Báo Thanh Niên,

Bà Phạm Khánh Phong Lan nói về chuyện 'phông bạt' ủng hộ đồng bào vùng bão lũ

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 15:33:46 01/10/2024 theo đường link https://thanhnien.vn/ba-pham-khanh-phong-lan-noi-ve-chuyen-phong-bat-ung-ho-dong-bao-vung-bao-lu-185241001115733958.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
'Những người đóng góp mà 'phông bạt', đùa giỡn thì rất đáng trách, hãy để lương tâm họ tự cắn rứt. Điều chúng ta cần làm trong việc đóng góp là chứng minh được chúng ta không ăn chặn như một số cá nhân đã làm và giải ngân nguồn tiền đóng góp một cách hợp lý'.
Ý kiến trên là của bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM khi tiếp xúc cử tri Q.Gò Vấp trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, diễn ra sáng 1.10. Tham dự tiếp xúc cử tri của Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 7, ngoài bà Phạm Khánh Phong Lan còn có ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.HCM; bà Phan Thị Thanh Phương, Bí thư Quận ủy Phú Nhuận.
Tại buổi tiếp xúc, ông Nguyễn Minh Tới (cử tri P.3, Q.Gò Vấp) kiến nghị: "Về vấn đề kinh phí hỗ trợ người dân không may bị thiệt hại do thiên tai, hiện mỗi địa phương đều đã có chính sách hỗ trợ, tuy nhiên chưa kịp thời, thống nhất, mỗi nơi thực hiện khác nhau. Điều này dẫn đến tình trạng người cần thì không nhận được, người thiệt hại ít thì nhận nhiều, còn người thiệt hại nhiều thì nhận ít. Vì vậy, cần có sự thống nhất của các địa phương trong triển khai thực hiện để đạt hiệu quả cao".
Cử tri Nguyễn Minh Tới phát biểu tại hội nghị
ẢNH: THÚY LIỄU
Ghi nhận ý kiến của cử tri, bà Phạm Khánh Phong Lan , Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết MTTQ Việt Nam là đơn vị có uy tín trong việc kêu gọi đồng bào đóng góp ủng hộ bà con bị thiên tai
"Chúng ta không chỉ nhận nguồn hỗ trợ một cách thông thường mà cần có kế hoạch sử dụng ở góc độ quận, huyện, thành phố và địa phương khác. Tôi rất ghi nhận sự đóng góp của những người dân để hỗ trợ đồng bào. Nhưng tôi cũng rất buồn, khi MTTQ Việt Nam đưa ra sao kê đã cho thấy có những người thay vì đi làm kiếm tiền giúp đồng bào vùng lũ lụt thì họ lại ngồi soi xem ai đóng góp ít, ai đóng góp nhiều", bà Lan nói.
Theo bà Lan, việc có những người soi hàng ngàn trang sao kê như vậy làm mất đi ý nghĩa, sự đoàn kết của việc hỗ trợ đồng bào vùng lũ.
"Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, khi chúng ta gặp hoàn cảnh khốn khó thì giúp một đồng cũng quý. Những người đóng góp mà ' phông bạt ', đùa giỡn thì rất đáng trách, hãy để lương tâm họ tự cắn rứt. Điều chúng ta cần làm trong việc đóng góp là chứng minh được chúng ta không ăn chặn, và giải ngân nguồn tiền đóng góp một cách hợp lý. Nếu tiền đó dùng để tái thiết các vùng bị thiệt hại thì cũng cần có kế hoạch rõ ràng để thông báo cho người dân, có như vậy chúng ta mới giữ được lòng tin của họ", bà Lan nhấn mạnh.
Bà Phạm Khánh Phong Lan trả lời ý kiến của cử tri
ẢNH: THÚY LIỄU
Bên cạnh đó, cử tri Tới cũng đề xuất nhiều ý kiến liên quan đến các vấn đề xã hội , giáo dục. Cho rằng giá sách giáo khoa quá cao, ông Tới đề nghị Bộ GD-ĐT nên chăng cần có phương án dài hạn trong cải tổ sách giáo khoa theo thời hạn 5 - 10 năm, tránh việc mỗi năm sử dụng một bộ sách khác nhau.
Tiếp đó, ông Tới đề nghị Bộ TT-TT cần nghiên cứu xây dựng các kênh phục vụ thiếu nhi, giáo dục cho các em phù hợp với văn hóa Việt Nam. Vì theo cử tri này, các kênh phục vụ giải trí cho trẻ em hiện rất ít, các chương trình chủ yếu đến từ kênh nước ngoài, nội dung không phù hợp với lứa tuổi các em.
Về các ý kiến khác của cử tri, bà Lan nhận định, ngành giáo dục thời gian qua có nhiều vấn đề nhưng chưa có giải pháp căn cơ để giải quyết, vì vậy, cần thể hiện rõ sự kiểm soát của nhà nước để người dân được bảo đảm ở mức cơ bản về quyền lợi của mình.
Sao chép thành công