Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
VOV.VN - Đối tượng chính của Làng trẻ em SOS Việt Nam là các bé có hoàn cảnh khó khăn, bên cạnh đó có đối tượng cực kỳ quan trọng chính là các mẹ, các dì. Họ đã hy sinh cả cuộc đời của mình để yêu thương và chăm sóc cho các con – dù đó là những đứa trẻ không phải ruột thịt của mình.
Làng trẻ SOS là mô hình gia đình, mỗi gia đình tập hợp thành cộng đồng làng gắn kết. Các làng SOS hoạt động theo 4 nguyên tắc chung trên toàn thế giới, gồm: "Bà mẹ, các anh chị em, ngôi nhà gia đình và cộng đồng làng". Trong đó, nhân tố chính là các "bà mẹ" - là những phụ nữ từ 25 đến 40 tuổi, không có ý định lấy chồng, không có con riêng, cũng không nặng gánh gia đình, tình nguyện tuyên thệ đảm nhận thiên chức làm mẹ, nuôi dưỡng những trẻ mồ côi (có hoàn cảnh đặc biệt) như những đứa con riêng của mình theo đúng nghĩa xã hội học. Mỗi bà mẹ làm chủ một "ngôi nhà gia đình", có toàn quyền định đoạt trong việc nuôi dưỡng từ 8 đến 10 "đứa con" (từ sơ sinh đến 18 tuổi).
Ở mỗi làng trẻ SOS đều có một khu vực dành riêng cho các bà mẹ đã nghỉ hưu, được gọi là nhà công vụ
Ở mỗi làng trẻ SOS đều có một khu vực dành riêng cho các bà mẹ đã nghỉ hưu, được gọi là nhà công vụ. Các mẹ sau khi đã đến tuổi nghỉ hưu sẽ được cấp nhà, đó là căn phòng rộng khoảng 24m2. Tại Làng trẻ SOS Hà Nội có 20 mẹ đến tuổi về hưu, nhưng cũng chỉ có khoảng 6-7 mẹ ở lại hẳn nhà công vụ, các mẹ khác vẫn còn người thân nên về quê để tiện bề chăm sóc.
“Bỗng nhiên có một mảnh vườn và một đàn con” Nhớ lại những ngày đầu đến làng, bà Phạm Thị Tâm (68 tuổi, quê Đông Anh, Hà Nội) không khỏi bỡ ngỡ.
“Ngày đầu tiên đến làng, tự nhiên đón một loạt 5 đứa con về 1 lúc, tôi chẳng biết phải làm sao. Chưa hết làng còn phân cho một mảnh vườn, một căn nhà khiến bản thân tôi thấy hoang mang quá”, bà Tâm nhớ lại.
Bà Tâm cho biết, ở quê bà cũng đã kết hôn, lấy chồng nhưng không có con. Lúc bấy giờ, bà cũng đã 32 tuổi, 13 năm lấy chồng không có con, nên khi thấy làng đưa tin tuyển dụng về các huyện, xã và được chi hội phụ nữ giới thiệu công việc, bà đã quyết định đi ngay.
Vào làng, bà Tâm trải qua các lớp học làm mẹ, làm dì do Làng trẻ SOS Hà Nội tổ chức. Rồi các cuộc bình bầu ai làm dì, ai làm mẹ.
Tại Làng trẻ SOS Hà Nội có 20 mẹ đến tuổi về hưu, nhưng cũng chỉ có khoảng 6-7 mẹ ở lại hẳn nhà công vụ
Kinh nghiệm làm mẹ còn non nớt, trong gia đình mỗi đứa con một tính nết, cùng sự giúp đỡ, chia sẻ của mọi người sống ở làng, dần dần mẹ Tâm cũng thích ứng dần với cuộc sống, hiểu hết từng tính nết của 5 đứa con, giúp các con hiểu rõ về gia đình, về sự đoàn kết của các anh chị em trong nhà. Cho đến trước khi nghỉ hưu, bà Tâm được làm mẹ của tất cả 27 người con.
“Tự nhiên có con gọi mình bằng mẹ, bất ngờ và thiêng liêng lắm. Tôi cũng bắt đầu vào guồng quay của công việc làm mẹ. Các con còn bé, khi các con đi ngủ, một mình giặt một chậu quần áo, làm việc từ 5h sáng đến 10h tối, tối lại cùng các con học bài, khi các con đi ngủ thì lúc đó tôi cũng mới được ngả lưng”, bà Tâm nói.
Mặc dù công việc mò mẫm sớm hôm, chăm con vất vả, nhất lại là những đứa con không phải do mình sinh ra, thế nhưng bà Tâm chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ nghỉ việc. Với bà, có các con bên cạnh là niềm vui, là động lực mỗi ngày.
“Tôi nuôi các con, cùng sát cánh và đồng hành với các con, hiểu được hoàn cảnh của từng đứa một, tôi cũng dần xem các con như con mình. Niềm vui lớn nhất là thấy các con lớn khôn mỗi ngày”, bà Tâm nói.
Và khi các con lớn khôn, đến tuổi kết hôn, bà Tâm khi “hóa” thành mẹ chồng, khi biến thành mẹ vợ trong ngày trọng đại của các con. Chứng kiến các con đến tuổi dựng vợ gả chồng mà nước mắt người mẹ rơi xuống vì hạnh phúc.
Tổ chức một gia đình, thu các con về một mối Bà Đỗ Thị Nhân (Phúc Thọ, Hà Nội) cũng cảm thấy vất vả những ngày đầu mới vào làng, bởi mẹ và con không cùng huyết thống. Bởi có những đứa con may mắn vẫn còn ông bà, cô dì, chú bác nuôi nấng có nề nếp, nhưng cũng có những đứa không may mắn, thiếu sự giáo dục chu đáo của gia đình.
Chính vì thế, khi được giao trọng trách làm mẹ, bà luôn cố gắng tổ chức một gia đình, để thu các con về một mối, dần hình thành một tổ ấm.
“Tôi cố gắng để các con thấy đây chính là ngôi nhà thực sự của mình, giúp gắn kết tình mẹ con. Mỗi ngày thấy đàn con ăn cũng thấy sướng, nó ngủ tôi cũng thấy sướng. Có những đứa con lớn nhanh như thổi, bỗng nhiên tôi cảm thấy có nguồn động lực động viên mình để càng gắn bó với con hơn”, bà Nhân chia sẻ.
Bà Đỗ Thị Nhân (Phúc Thọ, Hà Nội)
Dù không phải là những đứa con do mình mang nặng đẻ đau, nhưng suốt những năm tháng sinh sống tại làng, những người mẹ ở đây luôn dành trọn vẹn cho con cái, toàn tâm toàn ý nuôi các con trưởng thành. Những niềm vui nhỏ nhặt của các con, các mẹ gom nhặt lại thành niềm vui cho chính mình.
“Lúc đi học, các con được điểm tốt thì mẹ phấn khởi, nhưng hôm nào được điểm kém, mẹ buồn lắm. Lúc buồn, mẹ lại động viên các con cố gắng. Ngày trước khi các con đi thi đại học, tôi cũng thắp hương xin bề trên cho các con được may mắn, vừa động viên các con thi được kết quả tốt. Đến lúc có giấy báo đỗ đại học, khi con đỗ mẹ như mở cờ trong bụng, con thì tươi hớn hở. Đó là niềm vui không thể nào tả xiết được”, bà Nhân kể trong niềm hạnh phúc.
Bà Nhân cũng có 27 người con. Mỗi ngày lễ, các con lại tề tựu về nhà công vụ ở làng để thăm non và chúc sức khỏe mẹ. Chỉ đơn giản là một vòng tay ấm áp, một bông hoa nhỏ cũng đủ khiến người mẹ ấm lòng.
“Các mẹ ở đây đều là những người phụ nữ đơn thân, còn các con thiếu sự chăm bẵm của người lớn. Cả 2 hoàn cảnh gộp lại thành một gia đình. Tôi luôn xem đó là niềm hạnh phúc. Cho đến giờ phút này, tôi luôn thầm cảm ơn tổ chức Làng trẻ em SOS Việt Nam nói chung, Làng trẻ em SOS Hà Nội nói riêng đã cho chúng tôi, những người phụ nữ đơn thân có một đàn con ngoan”, bà Nhân nói.
Nhờ mẹ, nhờ làng, những đứa trẻ được “sinh” ra 1 lần nữa Là người nhận được tình yêu thương, bàn tay nuôi dưỡng của các dì, các mẹ ở Làng trẻ em SOS Hà Nội, chị Đỗ Thu Hiền (sinh năm 1990, quê huyện Thanh Trì, Hà Nội) xem đó là một may mắn mà “ông trời” dành tặng. Với chị, nếu không được đưa vào làng, không nhận được bàn tay các mẹ chăm bẵm, chắc giờ này chị cũng không tồn tại.
“Tôi là trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, khi sinh ra không biết bố mẹ mình là ai. Chỉ sau khi lớn lên thì tôi mới biết gốc gác của mình là ở huyện Thanh Trì. Các mẹ vẫn thường hay kể rằng, ngày tôi mới vào làng đầu tóc ghẻ lở, trên cơ thể chi chít vết côn trùng cắn, sức khỏe không đảm bảo, ai nhìn vào cũng thấy xót xa”, chị Hiền nhớ lại.
Tuần nào cũng vậy, chị Đỗ Thu Hiền cũng sắp xếp công việc về Sóc Sơn thăm người mẹ Đỗ của mình
Qua bàn tay chăm sóc của mẹ Đỗ (mẹ nuôi ở làng) và tổ chức SOS, sức khỏe chị Hiền dần ổn định. Giờ đây, khi đã trưởng thành, có công việc, có gia đình và có cả những đứa con bi bô gọi mẹ, chị lại thấy quý giá và trân trọng hơn tình cảm mà mẹ đã dành cho bản thân trong suốt quãng thời gian sống ở làng.
“Mẹ dành cho tôi tất cả tình yêu thương mẹ có. Mẹ chăm tôi từng bữa ăn, giấc ngủ và động viên tôi trong chuyện học hành. Với những người bình thường ở ngoài xã hội luôn xem bố mẹ mình là tất cả, thì với những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt ở làng, điều đó lại thiêng liêng vô cùng. Bản thân tôi thấy như mình được sinh ra một lần nữa vậy”, chị Hiền xúc động nói.
Dù hiện tại đã có cuộc sống riêng, mẹ Đỗ của chị đã nghỉ hưu và vê quê (Sóc Sơn) sinh sống. Thế nhưng dù bận đến đâu, chị đều cố gắng sắp xếp 1-2 tuần để về quê thăm mẹ. Dù chẳng có việc gì vẫn phi xe về ngủ với mẹ 1-2 đêm rồi lại “phi” xe về Hà Nội.
Trong bối cảnh làng đang gặp khó khăn về kinh phí hoạt động, khi sự cắt giảm viện trợ từ các tổ chức SOS quốc tế, chị Hiền cùng các anh chị trưởng thành từ làng đã cùng lên phương án giúp đỡ các em nhỏ. Đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân bên ngoài xã hội cùng chung tay hỗ trợ làng lúc khó khăn.
Mời các bạn xem tiếp Bài 2: Làng trẻ em SOS Việt Nam cũng đang cần “SOS”.