà Tĩnh, tính đến sáng ngày 14/9, đã có hàng trăm cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ và đăng ký ủng hộ bằng hình thức chuyển khoản, tiền mặt và hiện vật với tổng trị giá gần 17,4 tỷ đồng.
Sao chép thành công