Nội dung liên quan Xã Nam Sơn, Huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội, Tin Trong Nước
Báo Nhân Dân,
Bảo đảm chính sách về đền bù, hỗ trợ tái định cư cho người dân xã Nam Sơn
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
12:06:35 04/10/2024
theo đường link
https://nhandan.vn/bao-dam-chinh-sach-ve-den-bu-ho-tro-tai-dinh-cu-cho-nguoi-dan-xa-nam-son-post834741.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Thời gian qua, Báo Nhân Dân nhận được nhiều đơn, thư của hàng chục hộ dân ở xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, phản ánh về việc chính sách đền bù giá đất, giải phóng mặt bằng (GPMB), hỗ trợ tái định cư đối với vùng ảnh hưởng môi trường tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn chưa hợp lý, gây thiệt hại về quyền lợi, ảnh hưởng đời sống của người dân trong khu vực. Các gia đình nhiều năm sinh sống tại Xóm 20, thôn Xuân Bảng, xã Nam Sơn. Hàng loạt nhà ở, công trình xây dựng không được đền bù Ngày 17/01/2019, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 386/QĐ-UBND giao UBND huyện Sóc Sơn thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án Di dân vùng ảnh hưởng môi trường của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (vùng bán kính 500 m từ hàng rào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn), huyện Sóc Sơn. Theo đó, UBND huyện Sóc Sơn có trách nhiệm lập, thẩm định và quyết định thu hồi đất theo quy định hiện hành của Nhà nước, hoàn thành công tác GPMB theo đúng tiến độ, yêu cầu của UBND thành phố… Phần lớn hộ dân nơi đây đã rất vui mừng, mong muốn được di dời càng sớm càng tốt, vì đã hơn 20 năm phải sống trong môi trường ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe. Tuy nhiên, khi nhận phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ tái định cư do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn lập, các hộ dân không khỏi bàng hoàng. Trong căn nhà cấp 4, nằm sát bãi rác Nam Sơn, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Luyện, là một trong những người sống lâu năm tại đây cho biết, gia đình ông cùng 15 hộ dân khác đã sinh sống ổn định, liên tục và không có tranh chấp trên các thửa đất thuộc Xóm 20, thôn Xuân Bảng, xã Nam Sơn từ trước năm 1980. Năm 2013-2015, thửa đất của gia đình ông cũng như các thửa đất của hộ dân khác trong xóm đều đã được UBND huyện Sóc Sơn và Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là sổ đỏ), trong đó, thể hiện rõ có phần đất ở nông thôn và đất trồng cây lâu năm. Do nằm trong vùng bán kính ảnh hưởng môi trường của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, cho nên gia đình ông Luyện cùng 12 hộ dân còn lại thuộc diện phải di dời. Nhưng theo các bản phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn, thì toàn bộ các hộ dân thuộc Xóm 20 không được hỗ trợ giao đất ở, tái định cư và rất nhiều công trình xây dựng trên đất không được bồi thường; phần diện tích đất ở tại nông thôn lại được coi là diện tích đất vườn, ao hoặc đất trồng cây lâu năm không cùng thửa đất ở... Do đó, phần diện tích đất ở này chỉ được bồi thường ở mức 78.000 đồng/m2. Ông Nguyễn Như Oanh (cùng trú tại Xóm 20, thôn Xuân Bảng) cho biết, năm 2015, gia đình ông được chính quyền huyện Sóc Sơn, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội cấp sổ đỏ với phần diện tích đất ở là 200 m2, đất trồng cây lâu năm là 219 m2. Tuy nhiên, trong dự thảo phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, phần đất ở của gia đình ông Oanh bị coi là diện tích đất trồng cây lâu năm không cùng thửa đất ở. Phần diện tích đất ở này chỉ được bồi thường ở mức 15,6 triệu đồng (78.000 đồng x 200 m2), đồng thời không hỗ trợ tái định cư cho gia đình ông. Tương tự trường hợp nhà ông Oanh, bà Nguyễn Thị Thu, cùng xóm cho biết, theo phương án năm 2023, do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn lập vừa qua, phần diện tích đất ở của gia đình bà không được đền bù, tổng số tiền đền bù cho toàn bộ diện tích đất chỉ là 178 triệu đồng (giảm 633 triệu đồng so với phương án cũ lập năm 2019). Bà Thu thắc mắc là tại sao trong sổ đỏ của gia đình bà ghi rõ phần diện tích đất ở là 171,0 m2, nhưng khi đền bù, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn lại xác định phần đất ở là diện tích đất trồng cây lâu năm. Nhiều hộ dân không đồng ý với nội dung phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn và cho rằng, với số tiền bồi thường ít ỏi như vậy lại không được hỗ trợ tái định cư, người dân không thể di chuyển khỏi khu vực ô nhiễm. Nhiều người dân gặp khó khăn Theo phản ánh của các hộ dân, sở dĩ các hộ không nhận được bồi thường đối với diện tích đất ở là do việc UBND huyện Sóc Sơn đã ra các quyết định thu hồi sổ đỏ của các hộ dân, nhưng chưa tuân thủ các trình tự pháp luật. Cùng với đó, việc UBND xã Nam Sơn đã ký Giấy xác nhận về đất, loại đất, nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân có đất ở bị thu hồi khi thực hiện GPMB Dự án Di dân vùng ảnh hưởng môi trường không đúng thực tế, ảnh hưởng quyền lợi người dân. Chủ tịch UBND xã Nam Sơn Hoàng Văn Chung cho biết: Phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của huyện Sóc Sơn được thực hiện dựa trên Quyết định số 3232 ngày 09/8/1999 của UBND thành phố Hà Nội. Quyết định này nêu rõ “hỗ trợ toàn bộ tài sản, công trình trên đất để bà con di dời khỏi vùng ô nhiễm”. Tuy nhiên, người dân chưa được đền bù đất mà chỉ được hỗ trợ tài sản trên đất, cho nên thời điểm đó có hộ đã nhận tiền hỗ trợ ổn định nơi ở 8 triệu đồng, có hộ chưa nhận. Nhiều hộ tiếp tục ở lại mảnh đất của mình, xây nhà và các công trình trên đất để sinh sống. Khi lập phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, UBND xã căn cứ trên Văn bản số 481 thông báo kết luận của Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn với nội dung: Trường hợp diện tích đất ở đã bồi thường, thì xác nhận là đất vườn không cùng thửa đất ở không được đền bù lần thứ 2 mà chỉ được hỗ trợ, còn phần diện tích khác nằm cùng thửa đất đó thì được đền bù. Bên cạnh đó, trước khi xác nhận về đất, loại đất, nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, UBND xã được biết sổ đỏ của các hộ dân đã bị thu hồi. Về việc UBND huyện Sóc Sơn cấp sổ đỏ cho người dân, sau đó lại ra quyết định thu hồi. Ông Nguyễn Thạch Bỉnh, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn cho biết, thực hiện Kết luận số 135/KL-UBND ngày 2/10/2020 của UBND thành phố Hà Nội (về kết luận nội dung tố cáo đối với ông Tạ Văn Đạo-nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn), UBND huyện Sóc Sơn đã tiến hành rà soát đối với các hộ dân có đất nằm trong vùng ảnh hưởng môi trường Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Sóc Sơn, đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ, nhưng không di chuyển, được huyện Sóc Sơn cấp sổ đỏ. Sau đó, UBND huyện mới ban hành các Quyết định thu hồi đất của các hộ dân ở Xóm 20. Liên quan việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn huyện Sóc Sơn, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội có ý kiến: Nội dung đơn của công dân liên quan việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn huyện Sóc Sơn theo quy định của Luật Đất đai năm 2013; theo Điều 4 Quyết định 10/2017/QĐ-UBND ngày 29/3/2017 của UBND thành phố về ban hành quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND thành phố Hà Nội về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội. Như vậy, việc thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án Di dân vùng ảnh hưởng môi trường Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn thuộc trách nhiệm của UBND huyện Sóc Sơn. Từ thực tế nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND huyện Sóc Sơn, kiểm tra nội dung đơn của các hộ gia đình, cá nhân nêu trên và giải quyết theo trách nhiệm, thẩm quyền được giao theo quy định của pháp luật. Trường hợp có vướng mắc vượt thẩm quyền, đề nghị UBND huyện Sóc Sơn báo cáo UBND thành phố để được chỉ đạo thực hiện theo quy định. Thực tế, việc ra Quyết định thu hồi sổ đỏ đã đẩy người dân vào tình thế khó khăn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở Xóm 20, thôn Xuân Bảng. Do vậy, UBND huyện Sóc Sơn cần căn cứ vào các Giấy chứng nhận đã cấp, cũng như hạn mức đất ở tại khu vực Nam Sơn để có phương án bồi thường thỏa đáng, chính xác, tránh gây bức xúc trong nhân dân. Cùng với đó, để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các hộ dân ở Xóm 20, các cơ quan chức cần xem xét rà soát việc cấp và thu hồi sổ đỏ của người dân cũng như việc lên phương án bồi thường chi tiết cho Dự án Di dân vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500 m từ Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn có đúng quy định pháp luật hiện hành không. Các cơ quan có thẩm quyền của thành phố Hà Nội sớm xem xét các báo cáo đề xuất của UBND huyện Sóc Sơn và chỉ đạo để huyện khắc phục những bất cập, giải quyết thỏa đáng, đúng quy định về các khiếu nại, giúp người dân ổn định cuộc sống.