Báo Công An Nhân Dân,

Bảo đảm an toàn hồ - đập vùng hạ lưu sông Ba trước mùa mưa lũ

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 15:36:39 24/09/2024 theo đường link https://cand.com.vn/Xa-hoi/bao-dam-an-toan-ho-dap-vung-ha-luu-song-ba-truoc-mua-mua-lu-i744961/
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Dòng sông Ba lớn nhất miền Trung phát nguyên từ núi Ngọc Rô ở độ cao 1.549m, chảy qua ba tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên với chiều dài 388km. Trước khi đổ ra biển Đông ở cửa Đà Diễn (Phú Yên), con sông này có tên Đà Rằng, đã cung cấp nguồn nước cho hơn 20.000ha lúa. Thế nhưng, vùng hạ lưu sông Ba cùng là nơi tiềm ẩn nguy cơ lũ lụt, nhất là khi những ngày qua, mưa lớn trên diện rộng kéo dài nhiều ngày ở thượng nguồn, mực nước đổ xuống các dòng sông với lưu lượng lớn…
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó trưởng Ban phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Phú Yên cho biết, năm 2023 trên địa bàn tỉnh này xảy ra 4 đợt lũ lụt khiến cho 7 người chết và mất tích, 256 căn nhà ngập nước, hơn 3.872ha lúa hư hỏng, nhiều công trình giao thông, thủy lợi sạt lở, tổng thiệt hại hơn 80 tỷ đồng. So với nhiều năm trước đó, cấp độ mưa lũ năm ngoái ở Phú Yên không cao, hơn nữa các biện pháp PCTT&TKCN đã được chủ động triển khai đồng bộ, kịp thời nên hậu quả thiệt hại giảm thiểu.
Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ trong một lần xả lũ.
Để tạo thế chủ động trước mùa mưa lũ năm nay, ngoài việc kiểm tra, khắc phục thiếu sót tại các hồ chứa thủy lợi, hồ thủy điện; các phương án huy động nhân lực, phương tiện, thiết bị, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ”; bảo vệ, ứng phó khẩn cấp vùng hạ du; di dời, sơ tán người và tài sản ra khỏi tầm nguy hiểm của lũ lụt… đều được Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Phú Yên và các huyện, thị xã, thành phố cùng các ngành liên quan cẩn trọng kiểm tra, rà soát, bổ sung. Theo đó, Sở Công Thương tỉnh Phú Yên đã chủ trì, phối hợp Sở NN&PTNT, Sở Xây dựng, Sở TN&MT, UBND các huyện Đồng Xuân, Tây Hòa kiểm tra hai Nhà máy Thủy điện La Hiêng 2, Đá Đen; còn ba Nhà máy Thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ, Krông Hnăng đã được Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp – Bộ Công Thương kiểm tra.
Đến thời điểm này, các phương án bảo vệ an toàn hồ - đập thủy điện, ứng phó thiên tai, tình huống khẩn cấp của các nhà máy thủy điện đã được Bộ Công Thương và UBND tỉnh Phú Yên thẩm định, phê duyệt theo thẩm quyền. Chủ đầu tư các nhà máy không chỉ tăng cường kiểm tra, bảo dưỡng camera giám sát tại thượng lưu và hạ lưu, còi báo xả lũ, trạm cảnh báo xả lũ từ xa, cửa van đập tràn, tuyến năng lượng, hệ thống thông tin liên lạc, nguồn điện dự phòng tại hồ - đập thủy điện; hệ thống cột mốc cảnh báo lũ, biển cấm, biển cảnh báo... ở vùng hạ du, mà còn thực hiện tốt việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ hồ - đập thủy điện, lắp đặt thiết bị đo mưa, quan trắc mực nước hồ, lưu lượng nước qua tua bin phát điện… để chủ động phân tích, dự báo tình hình, vận hành hồ - đập hợp lý và truyền số liệu về cơ sở dữ liệu của Bộ Công Thương theo quy định. Mặt khác, các nhà máy thủy điện cũng đã thuê đơn vị có chức năng kiểm định an toàn các thiết bị kỹ thuật như cầu trục, cổng trục, palăng điện, bình chứa khí nén, bình điều tốc, xe nâng…
Điều đáng ghi nhận là thời gian qua các nhà máy thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba đã được phê duyệt theo Quyết định số 878/QĐ-TTg ngày 18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ; thường xuyên cập nhật thông tin xả tràn của các hồ thủy điện trên cùng lưu vực, bản tin dự báo khí tượng thủy văn, diễn biến triều cường ở hạ du để tính toán lưu lượng nước về hồ, điều tiết xả tràn và kịp thời thông tin cho các địa phương chủ động phòng tránh lũ lụt, đảm bảo an toàn vùng hạ du.
Ông Châu Đình Quốc, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ cho biết, với 220MW, Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ có công suất lớn nhất trong 5 nhà máy ở vùng hạ lưu sông Ba. Ngoài việc ký kết thống nhất quy chế vận hành giữa các hồ thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông Hnăng, Ayun Hạ, An Khê – Ka Nak, Ia Mlah, Đăk Srông, Đăk Srông 2, Đăk Srông 2A, Đăk Srông 3A, Đăk Srông 3B, đơn vị không chỉ chú trọng kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị kỹ thuật đảm bảo an toàn; xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm túc phương án PCTT&TKCN, mà trước mùa mưa lũ hằng năm doanh nghiệp đều tổ chức diễn tập ứng phó thiên tai, vận hành hồ chứa với những tình huống giả định khó khăn, phức tạp để tạo thế chủ động khi có sự cố xảy ra.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam, phương án ứng phó thiên tai bão lũ tại 8 hồ thủy lợi do doanh nghiệp này quản lý, khai thác với tổng dung tích gần 92 triệu m3 nước đã được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt giữa tháng 9/2024. Doanh nghiệp cũng đã chủ động nguồn nhân lực, vật tư, thiết bị kỹ thuật để xử lý tình huống phát sinh do mưa lũ gây ra.
“Đến thời điểm này chưa phát hiện dấu hiệu bất thường tại các hồ - đập thủy điện ở Phú Yên. Các nhà máy đang vận hành ổn định, an toàn theo Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ và Thông tư số 09/2019/TT-BCT ngày 8/7/2019 của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, để chủ động nâng cao hiệu quả PCTT&TKCN, Nhà máy Thủy điện La Hiêng 2 đang lắp đặt bổ sung trạm cảnh báo lũ từ xa, phao cảnh báo tại đập tràn; Nhà máy Thủy điện Đá Đen lắp đặt thiết bị đo mưa tại đập tràn theo đề nghị của chúng tôi sau cuộc kiểm tra cuối tháng 8/2024” – ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Yên thông tin thêm.
Trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 5 nhà máy thủy điện ở vùng hạ lưu sông Ba là thủy điện Sông Ba Hạ có công suất 220MW, Krông Hnăng 64MW, Sông Hinh 70MW, Sơn Giang 10MW, Đá Đen 9MW thuộc 3 huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa và 1 nhà máy nằm ngoài hạ lưu sông Ba là thủy điện La Hiêng 2 ở huyện Đồng Xuân. Tổng dung tích 6 hồ thủy điện hơn 878,8 triệu m3 nước, trong đó hồ thủy điện Sông Hinh 357 triệu m3, Sông Ba Hạ 349,7 triệu m3, Krông Hnăng 165,7 triệu m3, La Hiêng 2 hơn 3 triệu m3 và Đá Đen 0,29 triệu m3. Riêng thủy điện Sơn Giang không có hồ chứa, mà tận dụng nguồn nước xả từ thủy điện Sông Hinh.
Bên cạnh các hồ thủy điện còn có 51 hồ thủy lợi, trong đó có 16 hồ lớn, 10 hồ trung bình và 25 hồ nhỏ với tổng dung tích hơn 120 triệu m3 nước. Một số hồ chứa lớn như Mỹ Lâm có dung tích 34,8 triệu m3, Phú Xuân 11,2 triệu m3, Đồng Tròn 19,5 triệu m3, Suối Vực 10,5 triệu m3…
Sao chép thành công