Báo điện tử Đại biểu nhân dân,

Bài 1: Khát vọng hòa bình và không chịu khuất phục

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 06:16:46 02/10/2024 theo đường link https://daibieunhandan.vn/bai-1-khat-vong-hoa-binh-va-khong-chiu-khuat-phuc-post391901.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Báo Đại biểu Nhân dân
KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10.10.1954 - 10.10.2024):
Hà Nội hào hoa và anh dũng trong điện ảnh
Hà Nội mùa đông 46 và Đào, phở và piano là hai tác phẩm điện ảnh cùng lấy bối cảnh lịch sử của Hà Nội năm 1946 khi toàn dân tộc đứng lên bảo vệ nền độc lập, tự do cho Tổ quốc theo Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thủ đô Hà Nội hào hoa và anh dũng được tái hiện trung thực trong mỗi thước phim đã đem lại cho đông đảo công chúng cảm xúc tự hào cùng tình yêu quê hương đất nước dâng trào.
Bài 1: Khát vọng hòa bình và không chịu khuất phục
“Hà Nội mùa đông 46” ghi lại thời khắc lịch sử quan trọng của Hà Nội, khai thác khả năng đối nội và đối ngoại đầy trí tuệ của Bác Hồ và các nhà lãnh đạo chính quyền cách mạng trong thời khắc quan trọng đó.
Thủ đô Hà Nội, khoảng 20 giờ ngày 19.12.1946, công nhân nhà máy điện Yên Phụ phá máy, cả thành phố tắt điện. Đó là hiệu lệnh chiến đấu toàn thành, mở đầu kháng chiến toàn quốc. Tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” được mọi tầng lớp Nhân dân Hà Nội giữ vững, chung sức đồng lòng đánh giặc cứu nước với ý chí sục sôi, niềm tin tất thắng. Lực lượng quân dân Thủ đô giam chân địch được hơn 60 ngày đêm, tạo điều kiện cho cả nước có thêm thời gian chuẩn bị bước vào kháng chiến lâu dài. Đến tháng 2.1947, khi địch tăng viện phá vòng vây, lực lượng ta được lệnh rút về hậu phương, cuộc chiến đấu trong các đô thị tạm thời kết thúc để chuyển sang giai đoạn chiến đấu mới.
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh chỉ đạo làm phim “Hà Nội mùa đông 46”. Từ phải sang: diễn viên Tiến Hợi trong vai Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh; diễn viên Ngô Quang Hải trong vai Lâm; Phó Đạo diễn Nhuệ Giang. Ảnh: ĐPCC
Đêm 18.2.1947 Trung đoàn Thủ đô được sự bảo vệ của Nhân dân Hà Nội đã rút khỏi vòng vây quân thù để bảo toàn lực lượng sau khi đã chiến đấu 2 tháng ròng rã để “giữ vững ngọn cờ nước Việt giữa Thủ đô Hà Nội” như lời thư khen ngợi của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp lúc đó.
Năm 1997, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh đã làm bộ phim Hà Nội mùa đông 46 bằng cảm xúc của một người Việt luôn khát khao hòa bình. Ý tưởng về bộ phim được hình thành và nung nấu trong ông suốt những năm dài. Bộ phim nói về những khoảnh khắc sống còn của Hà Nội trước khi phải bước vào một cuộc chiến mà người dân và chính quyền cách mạng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ không hề mong muốn. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ấy chỉ muốn giải quyết mọi công việc với người Pháp để giành độc lập bằng thương lượng.
Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh (do NSƯT Tiến Hợi thể hiện) xuyên suốt bộ phim trong hoàn cảnh, diễn biến đấu tranh đầy cam go, phức tạp, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trước thử thách ngặt nghèo, mà biểu hiện cụ thể là những quyết sách đúng đắn, sáng tạo vừa linh hoạt, mềm dẻo, nhưng cũng rất kiên quyết cùng Trung ương Đảng và Chính phủ lâm thời dẫn dắt toàn dân tộc đứng lên đấu tranh chính nghĩa bảo vệ nền độc lập, tự do.
Bên cạnh đó là các tầng lớp Nhân dân Hà Nội qua sự thể hiện của một thế hệ diễn viên trẻ tài năng là Quách Thu Phương trong vai Lê, vợ của Lâm, một trí thức trẻ tuổi tham gia kháng chiến do Ngô Quang Hải thủ vai; Võ Hoài Nam trong vai người Đội trưởng cảm tử dũng cảm tên Toản; Mai Thu Huyền khi đó mới 17 tuổi trong vai Huệ, nhân vật thiếu nữ Hà Thành được lấy cảm hứng từ bức tranh Thiếu nữ bên hoa huệ của Danh họa Tô Ngọc Vân; Quốc Tuấn tái hiện hình ảnh những văn nghệ sĩ tài năng một lòng theo kháng chiến, theo Đảng, theo Bác Hồ…
Một số cảnh trong phim "Hà Nội mùa đông 46"
Hà Nội mùa đông 46 , Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1997. Bộ phim từng giành Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật - 2007 (là một trong 4 bộ phim của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh được trao tặng); Giải thưởng tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XII năm 1999: Bông Sen Bạc cho phim truyện nhựa, Đạo diễn xuất sắc nhất, Quay phim xuất sắc nhất (Vũ Quốc Tuấn), Âm nhạc xuất sắc nhất (Đỗ Hồng Quân).
Từ chú bé bán báo, ông đồ ngồi viết câu đối trên hè phố đến những người dân ngoại thành, tất cả đã bao bọc, che chở cho cách mạng. Đứa con của Lâm được sinh ra trong tiếng súng nổ báo hiệu toàn quốc kháng chiến đã được đặt tên là Hà Nội như một biểu tượng không bao giờ bị khuất phục của Thủ đô.
Hà Nội trong phim thanh lịch mà hào hùng, tri thức mà anh dũng. Những bản nhạc bất hủ của nhạc sĩ Văn Cao được đạo diễn đưa vào phim, khơi dậy những cảm xúc da diết mà hùng tráng. Trong quán cà phê phố cổ, trên nền tiếng đàn vĩ cầm với thanh âm của Đàn chim Việt , những lời của Toản với Hương (diễn viên Hoa Thúy): “Nhớ Hà Nội, nhớ tiếng đàn, nhớ cà phê và nhớ…” rồi chỉ còn là ánh mắt lưu luyến không rời. Cảnh những chiến sĩ cảm tử cùng nhau hát vang bài Chiến sĩ Việt Nam : “Bao chiến sĩ anh hùng, lạnh lùng vung gươm ra sa trường...” trước khi bước vào trận chiến mới đã cho khán giả thêm bồi hồi, yêu thương những người con Hà Nội làm theo lời Bác: hà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh từng chia sẻ: “Những gì xảy ra trong những ngày cuối năm 1946 chi phối số phận của nhiều người Việt Nam, trong đó có gia đình tôi. Quả thật nếu ngày đó ở bên Nhật, cha tôi ( Giáo sư, Bác sĩ, Anh hùng liệt sĩ Đặng Văn Ngữ, một tài năng lớn của y học Việt Nam - NV) không tình cờ đọc được Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh để rồi từ bỏ tất cả công việc nghiên cứu khoa học, trở về nước tham gia kháng chiến, cuộc đời tôi bây giờ đã đi theo một hướng khác. Chắc chắn tôi sẽ là một Việt kiều sống và làm việc ở Nhật”.
TS. NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà
Sao chép thành công