Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Anh trở thành quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 chấm dứt việc sản xuất điện than, đánh dấu sự kết thúc 142 năm sử dụng năng lượng than trong sản xuất điện.
Nhà máy điện Ratcliffe on Soar từng có 3.000 nhân viên, nhưng đã giảm xuống chỉ còn 170 người khi sản xuất điện than bị cắt giảm - Ảnh: THE GUARDIAN
Theo báo Guardian , ngày 30-9, Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 chấm dứt việc sử dụng điện than sau khi nhà máy sản xuất điện than cuối cùng của quốc gia này chính thức ngừng hoạt động.
Theo đó, nhà máy Ratcliffe on Soar ở hạt Nottinghamshire sẽ sản xuất điện lần cuối cùng vào hôm 30-9 sau 57 năm cung cấp điện cho hơn hai triệu hộ gia đình và doanh nghiệp.
Điều này cũng đánh dấu sự kết thúc 142 năm sử dụng năng lượng than tại Anh, kể từ năm 1882 khi nhà máy điện than đầu tiên trên thế giới, Holborn Viaduct, bắt đầu phát điện.
“Việc đóng cửa nhà máy Ratcliffe hôm nay đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên điện than và những người hoạt động trong ngành này có thể tự hào về công việc của mình khi đã cung cấp điện cho quốc gia hơn 140 năm qua. Chúng ta mang ơn các thế hệ đã cống hiến”, Bộ trưởng Năng lượng Michael Shanks chia sẻ.
Vương quốc Anh cũng trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đặt ra thời hạn chấm dứt việc sử dụng điện than từ năm 2025, sau khi áp dụng các quy định về môi trường ngày càng nghiêm ngặt nhằm giảm thời gian hoạt động của các nhà máy điện than.
Điện than từng chiếm tới 80% sản lượng điện của toàn nước Anh vào những năm đầu thập niên 1980 và vẫn chiếm khoảng 40% vào năm 2012, nhưng do thuế carbon ngày càng tăng cao, cùng sự phát triển của những nguồn năng lượng tái tạo rẻ hơn, đến năm 2023, con số này chỉ còn chiếm khoảng 1% tổng sản lượng điện quốc gia.
“Nhà máy sản xuất điện than đầu tiên trên thế giới được xây dựng ở Anh, vì vậy việc Anh trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên thoát khỏi năng lượng than là điều hoàn toàn đúng đắn.
Đây chính là một nhà lãnh đạo toàn cầu thực thụ giúp mở ra con đường cho những quốc gia khác noi theo”, giám đốc tổ chức tư vấn về khủng hoảng khí hậu E3G Ed Matthew khẳng định.
Việc cắt giảm sử dụng điện than đã giúp lượng khí thải nhà kính của Anh hiện tại giảm đi một nửa so với năm 1990.
Với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Anh cũng có kế hoạch giảm carbon trong lĩnh vực điện lực vào năm 2030. Đây được đánh giá là một bước đi cần thiết để tăng cường sản lượng điện do năng lượng tái tạo cung cấp, như năng lượng gió và năng lượng mặt trời.
Trước đó, vào tháng 4, các nước công nghiệp lớn thuộc nhóm G7 đã đồng ý loại bỏ sản xuất điện từ năng lượng than trong năm 2025.
Tuy nhiên, việc cho phép một số quốc gia phụ thuộc vào than có thêm thời gian để thực hiện chuyển đổi đã vấp phải sự chỉ trích từ các nhóm bảo vệ môi trường, cho rằng điều này có thể làm chậm quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững.
Điện than vẫn chiếm đáng kể sản lượng điện của một số nước trong nhóm G7, ví dụ như ở Đức là 25% và Nhật Bản là 30% tổng sản lượng điện quốc gia.