Nội dung liên quan Huyện Nông Cống, Tỉnh Thanh Hóa, Tin Trong Nước
Báo điện tử Đại biểu nhân dân,
Bài 1: Cụ thể chế tài trong thực hiện kết luận, kiến nghị
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
11:08:21 21/09/2024
theo đường link
https://daibieunhandan.vn/bai-1-cu-the-che-tai-trong-thuc-hien-ket-luan-kien-nghi-post390951.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Báo Đại biểu Nhân dân Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND ra đời cùng với Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để hoạt động của HÐND nói chung, hoạt động giám sát nói riêng được triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn những điểm nghẽn cần sớm được tháo gỡ để hoạt động của HĐND ngày càng khoa học, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn mong đợi của cử tri. Trong đó, có 3 vấn đề cần được quan tâm là chế tài - nhân lực và thẩm quyền. Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa khảo sát tại các cơ sở y tế trên địa bàn huyện Nông Cống. Ảnh: Mỹ Hạnh Giám sát là một trong hai chức năng cơ bản của HĐND. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND ra đời đã bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về hiệu quả hoạt động giám sát, đó là: “giám sát của Quốc hội, HĐND là hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước”. Tuy nhiên, luật hiện hành chưa quy định cụ thể, rõ ràng về chế tài trong thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát. Điều này khiến cho hoạt động giám sát của HĐND tỉnh mặc dù rất “sôi động” nhưng có lúc, có nơi vẫn chưa thực sự hiệu quả. Mới chỉ dừng ở kiến nghị, đề xuất Trước tiên phải khẳng định, giám sát của HĐND có ý nghĩa quan trọng. Theo dõi, đôn đốc, giám sát là các hoạt động tiếp nối của HĐND sau khi quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương theo thẩm quyền được phân cấp, nhằm bảo đảm các cơ quan nhà nước hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm tính minh bạch, trung thực trong thực hiện. Đây còn là cách thức kiểm soát quyền lực - một trong những kênh phát hiện, ngăn chặn hành vi tùy tiện, vượt quyền của một số cá nhân, đơn vị. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND ra đời đã bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về hiệu quả hoạt động giám sát. Đó là: “giám sát của Quốc hội, HĐND là hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước”. Việc hoàn thiện hành lang pháp lý cùng với trách nhiệm, trí tuệ, bản lĩnh của đại biểu đã giúp hoạt động giám sát của HĐND ngày càng bài bản, khoa học, thực chất và hiệu quả hơn. Thực tế, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều cuộc giám sát chuyên đề về các vấn đề lớn, bức xúc, nổi cộm của địa phương được nhiều người dân và dư luận quan tâm. Các báo cáo kết quả giám sát của HĐND tỉnh rất chi tiết, đưa ra những kiến nghị, đề xuất góp phần bảo đảm tính hiệu quả của hoạt động giám sát, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tâm tư, nguyện vọng người dân. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, giám sát của HĐND mới chỉ dừng lại ở kiến nghị, đề xuất. Khoản 3, Điều 89 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Nếu xử lý theo thẩm quyền của HĐND thì ngoài đôn đốc, giám sát, kiến nghị ra, Luật chưa cho phép HĐND có một chế tài nào cụ thể để xử lý; nếu kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý thì chưa rõ là cơ quan nào, mức độ xử lý ra sao. Điều này khiến cho một số cuộc giám sát chuyên đề vẫn mang tính hình thức, kiến nghị qua giám sát của HĐND chưa được các cơ quan có trách nhiệm thực hiện đầy đủ và triệt để, làm hạn chế hiệu quả hoạt động, chưa phát huy được tối đa chức năng, quyền hạn của HĐND. Chế tài gắn với quyền bỏ phiếu tín nhiệm của HĐND Trong năm 2023, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa đã giám sát kết quả thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về hoạt động chất vấn, các Kết luận của Thường trực HĐND tỉnh sau giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay. Bên cạnh những chuyển biến tích cực, giám sát cũng cho thấy, công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện các kiến nghị sau chất vấn, sau giám sát của một số đơn vị chưa khoa học, chưa đặt ra mục tiêu và thời gian hoàn thành nên có kiến nghị ban hành từ năm 2021 nhưng đến nay sở chuyên ngành còn đang tổng hợp, rà soát, đôn đốc; có dự án vi phạm, dừng hoạt động hàng chục năm, đến thời điểm giám sát đang báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý. Điển hình, việc ban hành Nghị quyết số 294/NQ-HĐND, ngày 13.7.2022 của HĐND tỉnh Thanh Hóa về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Khóa XVII thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao trước cử tri và Nhân dân, nhằm huy động các cấp chính quyền tập trung, kiên quyết xử lý, ngăn chặn tình trạng dự án được giao đất, cho thuê đất chậm tiến độ. Tuy nhiên, đến nay, tình hình không có chuyển biến so với trước khi chất vấn, số dự án chậm tiến độ không giảm mà còn có xu hướng gia tăng. Dự án chậm tiến độ nhiều, nhưng từ tháng 7.2022 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa tham mưu UBND tỉnh thu hồi được dự án nào. Nhiều dự án chậm tiến độ nhiều năm nhưng chưa được kiên quyết xử lý dứt điểm, gây dư luận không tốt tại địa phương, như: Dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn tại huyện Ngọc Lặc, được UBND tỉnh cho thuê đất năm 2009, dừng việc xây dựng từ năm 2010, đến nay vẫn chưa xử lý được. Có dự án chậm không do lỗi của nhà đầu tư, được cho thuê đất từ năm 2013, đến nay vẫn chưa xử lý xong, như: Dự án Khu dịch vụ tổng hợp khách sạn, nhà hàng siêu thị của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Hoàng Long… Từ thực tiễn trên, cần sớm có chế tài cụ thể đối với việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát của HĐND để HĐND phát huy tối đa hiệu quả hoạt động giám sát. Theo đó, với những vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND thì chế tài cần gắn với quyền hạn của HĐND trong lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, bãi miễn các chức vụ do HĐND bầu. Với những vấn đề khác nằm ngoài thẩm quyền của HĐND thì cần quy định rõ HĐND sẽ kiến nghị với cơ quan nào để xử lý việc không thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát. Không riêng HĐND, trong hoạt động của đoàn ĐBQH cũng có tình trạng kiến nghị sau giám sát của Đoàn ĐBQH chuyển đến cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét giải quyết nhưng chưa nhận được kết quả, giải quyết đến nơi đến chốn do quy định Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND và các quy định có liên quan còn chưa cụ thể. Đặc biệt, Luật chưa bổ sung chế tài quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc xem xét, đôn đốc giải quyết các kiến nghị sau giám sát, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân chậm hoặc không giải quyết kiến nghị của ĐBQH, Đoàn ĐBQH. Từ thực tiễn nêu trên, cần nghiên cứu bổ sung 1 điều trong dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND “quy định cụ thể trách nhiệm và chế tài tương xứng, đủ sức răn đe đối với trường hợp cơ quan, đơn vị khi nhận được kiến nghị sau giám sát của Đoàn ĐBQH, HĐND mà không giải quyết hết chức trách nhiệm vụ được phân công”. Hoạt động giám sát tác động trực tiếp đến số lượng, chất lượng, hiệu quả trong thực hiện các chức năng của HĐND. Để thực hiện tốt hoạt động giám sát, bên cạnh hoàn thiện khung pháp lý thì tổ chức bộ máy như thế nào để hoạt động đạt hiệu quả cao nhất cũng đang là vấn đề đặt ra hiện nay. Nguyễn Quốc Hải - Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Thanh Hóa