Báo Quân đội Nhân dân,

Âm vang Chiến thắng Bình Ca

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 11:48:04 06/10/2024 theo đường link https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/am-vang-chien-thang-binh-ca-797559
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hiện đang lưu giữ lá cờ mang tên "Tiểu đoàn Bình Ca" (Tiểu đoàn 42, Trung đoàn 147). Ký hiệu BTQĐ8702/L.827. Bình Ca là thôn thuộc xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Vào Thu Đông năm 1947, khi đó thực dân Pháp bắt đầu mở cuộc tấn công quy mô lớn lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến. Nằm ở địa thế chiến lược, bến Bình Ca được lựa chọn là một trong những vị trí tác chiến quan trọng. Với địa thế hiểm trở, dễ phòng thủ và rút lui, bến Bình Ca là chỗ dựa vững chắc để quân ta tấn công theo kiểu du kích.
Còn lá cờ được làm bằng nền vải đỏ, chữ vàng, thêu hai mặt, có kích thước 64cm x 107cm. Mặt trước, bên trên là dòng chữ "Tiểu đoàn Bình Ca", bên dưới là logo bắn chim tàu. Mặt sau thêu lời khen của Đại tướng Võ Nguyên Giáp , dành tặng Tiểu đoàn 42, với thành tích xuất sắc trong trận đánh bảo vệ An toàn khu (ATK) Thái Nguyên vào những ngày tháng 10-1947; được bố trí sắp xếp như những dòng thơ rất đẹp chia thành 7 dòng, để tô điểm thêm cho các dòng chữ có 10 ngôi sao vàng bố cục thành 2 hàng dọc. Nội dung thư khen: "Trận Bình Ca, Tiểu đoàn 42 đã đánh lui một trận đổ bộ của giặc, xung phong cướp súng bắn chìm pháo thuyền, ghi một chiến công đầu tiên mở đầu cho những chiến công rực rỡ khác trên sông Lô".
Lá cờ Tiểu đoàn Bình Ca.
Tiểu đoàn Bình Ca được thành lập ngày 1-2-1947 tại làng Hạ Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay là TP Hà Nội); có nhiệm vụ bảo vệ phía Tây của ATK. Ngày 7-10-1947, Tiểu đoàn nhận được lệnh: "Kiên quyết bảo vệ cửa ngõ phía Tây của Việt Bắc cũng là của ATK". Tiếp đó, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp gửi thư căn dặn: "Tiểu đoàn 42 sống chết với con đường Bình Ca - Thái Nguyên". Nhận rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ và tình hình cấp bách, tiểu đoàn đã lên kế hoạch; bố trí trận địa ở Bình Ca theo chiến thuật vừa bắn được tàu chiến địch, vừa ngăn chặn được quân địch đổ bộ.
Theo đó, phương án tác chiến được Tiểu đoàn thống nhất là: Dùng 1 tiểu đội có Bazooka, do Trung đội trưởng Vũ Phương trực tiếp chỉ huy, lợi dụng địa hình địa vật che, đỡ bố trí ven đồi sát bờ sông Lô đánh tàu địch; đồng chí Minh Sơn, Đại đội phó trực tiếp chỉ huy lực lượng chôn mìn, xây dựng trận địa đánh địch đổ bộ, bố trí trên vành đai sát đường 13A cách bến phà khoảng 200m...
Ngày 12-10, tàu chiến địch ngược dòng sông Lô tiến vào địa bàn Bình Ca, hòng tiến sâu lên Việt Bắc tiêu diệt đầu não kháng chiến và quân chủ lực của ta. Khi tàu địch vừa vào tầm bắn, theo kế hoạch tác chiến, đồng chí Vũ Phương chỉ huy lực lượng ba-dô-ca bắn chìm một tàu địch, rồi rút lui về trận địa chính. Rạng sáng 13-10, quân địch đổ bộ vào bến Bình Ca. Ngay lập tức, chúng đã vấp phải trận địa mai phục của ta và bị đánh thương vong; chúng hoảng sợ rút về tàu rồi quay tàu bỏ chạy...
Chiến thắng Bình Ca được Thường vụ Trung ương Đảng biểu dương và được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư khen tặng. Ban Chỉ huy Tiểu đoàn đã giao cho đồng chí Trịnh Đăng Khuê, Trưởng ban chính trị Tiểu đoàn thiết kế mẫu lá cờ và cho thêu lá cờ để lưu giữ, tuyên truyền kỷ niệm hào hùng của trận đánh Bình Ca.
Bài, ảnh: VIỆT THÙY
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.
Sao chép thành công