Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Nếu như giá xăng dầu, chi phí vận tải giảm mạnh giúp kìm giữ CPI thì chỉ số giá ngành giáo dục và giá thực phẩm ngược lại tăng vọt. Giá lương thực, thực phẩm tăng cao tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão và hoàn lưu bão; một số địa phương thực hiện tăng học phí theo lộ trình của Nghị định số 97; giá thuê nhà ở tăng được cho là các nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,29% so với tháng trước.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, so với tháng 12/2023, CPI tháng 9 năm nay tăng 2,18% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,63%. CPI bình quân quý III tăng 3,48% so với quý III/2023. Tính chung 9 tháng qua, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,69%.
Trong mức tăng 0,29% của CPI tháng 9 so với tháng trước có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Cụ thể, chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 9 tăng 2,09%, trong đó giá dịch vụ giáo dục tăng 2,33% do một số địa phương điều chỉnh học phí áp dụng cho năm học 2024-2025 ở một số trường dân lập, tư thục các cấp và các trường đào tạo nghề, cao đẳng, đại học và sau đại học để đảm bảo thu chi thường xuyên.
Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 9 so với tháng trước (Nguồn: TCTK).
Bên cạnh đó, tháng 9 là thời điểm bắt đầu năm học mới nên nhu cầu đối với các mặt hàng đồ dùng học tập tăng, giá sản phẩm từ giấy tăng 0,61%; giá bút viết tăng 0,4%; giá văn phòng phẩm, đồ dùng học tập khác tăng 0,35%.
Chiều ngược lại, một số địa phương điều chỉnh giảm học phí do thực hiện Nghị định số 97/2023 của Chính phủ, sau khi đã thu theo Nghị định số 81/2021.
Một số địa phương có chỉ số giá dịch vụ giáo dục tháng 9 tăng mạnh so với tháng trước là Thái Nguyên với mức tăng 12,2%; Sơn La tăng 9,55%; Kiên Giang tăng 8,82%; Thái Bình tăng 7,41%; Đồng Nai tăng 7,69%; Gia Lai tăng 5,53%; Kon Tum tăng 5,31%…
Một số địa phương có chỉ số giá dịch vụ giáo dục tháng 9 giảm so với tháng trước là Điện Biên giảm 36,84%; Tuyên Quang giảm 29,6%; Lạng Sơn giảm 19,25%; Lào Cai giảm 11,12%...
Trong rổ tính CPI, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,92% làm CPI chung tăng 0,31 điểm phần trăm. Trong đó, lương thực tăng 0,77% ; thực phẩm tăng 1,06% (tác động làm CPI chung tăng 0,22 điểm phần trăm); ăn uống ngoài gia đình tăng 0,65% .
Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,52% chủ yếu do giá thuê nhà tăng 0,42% trong bối cảnh nhu cầu thuê nhà tại một số địa phương tăng khi bước vào năm học mới. Giá điện sinh hoạt tăng 0,37%; nước sinh hoạt tăng 0,16%. Giá gas tăng 1,45% do từ ngày 1/9, giá gas trong nước điều chỉnh tăng theo giá gas thế giới. Ở chiều ngược lại, giá dầu hỏa giảm 6,97% so với tháng trước do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng.
Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,24%. Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,15% do chi phí nhân công và nhu cầu mua sắm khi vào năm học mới tăng. Trong đó, giá dịch vụ giày, dép tăng 0,49%; may mặc khác tăng 0,36%; mũ nón tăng 0,27%; quần áo may sẵn tăng 0,16%...
Bên cạnh đó, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14% do chi phí nhân công và nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng đồ dùng trong gia đình tăng khi mưa lũ ngập lụt tại nhiều địa phương. Chiều ngược lại, một số mặt hàng điện tử, điện lạnh có giá giảm so với tháng trước do nhiều cửa hàng, siêu thị tiếp tục áp dụng các chương trình kích cầu mua sắm.
Tháng 9, chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông ghi nhận tăng 0,09%, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05% và nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,03% do nguyên liệu sản xuất đồ uống và chi phí nhân công tăng.
Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm. Trong đó, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,24% do nhu cầu du lịch không còn cao như những tháng cao điểm, nên các công ty du lịch thực hiện các chương trình khuyến mãi để kích cầu.
Đáng chú ý, nhóm giao thông giảm 2,77% góp phần giảm CPI chung 0,27 điểm phần trăm, chủ yếu do giá dầu diezen giảm 8,41%; giá xăng trong nước giảm 6,86%; giá vận tải hành khách bằng đường hàng không giảm 14,66%; vận tải hành khách bằng đường sắt giảm 2,17%; vận tải hành khách bằng đường bộ giảm 0,23%.