Báo SGGP Online,

Băn khoăn định hướng dạy học cấp THPT

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 11:11:40 28/09/2024 theo đường link https://www.sggp.org.vn/ban-khoan-dinh-huong-day-hoc-cap-thpt-post760912.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 “phủ” hết 3 khối lớp ở cấp THPT. Đây cũng là năm học có kỳ thi tốt nghiệp THPT với nhiều thay đổi, đáp ứng mục tiêu của chương trình mới. Dù vậy, quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 chưa được công bố đang khiến các trường loay hoay trong tổ chức dạy học.
Thấp thỏm kỳ thi đánh giá năng lực
Thầy Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình, TPHCM), cho hay, từ năm học 2022-2023, thời điểm Chương trình GDPT 2018 bắt đầu triển khai ở khối lớp 10, trong các buổi họp cha mẹ học sinh, đã có nhiều câu hỏi về kỳ thi đánh giá năng lực học sinh theo định hướng chương trình mới. Thời điểm đó, nhà trường không thể trả lời.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12, TPHCM) tham gia "lớp học chạy" đầu năm học 2024-2025. Ảnh: THU TÂM
Đến nay, sau khi kết thúc 2 năm học, câu hỏi trên được nhắc lại trong buổi họp cha mẹ học sinh đầu năm học này, nhưng vẫn chưa có câu trả lời. “Bộ GD-ĐT nên sớm ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025, làm cơ sở cho các trường đại học định hướng kỳ thi đánh giá năng lực học sinh. Từ đó, giáo viên và học sinh có thể xác định lộ trình dạy học phù hợp”, thầy Lâm Triều Nghi nêu ý kiến.
Ở góc độ khác, theo thầy Lương Văn Định, Hiệu trưởng Trường THPT Thạnh Lộc (quận 12, TPHCM), nhiều trường THPT đang phân vân giữa 2 cách làm: cho học sinh đăng ký sớm môn thi tốt nghiệp THPT từ đầu năm lớp 12 để xác định được trọng tâm ôn tập và hệ thống kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp; hoặc tổ chức cho học sinh học đủ các môn trong tổ hợp đã đăng ký để đáp ứng yêu cầu của kỳ thi đánh giá năng lực học sinh.
Vấn đề là việc đăng ký sớm môn thi tốt nghiệp có khiến học sinh học lệch một số môn học, dẫn đến khó đáp ứng yêu cầu của kỳ thi đánh giá năng lực với nội dung đánh giá tổng quan nhiều môn? Ngược lại, nếu chờ qua học kỳ 2 mới cho học sinh đăng ký môn thi tốt nghiệp rồi tổ chức củng cố kiến thức, áp lực sẽ đè nặng lên giáo viên, học sinh.
Thầy Lương Văn Định cho rằng, dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 nên xem xét lại quy định xét tuyển học bạ dựa vào điểm trung bình môn học của 3 năm cấp THPT, vì việc này sẽ tạo tiền đề cho học sinh học lệch từ năm lớp 10. Thay vào đó, chỉ nên xét tuyển học bạ đối với kết quả học tập ở năm lớp 12 để tránh tình trạng học sinh “buông” một số môn học, không học đủ các môn trong tổ hợp lựa chọn.
Nhân rộng “lớp học chạy”
Năm học này, mô hình “lớp học chạy” được nhiều trường THPT trên địa bàn TPHCM áp dụng cho học sinh khối 12 nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu đăng ký môn học lựa chọn của học sinh chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12, TPHCM) tham gia “lớp học chạy” đầu năm học 2024-2025. Ảnh: THU TÂM
Đây là năm học đầu tiên Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12) tổ chức “lớp học chạy” cho học sinh khối 12 đối với 2 môn lựa chọn trong số các môn: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Ngoài giờ học chính khóa, những môn lựa chọn được tăng cường thêm 2 tiết ở buổi 2.
Tương tự, ở một số trường THPT như Bùi Thị Xuân (quận 1), Ernst Thälmann (quận 1), Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân)…, học sinh được “học chạy” 2 trong số 4 môn học lựa chọn từ năm lớp 10, 2 môn còn lại học theo tổ hợp cố định.
Riêng tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5), học sinh “học chạy” cả 4 môn lựa chọn. Đại diện các trường đều cho biết, khó khăn lớn nhất đối với việc tổ chức “lớp học chạy” hiện nay là hạn chế về cơ sở vật chất, phòng ốc, khó xây dựng thời khóa biểu và quản lý kết quả học tập của học sinh.
Hiện nay, theo dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 do Bộ GD-ĐT công bố, Ngữ văn và Toán học là 2 môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp. Ngoài ra, học sinh được lựa chọn thêm 2 môn thi trong số các môn học còn lại. Trong đó, các môn Tin học, Công nghệ - công nghiệp và Công nghệ - nông nghiệp lần đầu xuất hiện trong kỳ thi.
Về hình thức, môn Ngữ văn tiếp tục duy trì hình thức thi tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm. Việc xét tốt nghiệp được điều chỉnh tỷ lệ giữa điểm học tập và điểm thi tốt nghiệp THPT của học sinh theo hướng tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả 3 năm học lớp 10, 11 và 12.
Như vậy, nếu những đề xuất nói trên được thông qua, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ có nhiều thay đổi từ số lượng môn thi, nội dung, phương thức đến tiêu chí xét tốt nghiệp.
Do đó, quy chế thi tốt nghiệp nên sớm được công bố để các trường ổn định kế hoạch dạy học, tránh xáo trộn thời khóa biểu do phải điều chỉnh đơn vị lớp, hạn chế tối đa tình trạng học sinh xin chuyển đổi môn học do cảm thấy không phù hợp, phải học bù kiến thức, tạo tâm lý nặng nề cho các em.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc lưu ý, các trường học cần bám sát cấu trúc đề thi minh họa và hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT công bố để xác định kế hoạch dạy học phù hợp với học sinh. Dự kiến cuối tháng 10-2024, Đại học Quốc gia TPHCM sẽ thông tin chính thức về kỳ thi đánh giá năng lực học sinh nhằm giúp giáo viên, học sinh xác định lộ trình học tập phù hợp.
MINH THƯ
Sao chép thành công