hị Hom sinh ra tại một thôn vùng cao của huyện Vị Xuyên, xung quanh các bạn nữ cùng trang lứa chỉ học hết lớp 5, nhiều lắm là lớp 9 đã phải nghỉ học để về lấy chồng, phụ giúp bố mẹ. Chị cho biết, theo quan niệm của người Dao, như vậy mới được gọi là "con ngoan, có hiếu".
"Ở 4 thôn vùng cao của xã từ xưa đến nay không có ai đi học đại học cả, kể cả con trai và con gái. Tôi là người đầu tiên đấu tranh để được đi học. Ngày đấy, không những là phải đấu tranh tư tưởng với bố mẹ mà còn phải với cả họ hàng, làng xóm. Tất cả mọi người đều bảo, con gái không cần phải đi học. Gia đình chỉ đẻ được 2 con gái, mà đẻ 2 con gái đã là cái gì đó rất khó chấp nhận đối với người Dao, xong bây giờ lại không yên phận, lại đòi đi học. Mẹ tôi đã khóc rất nhiều vì lời ra tiếng vào của những người xung quanh..." - đôi mắt chị Hom bất giác đỏ hoe. Dường như quãng thời gian ấy vẫn còn in đậm trong ký ức của chị.
Để được đi học, chị Hom đã phải liên tục đấu tranh tư tưởng với gia đình, họ hàng và những người xung quanh.
Từ lớp 5 lên lớp 6, từ lớp 9 lên lớp 10 và từ lớp 12 lên đại học, mỗi một lần chuyển cấp là một lần phải đấu tranh quyết liệt để được tiếp tục đi học, nhưng chưa bao giờ cô gái trẻ ấy có suy nghĩ từ bỏ. Bởi chị Hom biết được rằng, đi học chính là con đường duy nhất để vươn lên, vượt qua mọi rào cản định kiến giới, khẳng định chính mình. "Mẹ bảo cuộc đời của mẹ 19 tuổi lấy chồng, xong rồi cũng chăm chỉ làm nương, làm rẫy là được. Mẹ cũng muốn 2 đứa con gái như bao người khác, cũng lớn lên lấy chồng, lập gia đình rồi báo hiếu nhà chồng là được. Đẻ được con trai là khẳng định vị trí của người phụ nữ."
Vậy nếu không đẻ được con trai, cuộc đời phụ nữ sẽ ra sao? Câu nói ấy của mẹ càng thôi thúc chị Hom phải kiên trì với con đường đi học. Cứng rắn là vậy, thế nhưng mỗi lần nhìn thấy mẹ khóc, tâm trí chị cũng bắt đầu bị dày vò bởi hàng trăm câu hỏi: "Lúc đấy, tôi cũng nghĩ liệu con đường này mình chọn có đúng hay không? Mình có thật sự là sẽ thành công hay không? Đi học liệu có được gì hay không? Cũng nghĩ hay tôi thật sự là một người con gái bất hiếu vì đến tuổi lấy chồng lại đòi đi học, làm khổ mẹ, khổ gia đình bởi vì gia đình tôi thuộc hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn."
Và rồi, ý chí quyết tâm đi học đã chiến thắng tất cả. Sau khi học xong cấp 3, Bàn Thị Hom tiếp tục xuống Hà Nội học tại Học Viện Thanh thiếu niên. 4 năm dưới Hà Nội, vì gia đình hoàn cảnh khó khăn, chị vừa đi làm thêm vừa học để lo tiền học phí và trang trải cuộc sống. Tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, Hom quay trở về đóng góp cho quê hương.
Những tưởng đấu tranh đi học đại học về thì sẽ có được sự công nhận và một cái nhìn khác từ cộng đồng tại địa phương mình, thế nhưng đó lại là một hành trình khác với chị Hom - Hành trình khẳng định năng lực.
"Tôi rất buồn khi bị nghi ngờ về năng lực của một phụ nữ dân tộc thiểu số. Khi tôi đi xin việc, nhiều người đã nghi ngờ rằng liệu tôi có làm được việc hay không, có giao tiếp tốt hay không? Bởi vì công tác đoàn yêu cầu sự giao tiếp thường xuyên. Liệu có làm việc lâu dài hay là lại bỏ đi lấy chồng cuốc nương, cuốc rẫy. Những nghi hoặc này khiến cho tôi cảm thấy tất cả sự nỗ lực của bản thân mình từ trước đến nay đều trở nên vô nghĩa." - chị Hom tâm sự.
Tham gia nhiều hoạt động cộng đồng đã giúp chị Hom dần khẳng định được bản thân trong công việc.
Không từ bỏ, cô gái người Dao ấy tiếp tục chứng minh, xóa tan những sự nghi ngờ kia. Chị tận dụng từ những cơ hội nhỏ nhất để khẳng định năng lực của bản thân. "Nhiều người nghĩ là người dân tộc thiểu số không thể nào nói tiếng phổ thông lưu loát được. Có lần xã có sự kiện nho nhỏ, thiếu người dẫn chương trình. Có người đề xuất tôi, nhưng nhiều người lại nghi ngờ.
Sau cùng tôi vẫn được giao nhiệm vụ. Lúc tôi lên dẫn mọi thứ từ đầu đến cuối đều rất suôn sẻ, nói ngọng cũng đã sửa được hết từ thời đại học. Nhiều người bất ngờ khi thấy một người con gái dân tộc Dao lại có thể tự tin đứng trên sân khấu và nói lưu loát như thế. Đấy cũng là lần đầu tiên tôi tự chiến thắng chính mình." Nói rồi chị cười, nụ cười không giấu được niềm tự hào.
Chị Bàn Thị Hom (bìa trái) cùng chị em trong thôn đang đóng gói sản phẩm chè Shan Tuyết tại xưởng.
Làm cán bộ đoàn, không chỉ phải đi đầu gương mẫu trong các hoạt động phong trào mà còn phải đi đầu trong phát triển kinh tế. Chị Hom tiếp tục chứng minh khả năng của mình bằng việc đầu tư sản xuất xưởng chè. Nhận thấy rõ tiềm năng, lợi thế của quê nhà là vùng chè Shan Tuyết, chị Hom đã cùng chồng mạnh dạn vay vốn để làm chè sạch, cung cấp ra thị trường với nhiều loại sản phẩm như trà Mẫu Đơn, trà ống Lam, Phổ Nhĩ, Bạch trà, Móng Rồng, Bạch Tiên...
Hiện nay, xưởng Chè của chị Bàn Thị Hom đã bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè búp tươi của 10 hộ gia đình trong thôn. Mỗi năm, trừ các khoản chi phí, gia đình chị thu về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Năm 2023, Chị Hom đã mạnh dạn tham dự cuộc thi Ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp "Ngày phụ nữ khởi nghiệp" do Hội LHPN tỉnh Hà Giang tổ chức và vinh dự giành giải nhất với ý tưởng "Trà Shan tuyết - Nối tiếp tương lai". Ý tưởng này cũng vinh dự lọt vào vòng bán kết Phụ nữ khởi nghiệp với Tài nguyên bản địa khu vực miền Bắc.
Nhờ mô hình chè Shan Tuyết, chị Hom đã tạo thêm công ăn việc làm cho rất nhiều chị em phụ nữ địa phương.
Chị Đặng Thị Buồng - Chi Hội Trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Nà Màu, Phương Tiến cho biết: "Chị Bàn Thị Hom có thể nói là gương hội viên phụ nữ rất tiêu biểu của địa phương. Chị luôn năng nổ nhiệt tình tích cực tham gia các hoạt động phong trào Hội các cấp phát động cũng như rất năng động sáng tạo trong phát triển kinh tế.
Chị đã đưa sản phẩm Chè Shan tuyết địa phương ra thị trường hiệu quả đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình. Chị cũng rất nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm cho hội viên khác, là tấm gương tiêu biểu cho hội viên phụ nữ trong thôn học tập, làm theo."
Những nỗ lực cố gắng của chị Bàn Thị Hom không chỉ được địa phương ghi nhận mà hơn hết là sự thay đổi trong cái nhìn đối với định kiến giới từ công việc, học tập ở cộng đồng dân tộc Dao tại nơi chị sinh sống.
Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân, chị Hom đã làm thay đổi hoàn toàn cái nhìn của những người xung quanh đối với chính mình và đối với phụ nữ người dân tộc Dao. Thế nhưng trong lòng chị vẫn còn rất nhiều nỗi trăn trở: "Đến bây giờ bố mẹ luôn luôn ủng hộ, bởi vì tôi đã dành cả thanh xuân để chứng minh là con gái cũng không thua gì con trai cả.
Tuy nhiên hiện nay tôi vẫn thấy rất buồn, vì cộng đồng dân tộc Dao không phải ai cũng muốn đi học, không phải ai cũng nhìn thấy sự thay đổi của tri thức. Tôi hay chia sẻ với các bạn, các bạn là con gái, là người dân tộc thiểu số, phải ra ngoài kia, nhìn ngắm thế giới bên ngoài đẹp như thế nào rồi mới về lấy chồng. Tôi cũng muốn tiếp tục đi học, vì học cả đời cũng không bao giờ là đủ...".
Anh Đào (thực hiện)