Báo Công Thương-Tin tức kinh tế cập nhật mới nhất 24h qua,

Ấn Độ chính thức dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu, gạo Việt có chịu tác động?

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 08:34:01 30/09/2024 theo đường link https://congthuong.vn/an-do-chinh-thuc-do-bo-lenh-cam-xuat-khau-gao-viet-co-chiu-tac-dong-349097.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Ngày 28/9, Ấn Độ chính thức dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati, kèm theo điều kiện áp dụng giá sàn 490 USD/tấn. Liệu gạo Việt có chịu tác động?
Có tác động nhưng không quá lớn Ngày 28/9, Ấn Độ chính thức dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati, kèm theo điều kiện áp dụng giá sàn 490 USD/tấn. Đồng thời, quốc gia Nam Á này cũng giảm thuế xuất khẩu gạo basmati từ 20% xuống còn 10%.
Ấn Độ chính thức gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu, gạo Việt có chịu tác động? (Ảnh: N.H)
Ấn Độ hiện có nguồn cung gạo dồi dào với dự trữ lên đến 32,3 triệu tấn, tăng 39% so với năm trước. Ấn Độ ‘bật đèn xanh’ cho việc xuất khẩu gạo trắng non-basmati trở lại trong bối cảnh gạo tồn kho ở nước này đang tăng vọt và nông dân chuẩn bị thu hoạch vụ mùa mới trong vài tuần tới.
Sự trở lại của nguồn gạo từ Ấn Độ có thể buộc các quốc gia như: Pakistan, Thái Lan, Việt Nam phải điều chỉnh giá để cạnh tranh, điều này làm giảm nhiệt giá gạo trên thị trường toàn cầu.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện còn 560 USD/tấn, giảm 20 USD so với tuần trước. Tương tự, giá gạo của Thái Lan cũng giảm về mức 550 USD/tấn, mức thấp nhất trong hơn một năm qua.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam nhận định, việc Ấn Độ quay lại thị trường sẽ gây áp lực giảm giá lên các loại gạo phổ thông như gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam. Tuy nhiên, giá gạo Việt Nam khó có thể giảm về dưới 500 USD/tấn do nguồn cung nội địa không dồi dào, đặc biệt trong bối cảnh vụ mùa Thu Đông năm nay bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, làm giảm năng suất.
Mới đây, Việt Nam đã trúng thầu 2 lô gạo với số lượng gần 60.000 tấn, trong đợt mở thầu gạo tháng 9 của Indonesia với giá trúng thầu là 548 USD/tấn, giảm 32 USD so với tuần trước. Mặc dù giá giảm, nhưng nhu cầu từ các thị trường chủ lực như Philippines, Indonesia và Malaysia vẫn giữ ở mức cao, tạo áp lực cầu lớn cho gạo Việt Nam.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, đến giữa tháng 9/2024, tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 6,5 triệu tấn với trị giá trên 4 tỷ USD, tăng 6,2% về lượng và 21,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, Việt Nam đã hoàn thành hơn 80% kế hoạch xuất khẩu năm và dự kiến đạt mục tiêu 7,6 triệu tấn gạo trong năm nay.
Hiện tại đang vào cuối vụ Hè Thu, lượng gạo tồn kho của doanh nghiệp Việt Nam không còn nhiều. Trong khi đó, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo trên thị trường thế giới cũng đang ở mức thấp.
Về phân khúc gạo thơm cao cấp như ST24 và ST25, ông Đinh Ngọc Tâm - Phó tổng giám đốc Công ty Cỏ May - nhận định, giá thành sản xuất gạo ST25 hiện ở mức trên 32.000 đồng/kg, trong khi giá bán lẻ duy trì quanh mức 30.000 - 31.000 đồng/kg từ đầu năm đến nay, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, với loại gạo này giá khó giảm, thậm chí có thể tăng do khan hiếm nguồn cung.
Cũng theo ông Tâm, mặc dù giá gạo thế giới có xu hướng giảm, nhưng nhờ nhu cầu cao từ các thị trường lớn và những loại gạo chất lượng cao như ST24, ST25, gạo Việt Nam vẫn giữ được vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Dự báo vẫn sẽ về đích trên 5 tỷ USD
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương , ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam - cho hay, Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo việc này cũng sẽ không gây tác động nhiều lên giá lúa gạo xuất khẩu trong nước. Bởi giống lúa của Ấn Độ khác với Việt Nam. Gạo Ấn Độ chủ yếu là gạo phẩm cấp thấp và xuất khẩu sang thị trường châu Phi. Còn tại Việt Nam, phần lớn diện tích đã được bà con chuyển sang trồng các giống lúa chất lượng cao và phân khúc thị trường xuất khẩu khác của Ấn Độ.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành 4 - cho rằng, nếu Ấn Độ mở cửa lại thị trường gạo cấp thấp, trước mắt gạo Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều, ngay cả vụ Thu Đông mà khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sắp xuống giống cũng không ảnh hưởng đáng kể, vì khoảng 60 - 70% diện tích vụ lúa này được người nông dân trồng các giống lúa chất lượng cao, như RVT, ST21 và ST25 để tiêu dùng trong nước và chuẩn bị cho gạo Tết sắp tới. Phần còn lại bán vào các thị trường như Philippines, Trung Quốc, Trung Đông và EU.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2024, sản xuất lúa gạo ước đạt khoảng 43,4 triệu tấn thóc, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và có thể dành khoảng 7,6 triệu tấn gạo cho xuất khẩu. Trong đó, nhóm gạo chất lượng cao khoảng 3,2 triệu tấn, nhóm gạo thơm, đặc sản đạt 2,5 triệu tấn; nhóm gạo chất lượng trung bình đạt 1,15 triệu tấn; nhóm nếp đạt 0,75 triệu tấn.
Theo ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - đến thời điểm này, chúng ta xuất khẩu được khoảng 7 tấn gạo, lượng gạo xuất khẩu còn ở vụ Thu Đông và một ít ở vụ Đông Xuân sớm, số lượng không còn nhiều. Ngoài ra, còn lượng gạo trong kho của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, phân khúc gạo Ấn Độ khác với phân khúc gạo Việt Nam, do đó, mức độ ảnh hưởng từ việc Ấn Độ nới xuất khẩu là có tuy nhiên không ảnh hưởng nhiều đến thị trường gạo của Việt Nam từ nay đến cuối năm.
Hiện, nhu cầu nhập khẩu từ các khách hàng truyền thống của Việt Nam như: Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore... ở mức cao và tăng lên. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đang tích cực mở rộng sang các thị trường mới như: Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Theo dự báo, thế giới sẽ thiếu hụt 7 triệu tấn gạo trong năm nay. Với việc Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, các chuyên gia cũng cho rằng, xu hướng thị trường từ nay đến cuối năm, giá gạo Việt Nam khó có thể xuống sâu hơn, bởi nhu cầu tại nhiều thị trường vẫn đang tăng. Vì vậy, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 dự báo sẽ vượt con số 5 tỷ USD.
Hiện, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất thành lập Hội đồng Lúa gạo quốc gia. Hội đồng là tổ chức phối hợp liên ngành, tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành đối với sự phát triển ngành hàng lúa gạo.
Các chuyên gia kỳ vọng, thời gian tới, hội đồng sẽ góp phần tham vấn và tham mưu cho Chính phủ về thị trường, sản lượng lúa gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, gia tăng xuất khẩu cũng như thu nhập của người trồng lúa.
Hội đồng sẽ tạo nên mối liên kết trong chuỗi giá trị, từ chuỗi cung ứng vật tư đầu vào đến thị trường đầu ra nhằm đảm bảo ổn định sản xuất, nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho gạo Việt.
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Trong kế hoạch sản xuất những năm tới của Việt Nam, ở góc độ ngành trồng trọt, chúng tôi vẫn đặt mục tiêu duy trì trên 7 triệu ha gieo trồng, sản lượng phấn đấu trên 43 triệu tấn thóc, xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo tùy vào nhu cầu thị trường, đồng thời, đảm bảo quyền lợi của người nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu.
Nguyễn Hạnh
Bạn thấy bài viết này thế nào? Kém Bình thường Hứa hẹn ★★★
Tốt ★★★★
Rất tốt
Sao chép thành công