Nội dung liên quan Xã Đôn Thuận, Thị Xã Trảng Bàng, Tỉnh Tây Ninh, Tin Trong Nước
Tin nóng an ninh trật tự 24h - Báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh,
Bài 1: Cách đánh giặc bằng việc sử dụng trâu bò
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
07:48:21 22/09/2024
theo đường link
https://congan.com.vn/tin-chinh/bai-1-cach-danh-giac-bang-viec-su-dung-trau-bo_167560.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
(CATP) 60 năm trước đây, trong bài viết để kỷ niệm 10 năm ngày ký kết Hiệp định Genève, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nêu lên những ý kiến nhận xét rất sắc sảo. Đại tướng viết: "Nhân dân miền Nam đã phát huy đến cao độ ưu thế chính trị của mình, sáng tạo ra phương châm đấu tranh đúng đắn và những hình thức đấu tranh vô cùng phong phú. Cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam về chính trị cũng như về quân sự hiện đang phát triển đến một trình độ khá cao với tinh thần sáng tạo không ngừng của quần chúng, nhờ đó mà đã làm thất bại nhiều chính sách và thủ đoạn chính trị hiểm độc của địch, làm thất bại những hình thức chiến thuật tối tân của chúng, giành lấy những thắng lợi liên tiếp ngày càng to lớn". Việc quân dân ta trên chiến trường Nam Bộ trong 9 năm kháng chiến chống Pháp đã sáng tạo ra những phương thức sử dụng chiến binh động vật để đánh giặc đã hoàn toàn xác minh ý kiến nhận xét chí lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ thưở xa xưa, Nam Bộ là miền đất hứa, nơi sinh tụ rất nhiều trâu bò. Cách đây hơn 700 năm, ông Châu Đạt Quan - một thương gia và là nhà hàng hải, đã tham gia sứ bộ của triều đình nhà Nguyên lên thuyền vượt biển Đông để đến vương quốc Chân Lạp. Khi đi trên tuyến đường thủy đạo sông Mê Kông, ông đã được tận mắt trông thấy vô số trâu rừng trên vùng đất Nam Bộ xưa, Châu Đạt Quan viết: "Mọi nơi um tùm, cây cối chen nhau mọc trong rừng, những con sông rộng lớn chạy dài hàng trăm lý. Tiếng chim hót và tiếng thú kêu vang khắp nơi. Hàng trăm, hàng nghìn trâu rừng tựu trung từng bầy ăn cỏ”. Khi nói đến Nam Bộ có nhiều trâu, chúng ta không thể không nhắc tới Đồng Tháp Mười là môi trường thuận lợi để nuôi trâu, bởi vì con trâu không những lội lầy giỏi mà còn thích nghi tốt ở những vùng nước nổi. Trên đất nước ta, không nơi nào cả xe trâu và cộ trâu được sử dụng phổ biến như ở Đồng Tháp Mười. Đồng Tháp Mười cũng là nơi phát kiến đầu tiên của ông cha ta về cách đánh giặc bằng trâu bò. Cách đây hơn 150 năm, vào thập niên thứ 6 thế kỷ XIX, trong cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ nhất, các vị anh hùng dân tộc Võ Duy Dương và Nguyễn Tấn Kiều đã lợi dụng địa hình sình lầy của Đồng Tháp Mười để vận dụng chiến thuật du kích đánh giặc. dưới sự chỉ huy của hai ông, nghĩa quân đã phá tan nhiều đồn bót quân Pháp ở Cái Bè, Cai Lậy, Mỹ Quý, Doi Me, Mỹ Trà... Khẩu đại bác 105 ly quân ta thu được trong trận Tầm Vu, do trâu kéo về căn cứ ngày 19/4/1948 Được sự giúp sức đắc lực của bà con nông dân, các ông đã phát hiện ra nhiều phương thức tác chiến vô cùng độc đáo: đánh giặc bằng rắn, bằng trâu, bằng ong vò vẽ... Trong nghĩa quân của Võ Duy Dương và Nguyễn Tấn Kiều, có những người đã tổ chức các đàn trâu trận rất giỏi, như "Ông Dật" được phong làm "Ngưu quân đại tướng". Ông chẳng những có biệt tài thuần phục trâu rừng hung dữ để phục vụ cho nghề nông mà còn biết cách huấn luyện trâu thuần thục để tham gia trận mạc. Nét độc đáo nhất, đậm chất huyền thoại nhất của việc trâu bò cùng với xe bò, xe trâu và cộ trâu tham gia đánh giặc ngoại xâm đã thể hiện nổi bật trong thế trận chiến tranh nhân dân trải qua 9 năm kháng chiến chống Pháp lần thứ hai (1945 - 1954) trên chiến trường Nam Bộ. Trận hỏa công nổi tiếng: Thiêu hủy đồn giặc bằng 25 chiếc xe bò, xe trâu chở rơm rạ ở tỉnh Gia Định Vào tháng 02/1947 trên chiến trường tỉnh Gia Định, quân ta đã tổ chức một trận đánh "hỏa ngưu kế" rất nổi tiếng để thiêu hủy đồn Thầy Biên tại xã Phú Hòa Đông. Trong dân gian gọi đây là trận đánh "đồn binh la", vì quân ta vừa đánh giặc vừa vận động nhân dân xung quanh đồn nổi dậy la hét dậy trời để uy hiếp tinh thần quân giặc. Chỉ huy trưởng trận đánh này là ông Nguyễn Văn Khạ và Chính trị viên là ông Trần Văn Nữa (Út Nữa). Khoảng 11 giờ đêm, khi trăng vừa lặn, tiếng súng hạ lệnh tấn công bắt đầu, nhân dân trong xã đồng loạt đốt khí đá, đánh thùng thiếc, đánh mõ, thổi tù và, gọi loa và la hét vang trời. Trong khi đó, lực lượng chủ yếu là 600 thanh niên được trang bị dao găm, tầm vông vạt nhọn và bành mủ cao su để chắn đạn, mai phục sẵn đột kích vào đồn. Cùng lúc đó, 25 chiếc xe bò, xe trâu chở đầy rơm được đẩy vào cửa đồn để chặn lối ra của giặc và nhanh chóng phát hỏa. Do nắm vững yếu tố bất ngờ, việc tổ chức trận đánh có bài bản và diễn ra nhanh chóng, nên quân ta đã làm chủ trận địa và tiêu diệt được 29 tên Pháp. Trung tướng Nguyễn Bình - Tư lệnh chiến trường Nam Bộ đã tặng bằng khen cho xã Phú Hòa Đông. Ông cho đây là một trong những trận du kích chiến kiểu mẫu trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp và cần phải nhân rộng điển hình cho các địa phương khác học tập. Chuyện hy hữu trong lịch sử: Hai con trâu chiến kéo đại pháo trong trận Tầm Vu Có thể nói xưa nay trong chiến sử, không nơi nào có những con trâu trận nổi tiếng và đã đi vào huyền thoại kháng chiến như cặp trâu kéo pháo trên chiến trường miền Tây Nam Bộ. Trong ca dao của thời kỳ kháng chiến chống Pháp có lưu truyền hai câu như sau: Trận Láng Le thằng Tây khóc ngất Trận Tầm Vu giặc mất cà-nông. Cà-nông, tiếng Pháp "canon", đó là khẩu đại pháo, là súng đại bác 105 ly. Cách đây 76 năm, vào ngày 19/4/1948, dưới sự chỉ huy của Khu bộ trưởng Khu 9 Trương Văn Giàu và Tham mưu trưởng Võ Quang Anh, quân ta đã tổ chức trận đánh giao thông chiến nổi tiếng tại Tầm Vu (trận Tầm Vu IV) thuộc xã Thạnh Xuân, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ, cách thành phố Cần Thơ 17km về phía Tây Nam. Trong trận này quân Pháp bị tiêu diệt 14 xe quân sự và gần 200 binh lính. Điều đặc biệt là, lần đầu tiên trong cả nước, quân dân ta thu được khẩu đại bác 105 ly và đã sử dụng cách đánh "trâu kéo pháo" hết sức độc đáo. Hồi tưởng lại chiến tích năm xưa, đồng chí Ngô Hồng Giỏi - nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 122, đã kể câu chuyện thật thú vị: Sau khi chiến thắng, quân ta đốt xe địch, thu toàn bộ chiến lợi phẩm và chuẩn bị đưa khẩu đại pháo về khu căn cứ an toàn. Khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ là làm cách nào để kéo khẩu pháo từ trận địa đến bờ rạch Láng Hầm để đưa xuống ghe cà dom chuyển đi. Sau khi bộ đội công binh mở được khóa súng anh em vô cùng phấn khởi, quyết tâm đẩy khẩu pháo nhưng không tài nào di chuyển nổi. Ngay lúc đó anh em đã nghĩ cách phải nhờ đến sức trâu. Thế là tôi cử người cấp tốc chạy vào xóm nhờ bà con chọn giùm một đôi trâu dũng mãnh. Đồng bào hay tin rất phấn khởi và sẵn sàng ra tay giúp sức. Họ không những cho mượn trâu mà còn ra sức hỗ trợ để đẩy pháo... Trong không khí hồ hởi, lớp trâu kéo, lớp người đẩy, ai nấy đều cố hết sức vượt qua con mương lộ, nhưng khi đến một cái mương sình lầy thì khẩu pháo bị lún khiến đôi trâu đuối sức thở hồng hộc, nước mắt và nước bọt cũng chảy ra. Với sự trợ lực của bộ đội ta, đôi trâu cố gắng bườn lên từng bước, nhưng một con đã quỵ xuống và chết ngay tại chỗ. Trong dân gian gọi đây là hiện tượng trâu bị đuối sức, bị "đứt ruột" chết do kéo quá nặng. Con trâu còn lại vẫn một mình cùng bộ đội ta đưa khẩu đại bác tới đích. Sau đó, trâu được thả ra đồng cho nghỉ ngơi để hồi sức. Nhưng nào ngờ vài ngày sau đó, có người đi thăm ruộng đã gặp nó nằm chết bên bờ đìa. Xe bò và xe trâu xung trận trong Chiến dịch Bến Cát Trong sách binh thư xưa, ông cha ta đã dạy rằng xe bò và xe trâu rất hữu dụng trong việc vận chuyển để phục vụ chiến đấu. Trên chiến trường Nam Bộ, nơi sử dụng trâu bò nhiều nhất để làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men và quân trang, quân dụng trong kháng chiến chống Pháp, là các tỉnh miền Đông. Đội quân "trâu trận", "bò chiến" cùng với xe bò, xe trâu, cộ trâu được huy động tham gia trận mạc, nổi bật nhất là trong thời gian Bộ Tư lệnh Quân khu 7 mở chiến dịch Bến Cát tại tỉnh Thủ Dầu Một vào tháng 10/1950. Bến Cát là huyện nằm ở phía đông huyện Gò Dầu, Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) ngăn cách bởi con sông Sài Gòn, là địa bàn có liên hệ mật thiết với chiến trường Tây Ninh. Trong chiến dịch Bến Cát, tỉnh Tây Ninh đã huy động trên 2.000 dân công hỏa tuyến và hàng trăm xe bò, xe trâu để vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược và tải thương phục vụ chiến trường. Chỉ tính riêng một số xã phía đông của huyện Trảng Bàng (như An Tịnh, Đôn Thuận, Lộc Thuận) đã đưa 12.000 lượt dân công đi làm nhiệm vụ tải đạn, tải thương, tiếp tế lương thực cho bộ đội. Xã Gia Bình trên 150 thanh niên đi tòng quân, xã Gia Lộc cho Ủy ban kháng chiến - hành chính xã mượn 82 con bò, 24 con ngựa và 10 cỗ xe bò, xe trâu để phục vụ chiến trường. Sách lịch sử Đảng bộ xã Đôn Thuận đã ghi rõ: Đảng bộ xã Đôn Thuận đã huy động gần 500 người đi dân công tổ chức thành đại đội, trung đội, tiểu đội do đồng chí Tám Long làm chỉ huy trưởng, đồng chí Mười Tròn làm chỉ huy phó phụ trách hậu cần cùng với dân công hỏa tuyến và lực lượng xe bò, xe trâu hăng hái lên đường đi tham gia chiến dịch Bến Cát, làm nhiệm vụ tải thương, tải đạn và tiếp tế lương thực, góp phần phá tan đồn bót trên một phạm vi rộng lớn dọc Quốc lộ 13, Đường 14, Đường 7. Sau một tháng mở chiến dịch Bến Cát (1950), quân ta đã đánh 38 trận tiến công cứ điểm, 2 trận phục kích giao thông chặn viện, 43 trận đánh cơ giới, 2 trận chống càn và 42 trận đánh lẻ tẻ quấy rối. Kết quả ta diệt được 509 tên địch, làm bị thương 155 tên, bắt sống 120 tên, đánh sập hàng chục tháp canh, đồn bót, 12 cầu cống, phá hủy được 2 xe quân sự, 5 đầu máy xe lửa, 7 thuyền máy và tàu thủy đổ bộ, thu nhiều vũ khí, đạn dược và quân trang, quân dụng. Đây là chiến dịch duy nhất được tổ chức thực hiện trên chiến trường miền Đông Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và là lần đầu tiên quân dân ta đã vận dụng sáng tạo cách đánh giặc độc đáo bằng những cỗ xe bò, xe trâu đậm chất huyền thoại. Còn tiếp... TRẦN HỮU PHƯỚC (nguyên Thư ký đồng chí Lê Đức Thọ - Bí thư Trung ương Cục miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp)