Nội dung liên quan Thị trấn Phước Long, Huyện Phước Long, Tỉnh Bạc Liêu, Tin Trong Nước
Tin nóng an ninh trật tự 24h - Báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh,
Bài 2: Cách đánh giặc bằng việc sử dụng chim bồ câu
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
08:32:52 23/09/2024
theo đường link
https://congan.com.vn/tin-chinh/bai-2-cach-danh-giac-bang-viec-su-dung-chim-bo-cau_167608.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
(CATP) Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Nam Bộ đã xuất hiện một loại hình binh chủng đặc biệt cả nước ta không nơi nào có - đó là những đàn chim bồ câu đưa thư của ngành quân báo (thuở ấy được gọi là: tình báo, mật vụ, đặc vụ, quân báo). Các đàn chim trận này do Ban Quân báo trực thuộc Bộ Tư lệnh Khu 8 thành lập vào mùa hè năm 1947 tại vùng Cao Lãnh ở chiến khu bưng biền Đồng Tháp Mười. Trải qua 7 năm phục vụ trên tuyến lửa của hai vùng đất thánh ở căn cứ địa Đồng Tháp Mười và chiến khu U Minh, những con chim huyền thoại của ngành quân báo đã để lại cho đời những chiến tích bất diệt trong chiến sử - đặc biệt là con chim bồ câu mang quân hiệu số 8, do lão đồng chí Nguyễn Văn Tỵ dày công nuôi dưỡng và huấn luyện. Cách đây 77 năm, tôi công tác tại Phòng Đồ bản của Ban Quân báo Khu 8, cùng chung đơn vị với đội chim bồ câu đưa thư, nên đã trở thành nhân chứng lịch sử được tận mắt chứng kiến sự ra đời và những năm tháng hoạt động trên hỏa tuyến của đàn chim trận này. Hồi tưởng lại những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, sau chiến thắng vang dội của quân dân ta trong Chiến dịch Việt Bắc thu - đông năm 1947, quân viễn chinh Pháp ráo riết mở các cuộc hành quân càn quét lớn và ra sức xây dựng hệ thống cứ điểm dày đặc trên các trục đường giao thông thủy bộ huyết mạch, nhằm thực hiện việc bao vây chia cắt chiến trường Nam Bộ, biến Nam Bộ thành trọng điểm thực hiện chính sách bình định của chúng. Trong thời gian này, đã có tới 2.000 đồn bót giặc trên vùng đất Nam Bộ, gây trở ngại không nhỏ cho hoạt động của ngành giao liên kháng chiến. Nhiều chiến sĩ giao liên mang công văn "thượng khẩn" hoặc đưa cán bộ đi công tác cấp tốc đêm đêm phải bỏ mình tại các chốt nguy hiểm ở lộ Ba Càng, Rạch Tranh, Phụng Hiệp, Kinh Xáng Chợ Gạo... Nhằm khắc phục hữu hiệu khó khăn này, Bộ Tư lệnh Quân khu 8 chủ trương phải tìm mọi cách để bảo vệ các tuyến đường giao thông huyết mạch, nhằm đảm bảo sự chỉ đạo thông suốt từ cơ quan lãnh đạo đầu não cấp Nam Bộ, cấp Khu tới các địa phương. Những cán bộ quân sự tài năng có công đầu trong việc tổ chức thực hiện vấn đề này là các đồng chí trong Ban Chỉ huy Ban Quân báo Khu 8: Nguyễn Văn Kỉnh, Đinh Văn Ninh, Lê Hùng... Sau khi dày công nghiên cứu nhiều phương án, Ban Quân báo Khu 8 đề xuất ý kiến với Bộ Tư lệnh Quân khu về việc thành lập các đội chim bồ câu đưa thư của ngành quân báo nhằm tiết kiệm xương máu của chiến sĩ giao liên và đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh chóng trong chiến đấu, trong công tác, thế là một đơn vị đặc biệt của ngành quân báo được lấy tên là Đội Không báo (báo tin trên không). Việc thành lập và lãnh đạo hoạt động của Đội Không báo được Ban Chỉ huy Ban Quân báo Khu 8 trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Văn Tỵ (Ba Tỵ) - một cán bộ tận tụy, giàu nhiệt huyết và có kiến thức nghiệp vụ về việc nuôi chim bồ câu đưa thư. Chiến khu Đồng Tháp Mười, tháng 4/1954. Người ngồi đầu tiên trên chiếc xuồng thứ nhất là đồng chí Lê Đức Thọ - Bí thư Trung ương Cục miền Nam trong kháng chiến chống Pháp. Người ngồi đầu tiên trên chiếc xuồng thứ hai là đồng chí Trần Hữu Phước - Thư ký đồng chí Lê Đức Thọ (tác giả bài viết này) Khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện chủ trương này là, ở giữa chốn bưng biền kháng chiến, chúng ta không thể tìm ra loại chim bồ câu đặc chủng để huấn luyện đưa thư. Trong những ngày "vạn sự khởi đầu nan", Đội Không báo khi mới được thành lập, quân số chỉ có nửa tiểu đội và vài chiếc xuồng ba lá. Đồng chí Ba Tỵ và các cán bộ Đội Không báo đã phải vất vả lặn lội khắp nơi để năn nỉ đồng bào mua từng con chim bồ câu ra ràng rồi giúp sức chăm nuôi và tập luyện cho chim. Ngày ngày, Đội Không báo phải chống xuồng vượt qua những bưng sâu, trắp rộng, đầm lầy giữa Đồng Tháp Mười mênh mông hoang vắng để huấn luyện cho chim hành nghề thuần thục. Sau một thời gian được gấp rút xây dựng, Đội Không báo của đồng chí Nguyễn Văn Tỵ đã hình thành và phát triển nhanh chóng. Thực lực của đội gồm có một tiểu đội cán bộ, chiến sĩ, 50 con chim bồ câu đưa thư, 1 chiếc ghe tam bản và 3 chiếc xuồng ba lá. Vào một ngày đầu thu năm 1948, đồng chí Ba Tỵ và đồng đội phấn khởi đứng nhìn đàn chim câu chao mình tung cánh bay qua đồn giặc ở vùng ven Đồng Tháp Mười, mở màn cho buổi xuất chinh không bao giờ quên được của một loại binh chủng hết sức độc đáo trên chiến trường Nam Bộ ra đời trong khói lửa của cuộc kháng chiến toàn dân. Địa bàn hoạt động của Đội Không báo lúc ban đầu, nằm bên hữu ngạn sông Mê Kông - một vùng đất lửa nằm tiếp giáp giữa hai chiến trường miền Trung và miền Tây Nam Bộ. Nhờ đội chim bồ câu đưa thư kịp thời thông tin đều đặn, bộ đội ta mới có thể nắm vững được quy luật vận hành của tàu chiến Pháp trên sông Mê Kông, giúp cho cơ quan tham mưu chủ động xây dựng các kế hoạch tác chiến, giúp cho ngành quân báo theo dõi sát sao được địch tình, nhằm kịp thời ứng phó với các cuộc hành quân càn quét của địch vào căn cứ địa kháng chiến của ta. Bước sang năm 1949, đường bay của Đội Không báo được nối dài sang tả ngạn sông Mê Kông, tạo ra được tuyến đường giao liên trên không rất đắc dụng. Bất chấp nắng mưa giông bão, ngày ngày đàn chim trận của đồng chí Ba Tỵ đã vượt trời cao sông rộng, cần mẫn mang những thông tin ở vùng hậu địch và từ hỏa tuyến chuyển về. Từ 3 tuyến bay được thiết lập trong buổi đầu: Mỹ An, Hậu Mỹ và Vàm Cỏ Tây, bước sang năm 1950, giữa lúc tiếng súng chiến dịch mùa Xuân trên chiến trường Nam Bộ khai hỏa, Đội Không báo mở rộng địa bàn hoạt động và khơi thông nhiều đường bay mới. Trong những năm tháng đó, địa điểm trú đóng của Đội Không báo đã được di chuyển đến nhiều nơi, từ Mương Trân (Cái Vừng), rạch Xã Giáo, rạch Ba Sao đến vùng Nhơn Hòa Lập (kinh Dương Văn Dương)... Trận đánh không thể nào quên mà đội chim bồ câu đưa thư của Ban Quân báo Khu 8 tham gia ở chiến khu Đồng Tháp Mười là trận đánh diễn ra từ ngày 19 đến ngày 23/6/1950. Trong trận đánh này, địch đã cho hải, lục, không quân tập trung đánh phá căn cứ địa của ta. Máy bay chiến đấu của chúng ném bom ở các vùng Gò Tháp, Nhân Hòa Lập, ngã tư kinh Dương Văn Dương, kinh 12, Gãy Cờ Đen, kinh Năm Ngàn... Tàu chiến địch cập bến Mộc Hóa. Bộ binh và xe lội nước kéo lên Gãy Cờ Đen. Nhờ có Đội Không báo của ngành quân báo kịp thời cung cấp thông tin về sự hoạt động của quân Pháp, nên các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và chiến sĩ du kích ta đã phát huy hiệu quả chiến đấu cao. Sau 5 ngày hành quân càn quét, hàng trăm tên địch đã bị loại ra ngoài vòng chiến đấu. Địch buộc phải rút bỏ đồn kiên cố ở Mộc Hóa. Ở Đồng Tháp Mười, trong những năm đầu của Nam Bộ kháng chiến, dân cư thưa thớt, thường cất nhà rải rác trên các bờ kinh xáng. Những con kinh dài từ xưa, xẻ ngang dọc để xả phèn làm ruộng, cũng là tuyến giao thông của ngành giao liên kháng chiến thời đó. Còn nơi trú đóng của các Đội Không báo của ngành quân báo, mặc nhiên đã được định vị xung quanh những nơi đặt bản doanh của các cơ quan lãnh đạo đầu não: Xứ ủy Nam Bộ, Ủy ban kháng chiến - hành chánh Nam Bộ, Bộ Tư lệnh Nam Bộ và Bộ Tư lệnh Khu 8. Những năm tháng ấy, các cơ quan này thường được thiết lập xung quanh vùng kinh Ba Tháp, kinh Dương Văn Dương, kinh Nguyễn Văn Tiếp, vùng Gò Tháp, Gãy Cờ Đen, Cây Vông... Thành tích hoạt động của các đội không báo ở chiến khu Đồng Tháp Mười, không phải chỉ được phát huy tác dụng hữu hiệu trong việc cung cấp thông tin nhanh chóng và kịp thời giúp cho bộ đội ta chiến đấu có hiệu quả cao. Chiến tích nổi bật của những con chim trận này là đã góp phần vô hiệu hóa sự bao vây bằng một hệ thống đồn bót địch dày đặc trên chiến trường Nam Bộ nhằm làm tê liệt hệ thống đường dây giao liên của ta trong kháng chiến. Nhờ có những cánh chim bồ câu đưa thư, Ban Quân báo Khu 8 và Phòng Tham mưu của Bộ Tư lệnh Quân khu ngày càng tiếp nhận được các báo cáo về tình hình ta và địch do cơ quan quân báo ở các địa phương gửi về. Trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, do cơ cấu tổ chức của chiến trường Nam Bộ từ 3 khu (Khu 7, Khu 8, Khu 9) đã được sáp nhập lại thành 2 phân liên khu (Phân liên khu miền Đông và Phân liên khu miền Tây) vì vậy Đội Không báo của Ban Quân báo Khu 8 được tổ chức phân đôi. Một đội lên chiến khu Dương Minh Châu ở Phân liên khu miền Đông, do đồng chí Trần Khắc Chung phụ trách. Một đội xuống chiến khu U Minh ở Phân liên khu miền Tây do đồng chí Nguyễn Văn Tỵ phụ trách. Những năm xuống chiến khu U Minh, Đội Không báo của đồng chí Nguyễn Văn Tỵ chủ yếu đóng ở vùng Ngan Trâu, Ngan Dừa... thuộc tỉnh Bạc Liêu. Đây là nơi có hệ thống sông rạch chằng chịt, từ xưa trong thôn xóm đã có nghề nông, nghề dệt chiếu, nghề rèn và nghề làm bánh tằm. Đây cũng là địa danh nổi tiếng trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Khu 9 - nơi thiết lập tổng hành dinh của Khu bộ trưởng Vũ Đức và nơi đặt chỉ huy sở Mặt trận Phước Long. Chiến tích nổi bật của Đội Không báo trong những năm tháng ở miền Tây Nam Bộ, là đã kết nối hoạt động với chi quân báo đặc biệt của tỉnh Cần Thơ (còn được gọi bằng biệt danh là "chi 50"). Nhờ luồn sâu vào nội thành Cần Thơ - nơi trú đóng của Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở miền Tây, nên đàn chim trận của chúng ta có cơ hội để khai thác địch tình, thường xuyên cung cấp nhiều thông tin quý giá cho Phòng Tham mưu, Bộ Tư lệnh miền Tây Nam Bộ. Trận đánh không thể nào quên có Đội Không báo đồng chí Ba Tỵ tham gia, đó là trận tác chiến của Tiểu đoàn chủ lực 307 đánh bại cuộc càn quét lớn vào chiến khu U Minh - diễn ra tại vàm sông Nhựt Nguyệt và vào thượng tuần tháng 6/1953. Trong trận đánh này quân ta đã bắn chìm 4 tàu chiến trên sông Bảy Háp, diệt hàng trăm tên địch, thu hơn 300 khẩu súng, bảo vệ an toàn các cơ quan lãnh đạo đầu não cuộc kháng chiến. Sau trận đánh, Đội Không báo vinh dự được Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Tây cấp giấy khen, do Tư lệnh Dương Quốc Chính ký. Đây là trận đánh lớn cuối cùng trên chiến trường miền Tây Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp có chim bồ câu đưa thư của ngành quân báo tham gia.