Tin nóng an ninh trật tự 24h - Báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh,

Bạn bè quốc tế chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả siêu bão Yagi

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 12:41:37 18/09/2024 theo đường link https://congan.com.vn/tin-chinh/ban-be-quoc-te-chia-se-ho-tro-viet-nam-khac-phuc-hau-qua-sieu-bao-yagi_167299.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
(CATP) Trước hậu quả bão lũ khắc nghiệt mà người dân Việt Nam đang phải chống chọi để vượt qua thời gian khó khăn này, để thể hiện tinh thần hữu nghị, sẵn sàng hỗ trợ nhau trong hoạn nạn, các quốc gia đối tác, bạn bè quốc tế, các tổ chức nhân đạo trên khắp thế giới đã có những hành động kịp thời nhằm chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam khắc phục những thiệt hại thảm khốc do bão số 3 (Yagi) gây ra.
Ngày 12/9, Cơ quan Phát triển và Hợp tác Thụy Sĩ (SDC) thông báo sẽ cử 6 chuyên gia từ bộ phận Viện trợ Nhân đạo Thụy Sĩ đến Việt Nam và cung cấp 1 triệu franc (khoảng 1,2 triệu USD) để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi. Thông báo cho biết, các chuyên gia, bao gồm các chuyên gia về nước và vệ sinh, nơi trú ẩn khẩn cấp và giảm thiểu rủi ro thiên tai, sẽ hỗ trợ chính phủ Việt Nam đánh giá nhu cầu và xây dựng các phản ứng ngắn hạn và trung hạn. SDC cũng đang chuẩn bị để gửi hàng cứu trợ, bao gồm 300 lều gia đình và 2 hệ thống phân phối nước có khả năng phục vụ 10.000 người. Trong thời gian tới, SDC cũng sẽ liên lạc với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để chuyển hàng hóa thiết yếu do Thụy Sĩ tài trợ đến các khu vực bị ảnh hưởng. Ngoài ra, SDC cũng dành riêng 1 triệu franc để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Đây được xem là nỗ lực cụ thể của Bern cho Quỹ ứng phó thảm họa khẩn cấp của Liên đoàn Chữ thập Đỏ và Trăng Lưỡi liềm Đỏ Quốc tế (IFRC-DREF), đơn vị cũng đã giải ngân tiền để hỗ trợ các hoạt động cứu trợ. Theo đánh giá, Việt Nam là quốc gia ưu tiên của Ban thư ký nhà nước về các vấn đề kinh tế (SECO), đơn vị hiện đang xem xét việc phân bổ lại một số hoạt động để giải quyết các nhu cầu phát sinh từ thảm họa.
Bà Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái và ông Andrew Goledzinowski - Đại sứ Australia tại Việt Nam đã có mặt tại sân bay Nội Bài để chứng kiến lễ bàn giao hàng cứu trợ
Trước đó, bão Yagi đã gây ra thiệt hại nặng nề ở một số quốc gia Đông Nam Á. Gió mạnh, tiếp theo là mưa lớn, đã gây ra tàn phá diện rộng ở Philippines, Trung Quốc và sau đó là Việt Nam. Tại Việt Nam, thời tiết khắc nghiệt đã làm ngập lụt nhiều thành phố và khu vực, gây ra các trận lở đất lớn. Các vùng núi bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Do nhu cầu quá lớn, chính quyền Việt Nam đã đưa ra lời kêu gọi quốc tế hỗ trợ. SDC ghi nhận quá trình sơ tán người dân cùng các biện pháp phòng ngừa khác do chính quyền thực hiện đã giúp giảm thiểu số lượng nạn nhân. Tuy nhiên, hàng ngàn người đã phải di tản và cho đến nay, hàng trăm người được báo cáo đã chết hoặc mất tích. Theo SDC, Việt Nam chưa phải đối mặt với một thảm họa thiên nhiên nào có quy mô như thế này trong hơn ba thập kỷ.
Trước đó, ngày 11/9, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), cung cấp 1 triệu USD viện trợ nhân đạo khẩn cấp để hỗ trợ Việt Nam khắc phục những thiệt hại thảm khốc do bão Yagi gây ra. Khoản viện trợ này sẽ được phân bổ tới các đối tác cứu trợ nhân đạo để có thể tiến hành hỗ trợ tiền mặt cho các mục đích khác nhau, cung cấp nơi lánh nạn, nước sạch, vệ sinh cũng như các các hỗ trợ khác ngoài thực phẩm để đóng góp vào các nỗ lực cứu trợ thiên tai do Chính phủ Việt Nam chỉ đạo đang khẩn trương triển khai trên cả nước. Trong 5 năm qua, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua USAID, đã cung cấp 7,7 triệu USD hỗ trợ khẩn cấp và hỗ trợ sẵn sàng ứng phó thiên tai, trong đó bao gồm đáp ứng các nhu cầu do bão, lũ cũng như nâng cao năng lực cho các đội xung kích phòng chống thiên tai trên cả nước.
Chuyến hàng viện trợ của Australia Aid về đến sân bay quốc tế Nội Bài tối 11/9
Trước những thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra tại Việt Nam, ngày 12/9, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định cung cấp viện trợ nhân đạo trị giá 2 triệu USD (gần 50 tỷ đồng) với hy vọng sẽ góp phần khôi phục các khu vực bị thiệt hại và giúp người dân vùng thiệt hại quay trở lại cuộc sống thường nhật trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, Chính phủ Australia đã công bố sẽ cung cấp cho Việt Nam khoản viện trợ ban đầu trị giá 3 triệu AUD (khoảng 49 tỷ đồng), bao gồm nỗ lực hỗ trợ nhân đạo, vật tư cứu trợ khẩn cấp và các dịch vụ thiết yếu khác nhằm ứng phó với các thiệt hại do siêu bão Yagi gây ra. Lô hàng cứu trợ khẩn cấp đầu tiên đã đến Hà Nội vào tối 11/9. Chuyến hàng viện trợ của Australia Aid được vận chuyển bằng máy bay quân sự C17 của nước này từ sân bay không quân Amberely, với trọng lượng hơn 8 tấn, đến sân bay Nội Bài lúc 18 giờ 30, tối 11/9, mang theo đồ viện trợ gồm 264 dụng cụ vệ sinh cá nhân, 120 dụng cụ bếp, 600 chăn, 264 đồ dùng sửa chữa nhà cửa, 600 thảm ngủ, 522 tấm bạt che và 360 màn. Chuyến hàng được chuyển ngay lên Yên Bái, nơi bị ngập nhiều nhất với hơn 21.000 hộ dân.
Ngày 12/9, thông tin từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, liên quan đến thiệt hại gây ra bởi cơn bão số 3 (có tên quốc tế là Yagi) ở các địa phương miền Bắc vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã gửi điện thăm hỏi đến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Trong điện thăm hỏi, Thủ tướng Nhật Bản bày tỏ đau lòng khi được tin cơn bão số 3 kèm theo mưa lớn và gió mạnh đã đổ bộ vào Việt Nam, làm nhiều người dân thiệt mạng, gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương nơi cơn bão đi qua. Thay mặt Chính phủ và nhân dân Nhật Bản, Thủ tướng Kishida bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc đến các nạn nhân đã thiệt mạng trong mưa bão cũng như gia đình các nạn nhân, đồng thời gửi lời động viên chân thành nhất đến người dân bị thiệt hại do mưa bão. Nhân dịp này, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki cho biết, thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), hiện Chính phủ Nhật Bản đang xem xét tích cực việc hỗ trợ vật tư phục vụ công tác khắc phục hậu quả cơn bão trên cơ sở nhu cầu của phía Việt Nam. Hàng hóa viện trợ từ JICA bao gồm: 40 máy lọc nước bằng tay gồm lọc bơm, lọc lõi với tốc độ lọc 4 lít mỗi phút, công suất tối đa 100.000 lít; 200 tấm bạt nhựa đa năng, dự kiến sẽ được chuyển đến Sân bay quốc tế Nội Bài trong ngày 16 - 17/9.
Chuyến hàng quốc tế hỗ trợ đầu tiên cho vùng lũ Yên Bái
Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai (AHA) sẽ hỗ trợ 2.002 bộ dụng cụ gia đình (gồm xô nhựa, túi đựng nước, khăn tắm, áo phông, màn chống muỗi, nến, đài FM0; 1.008 bộ dụng cụ sửa chữa nhà cửa (dây thừng, cưa gỗ cầm tay, đinh đóng kim loại, xẻng, cuốc, kéo, đinh đóng góc, dây buộc, búa); 1.015 bộ dụng cụ bếp; 3.031 bộ dụng cụ vệ sinh cá nhân (gồm bột giặt, băng vệ sinh, khăn tay, bài chải đánh răng, kem đánh răng, xà phòng vệ sinh, dầu gội). Dự kiến hàng viện trợ được chuyển đến Sân bay quốc tế Nội Bài trong ngày 13 - 14/9.
Về phía Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), cơ quan này đã khẩn cấp vận chuyển 80.000 viên lọc nước tới Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thái Nguyên và 4.000 lít nước tới Bệnh viện tỉnh Lào Cai để bảo đảm cung cấp nước uống cho 800 người. Trong những ngày tới, UNICEF cũng sẽ cung cấp cho các tỉnh Yên Bái và Lào Cai viên lọc nước, bồn chứa nước, bộ lọc gốm, dung dịch rửa tay khô và xà phòng cho chính quyền địa phương để phân phát đến các hộ gia đình, trường học và cơ sở y tế ở đây.
Mới đây, trong bức thư gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính và Văn phòng Chính phủ từ thủ đô New Delhi (Ấn Độ), Chủ tịch Tập đoàn Adani Gautam Adani của Ấn Độ gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến toàn thể nhân dân Việt Nam, đặc biệt những người dân đang phải đối mặt với hậu quả nặng nề mà cơn bão Yagi và lũ lụt đã gây ra. Chia sẻ những khó khăn với Việt Nam, Tập đoàn Adani (tập đoàn lớn nhất Ấn Độ chuyên về cơ sở hạ tầng, năng lượng, chiếm 25% năng lực cảng biển của quốc gia) đóng góp 1 triệu USD vào Ban Vận động cứu trợ Trung ương với mong muốn cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho các hoạt động từ thiện, cứu trợ tại các tỉnh, thành phía Bắc đang bị ảnh hưởng bởi bão lũ và Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp - Hải Phòng trong thời gian tới. "Chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành và sát cánh cùng đồng bào Việt Nam vượt qua thảm họa tự nhiên lịch sử chưa từng có này. Tôi xin chân thành gửi đến người dân Việt Nam lời cầu chúc bình an và mong cho mọi gia đình và cộng đồng đang bị ảnh hưởng bởi bão lũ sẽ sớm khắc phục được những mất mát do thiên nhiên tàn phá", Chủ tịch Gautam Adani khẳng định. Đồng thời, vị tỷ phú cam kết sẽ tiếp tục tập trung đầu tư và sớm triển khai thành công các dự án, nhằm hỗ trợ cộng đồng và thúc đẩy kinh tế Việt Nam hướng tới một tương lai thịnh vượng. Ông Gautum Adani là tỷ phú giàu thứ 15 thế giới, hiện sở hữu gần 83 tỷ USD và là người giàu thứ 2 tại Ấn Độ và Châu Á.
Ngoài ra, các nhà tài trợ khác như: UN Women, Đại sứ quán Pháp, Save the Children... hiện đang làm việc với cơ quan chức năng Việt Nam để thống nhất về phương án hỗ trợ khẩn cấp. Trước đó ngày 9/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp thông tin với các đại sứ quán, tổ chức quốc tế về tình hình bão Yagi. Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam, cho biết nhóm lãnh đạo cơ quan Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ để qua đó hỗ trợ người dân sớm nhất, trọng tâm là hỗ trợ người dễ bị tổn thương như người già, trẻ em.
Nhóm PV
Sao chép thành công