Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
VOV.VN - Tại phiên họp thường kỳ tháng 9 năm 2024 để đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm diễn ra chiều 1/10, lãnh đạo TP.HCM cho biết dù giải ngân đầu tư công đang ở mức thấp, nhưng thành phố không thay đổi chỉ tiêu, tiếp tục tìm giải pháp đề giải ngân ở mức cao nhất.
Kinh tế của TP.HCM vẫn đà phục hồi Ông Nguyễn Khắc Hoàng- Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM cho biết, dù ảnh hưởng gián tiếp bởi cơn bão số 3, nhưng dự kiến Quý 3, tăng trưởng của TP.HCM ở mức 7,3%, cao hơn Quý 1 ở mức 6,54%, còn Quý 2 là 6,31%. Những con số này cho thấy, TP.HCM vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, quý sau cao hơn quý trước.
Nổi bật con số thống kê trong 9 tháng năm 2024 là, GDP của TP.HCM tăng khoảng 6,8%. Trong đó công nghiệp, xây dựng tăng 6,6%, khu vực dịch vụ tăng 7,4%.
Ông Nguyễn Khắc Hoàng- Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM (Ảnh: TTBC)
Trong 4 trụ cột, thì 3 trụ cột chính tạo nên tăng trưởng của TP.HCM là: Sản xuất công nghiệp, tiêu dùng và xuất khẩu. Riêng về vốn đầu tư, thành phố đang gặp nhiều khó khăn.
Phân tích về chỉ số tiêu thụ công nghiệp, chế biến chế tạo tăng 9,7% và chỉ số tồn kho giảm 17,7%, ông Hoàng cho rằng, con số này phản ánh được nhu cầu thị trường đang tăng.
Các doanh nghiệp cho biết, đã có đơn hàng ổn định đến cuối năm 2024, thậm chí có đơn hàng đến Quý 1 năm 2025, nhưng theo ông Hoàng, trong thời gian ngắn khó tăng trưởng mạnh, khi chi phí đầu vào tăng nhanh, đặc biệt lương tối thiểu tăng thêm 6%-7% làm ảnh hưởng sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường.
9 tháng qua, tổng mức bán lẻ của TP.HCM duy trì ổn định, ngành du lịch hoàn toàn hồi phục và đóng góp vào sự tăng trưởng của TP, thu ngân sách tăng 14,3%, lạm phát thấp, dư nợ tín dụng có sự tăng trưởng. Đặc biệt, lĩnh vực xuất khẩu, sau thời gian dài giảm thì nay đã tăng và với mức thu tăng 1,2%. Song, theo ông Hoàng, mức bán lẻ chưa tương xứng với tiềm năng, mức chi tiêu của người dân vẫn còn dè dặt…
Mặc dù kinh tế của TP.HCM đang phục hồi, nhưng Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM cho rằng, nhiều vấn đề đã đặt ra, đã có giải pháp quyết liệt nhưng sự chuyển biến chưa được như kỳ vọng, như giải ngân vốn đầu tư công đến nay mới đạt khoảng 20%, môi trường kinh doanh cải thiện chậm, quy mô doanh nghiệp ngày càng có xu hướng nhỏ, tâm lý nhà đầu tư vẫn còn chờ đợi, lĩnh vực bất động sản gặp nhiều khó khăn.
Để đạt mục tiêu năm 2024 đạt mức tăng trưởng 7,5%, theo ông Hoàng, Quý 4, TP.HCM phải đạt mức 9,5%, đây là một thách thức rất lớn. Và giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra, theo ông Nguyễn Khắc Hoàng là:
"Khi chúng tôi đọc Chỉ thị 12 và ngày 12/8 của UBND TP.HCM về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đến 2025, chúng tôi thấy cơ bản tất cả giải pháp có trong đó. Nếu như chúng ta thực hiện một cách tốt và hiệu quả thì nó sẽ tạo một tác động kép. Cho nên, tôi thấy những giải pháp trong đó, chúng ta cần tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát để thực hiện tốt Chỉ thị 12"
Theo ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM, kinh tế TP đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn chưa có đột phá. Muốn đạt được chỉ tiêu cơ bản của năm 2024 và làm tiền đề cho năm 2025 thì phải đột phá, và sự đột phá này phải từ từng sở, từng người, từng lãnh đạo.
Ông Phan Văn Mãi chỉ ra những hạn chế của TP.HCM trong thời gian qua, đó là có nhiều chỉ số kinh tế giảm, như chỉ số FDI, tổng vốn doanh nghiệp đăng ký, đặc biệt là giải ngân đầu tư công. Điều này cho thấy sức khỏe của “lao động chính” đang có vấn đề.
Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo điều hành vẫn còn lúng túng, bị động khi Luật đất đai và các luật sửa đổi có hiệu lực thì TP đã ứng xử chưa kịp thời. Song song đó, nhiệm vụ lớn giao cho các sở, ngành còn tồn đọng khá lớn, như Sở Kế hoạch Đầu tư có 8 nhiệm vụ trễ hạn, Sở Quy hoạch Kiến trúc có 11 nhiệm vụ trễ hạn, Sở Tài nguyên Môi trường có 4 nhiệm vụ trễ hạn…
Nói về việc kiểm tra công tác tại sở, ngành trước khi diễn ra hội nghị ngày hôm nay, ông Phan Văn Mãi cho hay, vừa qua đi kiểm tra có tình trạng giám đốc không biết, hoặc bỏ quên nhiệm vụ. Nếu không nhận diện ra được hạn chế này thì công việc đợt tới sẽ còn tồn đọng nữa.
Về Nghị quyết 98, dù đã có Nghị quyết của HĐND TP, nhưng việc triển khai còn chậm, cho thấy sự phối hợp giữa các sở ngành của thành phố còn rất khó khăn. Tính hiệu quả hành chính tại mỗi cơ quan còn chưa cao.
Ông Phan Văn Mãi đề nghị: "Tôi muốn nói từ những cái tồn tại, hạn chế đó. Rất mong, từng đồng chí thủ trưởng, giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành thành phố, Chủ tịch các quận huyện, các đồng chí rà soát lại để làm sao chúng ta nâng hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan mình và trong phối hợp để hệ thống hành chính thành phố hiệu quả hơn".
Không thay đổi chỉ tiêu về đầu tư công Dự và phát biểu tại phiên họp, ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP.HCM đánh giá, TP.HCM đã thực hiện, tổ chức triển khai bài bản, kỹ lưỡng nhiệm vụ, kế hoạch trọng tâm đặt ra; đã có chỉ đạo, triển khai kịp thời các chính sách mới của Trung ương.
Ông Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp (Ảnh: TTBC)
Kết quả kinh tế xã hội, có những con số cụ thể, rất đáng khích lệ. Các chỉ số quan trọng hầu hết đều tăng so với cùng kỳ. Có một số chỉ số tăng nhưng không cao bằng cả nước, nhưng chúng ta phải hết sức bình tĩnh và đánh giá về giá trị của con số đó.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Nên, những gì làm được là chưa đủ và nhiều ngành nhiều lãnh đạo, cán bộ chưa làm hết trách nhiệm, nên cần phải xem lại mình, để nỗ lực cố gắng, khi có vấn đề xảy ra thì phải kịp thời báo cáo để cùng nhau chịu trách nhiệm.
Vấn đề đầu tư công, ông Nguyễn Văn Nên mong muốn, cần tập trung, nỗ lực giải ngân đầu tư công từ đó giúp các chỉ số kinh tế khác được cải thiện.
Ông Nguyễn Văn Nên nói: "Tôi đề nghị, vấn đề đầu tư công đã kiểm điểm từ năm ngoái rồi, chúng ta quyết tâm với nhau, cam kết với nhau và năm ngoái làm rất gắt. Và lấy cái “gắt” của năm ngoái để làm lại. Đề nghị các chủ đầu tư, người đứng đầu địa phương điều hành theo tinh thần của năm ngoái. Đăng ký quyết tâm nếu làm không được thì sẽ xử lý. Nếu đồng chí không làm việc phải làm, có biểu hiện không dám làm thì sẽ xử lý nghiêm".
Tính đến thời điểm này, TP.HCM đã giải ngân được hơn 20% đầu tư công. Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP.HCM không điều chỉnh chỉ tiêu và sẽ tập trung các giải pháp để giải ngân được ở mức cao nhất là 95% trong tổng số 79.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được phân bổ trong năm 2024./.