Báo điện tử Phụ nữ Việt Nam,

Bà Rịa - Vũng Tàu: Phụ nữ dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm vì một cuộc sống tốt đẹp hơn

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 13:37:09 19/09/2024 theo đường link https://phunuvietnam.vn/ba-ria-vung-tau-phu-nu-dan-toc-thieu-so-thay-doi-nep-nghi-cach-lam-vi-mot-cuoc-song-tot-dep-hon-20240918130729648.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Đinh Thu Hiền
Trưởng ấp Lý Thị Sáng (áo xanh) luôn đồng hành với phụ nữ và trẻ em người dân tộc thiểu số tại ấp Khu 1, xã Bình Châu. Ảnh: NVCC
Sự hỗ trợ của chính quyền và Hội LHPN tại địa phương đã giúp bà con người dân tộc thiểu số tại ấp Khu 1, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thay đổi nhận thức, hướng tới cuộc sống tích cực hơn.
Chị Lý Thị Sáng, là người dân tộc Chơ Ro, ngụ ấp Khu 1, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sáng cũng là bí thư kiêm trưởng ấp và là tổ trưởng tổ vay vốn phụ nữ. Tới ấp Khu 1, xã Bình Châu, nghe nói "Sáng tới nè", là bà con vui lắm.
Được các cấp Hội LHPN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đánh giá là người năng động, dù khó tới mấy, Sáng cũng cố gắng để xoay chuyển tích cực công việc. Từ việc chăm lo vấn đề an sinh xã hội cho người đồng bào, tới phát động phong trào vệ sinh môi trường, trồng đường hoa trên địa bàn ấp.
Chị Sáng cũng thường xuyên giúp đỡ những gia đình bà con dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn. Nếu trẻ em của hộ nào đó khó khăn, chị đi vận động các mạnh thường quân để xin học bổng, quần áo, sách vở cho các bé. Thậm chí, chị sẵn sàng tới tận nhà chở các bé đi học. Chị Sáng quan niệm, được tạo điều kiện học hành, những đứa trẻ sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn nên chị cũng cố gắng để cha mẹ bọn trẻ nhận thức được điều này...
"Dân ở đây ai cũng biết Sáng. Từ nhỏ tới lớn, Sáng đã muốn đi giúp đỡ mọi người rồi. Sáng chỉ có chút khó khăn trong gia đình là vì chia tay chồng đã 7 năm nay, một mình Sáng lo cho 2 con, bé gái học lớp 11, bé trai học lớp 7, nên bị thiếu thời gian dữ lắm. Nhà có 3 mẹ con, không có người gánh vác phụ nên thời gian eo hẹp, lúc nào Sáng cũng tất bật, thông cảm nhe", chị Sáng cười tươi rồi vội vàng mang khẩu trang chống nắng, đi lo công việc trong ấp.
Chị Lý Thị Sáng tham gia công tác, là đại biểu HĐND xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu từ năm 2011. Nhớ lại thời bắt đầu bước chân vào làm công tác xã hội, chị Sáng nói khi đó vất vả lắm, ba chồng Sáng bị tai biến, nên Sáng phải chăm sóc. Nhưng vì thấy được niềm vui trong công việc giúp đỡ bà con đồng bào trong ấp nên chị Sáng có thêm nghị lực. Năm 2015, chị Sáng được kết nạp Đảng; năm 2016, cô là Phó ban dân ấp, rồi sau đó làm Trưởng ban.
"May rằng, những việc vận động, phát động trong dân đã được sự đồng thuận, ủng hộ của bà con, của các mạnh thường quân. Đặc biệt, các em học sinh có gia cảnh khó khăn, đều được quan tâm. Ở đây, Sáng đã vận động để có tiền ủng hộ khuyến học mỗi suất 300 ngàn đồng đến 1 triệu đồng, tùy theo hoàn cảnh để trao phần quà thích hợp. Sáng và mọi người còn vận động mua giày dép, sách vở cho các bé. Có bà con nào chưa làm giấy đăng ký kết hôn khi cưới chồng, cưới vợ, hoặc không có giấy chứng nhận độc thân, Sáng đều dẫn họ đi làm", nữ Trưởng ấp Lý Thị Sáng kể.
Ở ấp Khu 1, xã Bình Châu có 2 hộ nghèo. Lê Thị Mỹ Khánh, sinh năm 1989 là người dân tộc Chơ Ro. Khi Khánh mang bầu 4 tháng, vợ chồng Khánh bị tai nạn xe khiến người chồng tử vong tại chỗ còn Khánh thì bị liệt, hôn mê thời gian dài. Khánh sau đó đi lại khó khăn.
Thấy hoàn cảnh của Khánh như vậy, Trưởng ấp Lý Thị Sáng đã làm hồ sơ cho Khánh có bảo hiểm xã hội, được vay vốn từ Ngân hàng chính sách 5,5%/năm. Cùng với sự hỗ trợ của ba ruột, Khánh đã nuôi được 50 con heo. Thỉnh thoảng Khánh bán heo, lấy tiền cho con gái đi học.
Mạnh thường quân hỗ trợ chị Lê Thị Mỹ Khánh để lo cho con gái Khánh Ngọc tới trường. Ảnh: LTS
Hoàn cảnh rất khó khăn nhưng được sự hỗ trợ, quan tâm của các cơ quan hữu trách, Lê Thị Mỹ Khánh ý thức cho con gái là Lê Hồ Khánh Ngọc học hành chỉn chu, đầy đủ.
Bé Khánh Ngọc năm nay học lớp 12, trường THPT Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc. Ngoài giờ đi học, Ngọc rất năng nổ hăng hái tham gia vào các hoạt động của Đoàn thanh niên trong ấp. Những tháng hè, Ngọc nhiệt tình cùng các chị, các bạn thực hiện các phong trào của ấp, như tổ chức Trung thu cho các em nhỏ, giúp người dân cài đặt mã định danh, cài đặt chữ ký số.
Chị Lê Thị Mỹ Khánh sau tai nạn bị tàn tật nhưng đã rất cố gắng để làm việc, lao động, chăm sóc gia đình và con gái. "Em đã được các anh chị trong tổ chức chính quyền, Hội LHPN thường xuyên động viên nên nhận thức rõ rằng chỉ có một con đường để cố gắng đi lên, đó chính là chăm chỉ làm việc và dành dụm tiền cho con gái học hành tới nơi tới chốn, hy vọng con sẽ có tương lai tốt đẹp ", Khánh kể chuyện và khoe tấm hình cô nhận quà từ mạnh thường quân - đó cũng chính là công sức vận động của Trưởng ấp Lý Thị Sáng.
Còn cặp vợ chồng Thị Cúc (dân tộc Jrai) - Huỳnh Văn Mùi (dân tộc Chơ Ro), sinh tới 4 con rồi mà không có giấy kết hôn, con cũng không có giấy khai sinh. Năm rồi, Sáng đã đưa đi làm giấy khai sinh cho tụi nhỏ, còn cho tiền Thị Cúc về quê làm giấy chứng nhận độc thân, để về đăng ký kết hôn. Nhưng Thị Cúc về quê rồi ở lại Tánh Linh, Bình Thuận chưa thấy quay lại Xuyên Mộc. Mới đây chị Sáng phải kêu Thị Cúc phải quay lại để hoàn tất giấy tờ.
Thị Cúc và Huỳnh Văn Mùi có con trai là Huỳnh Anh Kiệt, sinh năm 2017. Kiệt được Đảng ủy xã Bình Châu đỡ đầu, mỗi tháng Kiệt được nhận 500 ngàn đồng để đóng tiền bán trú ở Trường Tiểu học Bình Châu. Được sự vận động của nữ Trưởng ấp Lý Thị Sáng, các mạnh thường quân đã tặng cho bé Kiệt 1 chiếc xe đạp cùng nhiều quần áo, sách vở và giày dép để đi học.
Hai chị em bé Huỳnh Anh Kiệt, Huỳnh Thị Yến Nhi (dân tộc Chơ Ro) nhận quà của mạnh thường quân. Ảnh: LTS
Động lực để chị Lý Thị Sáng làm công việc vì người đồng bào, vì chị hiểu hoàn cảnh của các hộ tại ấp Khu 1 còn nhiều khó khăn. Ấp Khu 1 có 65 hộ dân tộc, giờ còn 61 hộ do người đã mất hoặc gia đình chuyển đi nơi khác sinh sống. "Trong đó 59 hộ tập trung kinh doanh làm ăn, chỉ còn 2 hộ thì không có đất, nên cứ ở tạm trong Khu bảo tồn, chủ yếu đi vào rừng bắt ong, xắn măng nên sống vất vả lắm. Hộ nào cũng được vay vốn ưu đãi, và người dân tộc sống rất có uy tín, trả tiền lãi cho ngân hàng đúng hẹn nên chưa thấy ai bị nợ xấu", chị Lý Thị Sáng kể.
Từ khi làm Trưởng ấp Khu 1 tới giờ, chị Sáng đã vận động mạnh thường quân góp kinh phí trồng 2 tuyến đường hoa với 400 cây hoàng yến, tổng số tiền 21 triệu đồng. Chị còn vận động xin kinh phí để hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho những hộ khó khăn với số tiền 15 triệu đồng; phối hợp với chính quyền cùng ban công tác mặt trận vận động quà cho hộ khó khăn trong 2 năm nay hơn 1.000 suất với số tiền khoảng 300 triệu đồng; làm hồ sơ vay vốn ngân hàng Chính sách Xã hội để hỗ trợ phụ nữ có vốn đầu tư sản xuất. Kết quả có nhiều hộ làm ăn hiệu quả đã thu hồi vốn sớm và hoàn trả tiền lại cho ngân hàng.
Với sự đồng hành của nữ Trưởng ấp Lý Thị Sáng, bà con dân tộc thiểu số ở ấp Khu 1, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc đã có nhiều thay đổi về nhận thức xã hội, nếp nghĩ, cách làm dần có cuộc sống ổn định và tốt đẹp hơn.
Sao chép thành công