Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Theo thông tin từ Ban Quản lý vịnh Hạ Long (TP Hạ Long), di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đang phải đối mặt với thảm họa ô nhiễm môi trường sau bão số 3, khi hàng nghìn tấn rác thải trôi dạt tràn vào vịnh.
Nguồn rác này gồm chủ yếu là phao nhựa, phao xốp, tre, gỗ, lưới, dây chằng và nhiều vật dụng khác dùng để kết cấu lồng bè nuôi thả thủy sản, cùng với cây cối gãy đổ từ các đảo bị hủy hoại do cơn bão số 3, theo các dòng chảy vào vịnh Hạ Long.
Cũng theo Ban Quản lý vịnh Hạ Long, trong khu vực di sản không có hoạt động nuôi thả thủy sản. Số rác này được xác định từ các cơ sở nuôi thả thủy sản trên địa bàn vùng nước của huyện Vân Đồn, TP Cẩm Phả và thị xã Quảng Yên thông theo các dòng chảy dồn về.
Bè tre nuôi hàu hình thành bãi rác khổng lồ sau bão số 3 ở thị xã Quảng Yên.
Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Ninh, tổng số có tới hơn 2.600 cơ sở nuôi thả thủy sản tại các địa phương trên của tỉnh có lồng bè bị bão đánh tan.
Ghi nhận tại vịnh Hạ Long, có những khu vực thân tre gỗ của bè nuôi hàu quẩn nước ken lại thành quần thể rộng hàng nghìn mét vuông, trong khi phao xốp từ các lồng cá bị vỡ vụn, do chất liệu nhẹ nên nhanh chóng loang ra mặt nước vịnh.
Ông Nguyễn Phong Vân, thuyền trưởng 1 tàu du lịch trên vịnh Hạ Long cho biết, dù vịnh Hạ Long đã phục hồi hoạt động đón du khách ngay sau khi bão qua, nhưng cảnh quan đang bị rác thải xâm hại tạo sự phản cảm rất lớn.
Nguồn rác theo dòng chảy xâm nhập vịnh Hạ Long.
Hơn nữa, xác bè tre, gỗ, phao các loại kết dày đặc mặt nước các vụng gây khó khăn cho việc điều khiển phương tiện tiếp cận bến đỗ tham quan những điểm du lịch nổi tiếng như hang Đầu Gỗ, động Thiên Cung, động Sửng Sốt, bãi Ti-tốp và nhiều vị trí khác.
Thực hiện chiến dịch “3 ngày làm sạch vịnh Hạ Long” do tỉnh Quảng Ninh phát động, Ban Quản lý vịnh đã huy động hơn 200 tình nguyện viên và gần 50 phương tiện thủy, thu gom khoảng 70 bè tre và gần 300m3 rác các loại.
Nhưng do phương pháp thủ công, số lượng rác thải quá lớn, dòng chảy theo thủy triều di chuyển phức tạp, nên rác tiếp tục phát triển trên diện rộng.
Hàng trăm tình nguyện viên được huy động trong chiến dịch "làm sạch vịnh Hạ Long".
Ông Hoàng Văn Định, ngư dân hành nghề tại khu vực biển Hạ Long chia sẻ, mấy ngày qua gia đình ông tạm dừng đi biển để tham gia chiến dịch dọn rác trên vịnh, nhưng chỉ biết dùng vợt nhỏ vớt vật thể nổi gom lên tàu, phương pháp này không mấy hiệu quả khi bề mặt vùng lõi vịnh Hạ Long rộng tới hơn 300km.
Chưa kể vị trí, diện tích và việc xử lý rác thải sau khi thu gom trên vịnh cũng là áp lực không nhỏ đối với địa phương.
Hiện TP Hạ Long đang triển khai nhiều giải pháp ứng phó, nhằm sớm giải quyết thảm họa rác thải này để ổn định môi trường và cải thiện hình ảnh đối với du khách đến với di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Dưới đây là một số hình ảnh rác thải bủa vây vịnh Hạ Long:
Các bè nuôi thủy sản bị bão đánh vỡ trở thành nguồn rác.
Rác phần lớn là tre từ các bè nuôi hàu đại dương.
Cùng các phao xốp trắng vỡ thành nhiều mảnh nhỏ dễ phát tán.
Rác theo các dòng chảy hướng về vịnh Hạ Long.
Rác dạt vào các bãi biển trên vịnh Hạ Long.
Người dân và bộ đội được huy động dọn rác trên biển.
Các bè mảng tự chế cũng được huy động làm phương tiện gom rác.
Rác từ vịnh được thu gom đưa vào bờ.
Nhưng nguồn rác tiếp tục theo các dòng chảy phát triển trên diện rộng.