Báo SGGP Online,

“Bẫy” cọc bê tông trên lòng sông Rác

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 15:18:18 26/09/2024 theo đường link https://www.sggp.org.vn/bay-coc-be-tong-tren-long-song-rac-post760732.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Mặc dù chưa được cấp phép nhưng nhiều năm qua, nhiều người dân đã tự phát chiếm dụng và đóng hàng ngàn cọc bê tông, cọc tre, cọc gỗ trên lòng sông Rác (đoạn qua xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) để nuôi hàu tự nhiên.
Việc làm này vô hình trung tạo thành những cái “bẫy” vừa gây ảnh hưởng cảnh quan môi trường, đánh bắt thủy hải sản vừa gây mất an toàn giao thông đường thủy, cản trở tàu thuyền qua lại, nhất là vào mùa mưa lũ.
Bãi cọc bê tông đóng dày đặc trên lòng sông Rác
Theo phản ánh của người dân, PV Báo SGGP đã đi dọc tuyến bờ sông Rác ở xã Cẩm Lĩnh và ghi nhận, 2 bên lòng sông Rác từ đoạn sát chân cầu Cửa Nhượng, giáp cửa biển lên tới gần địa bàn xã Cẩm Trung (huyện Cẩm Xuyên), kéo dài nhiều kilomet, khi thủy triều xuống thấp để lộ rõ bạt ngàn bãi cọc bê tông, cọc tre, cọc gỗ các loại đóng cố định trên một vùng diện tích rộng lớn. Phía trên bãi cọc được chằng néo, buộc kết với nhau bằng dây thừng, dây thép và treo hàng loạt chiếc lốp xe máy, lốp xe đạp hỏng đủ các kích thước để cho hàu tự nhiên bám vào. Do là tự phát, mạnh ai nấy làm, tiện đâu người dân chiếm dụng đóng cọc sâu nuôi hàu ở đó và do chưa được quy hoạch, chưa được sự cho phép của chính quyền, cơ quan chức năng nên các bãi cọc này rất lộn xộn, ngổn ngang, lấn chiếm luồng lạch, gây nguy hiểm cho phương tiện tàu thuyền qua lại.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh, cho biết, việc người dân đóng các cọc bê tông, cọc tre, cọc gỗ trên sông Rác để nuôi hàu tự nhiên là tự phát, diễn ra từ khoảng năm 2014-2015 đến nay và chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Tổng diện tích nuôi hàu trái phép trong khu vực là hơn 20ha, kéo dài khoảng 2,5km qua địa bàn các thôn 1, 2, 4, 5, 6. Các cọc này có chiều dài khoảng 1,5-2m, do đóng sâu nên việc tháo dỡ thủ công rất khó khăn, cần phải thuê các thuyền và máy cẩu lớn mới làm được.
Theo ông Nguyễn Văn Hà, thời gian tới, UBND xã tiếp tục tuyên truyền để người dân tự thực hiện tháo dỡ, trả lại lòng sông. Nếu người dân vẫn không thực hiện thì UBND xã sẽ thành lập đoàn để tháo dỡ, cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Đồng thời, UBND xã sẽ đề xuất phương án lên UBND huyện Cẩm Xuyên bổ sung quy hoạch những vùng nào được phép nuôi hàu tự nhiên để đáp ứng nhu cầu của người dân, tránh lãng phí diện tích và đảm bảo công bằng giữa các hộ dân.
DƯƠNG QUANG
Sao chép thành công