Báo Nhân Dân,

Bình Thuận công bố bảo vật quốc gia Linga

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 14:50:39 02/10/2024 theo đường link https://nhandan.vn/binh-thuan-cong-bo-bao-vat-quoc-gia-linga-post834357.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
NDO -
Sáng 2/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia Linga vàng gắn với Khai mạc Lễ hội Katê năm 2024 diễn ra tại di tích tháp PôSahInư (thành phố Phan Thiết). Đến tham dự có đồng chí Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận.
Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, hiện vật Linga bằng vàng được phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ năm 2013 tại di tích tháp Pô Dam, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia đợt 12, năm 2023 tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024. Bảo vật quốc gia Linga vàng có niên đại khoảng thế kỷ VIII-IX, là hiện vật gốc độc bản, quý hiếm, có hình thức độc đáo; có giá trị về lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ; là biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở của vạn vật và muôn loài, được chế tác rất đặc biệt có trọng lượng 78,36 gram, với tỷ lệ vàng ròng chiếm 90,4 %, 9,6% còn lại là bạc và đồng.
Người Chăm biểu diễn văn nghệ trong lễ công bố.
Hiện vật Linga được phát hiện ngay trong địa tầng trong quá trình khai quật khảo cổ, chứa đựng những thông tin khoa học quan trọng, có giá trị lớn đối với công tác nghiên cứu và nhận thức các vấn đề về văn hóa-lịch sử liên quan đến di tích Pô Dam nói riêng và văn hóa Chăm nói chung. Bảo vật quốc gia Linga vàng là tư liệu khoa học quan trọng không chỉ đối với khảo cổ học, mà còn có giá trị lớn đối với nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, tôn giáo, kỹ thuật luyện kim, nghề kim hoàn… của cộng đồng người Chăm.
Hiện vật Linga được công nhận bảo vật quốc gia.
Lễ công bố bảo vật diễn ra đúng vào thời điểm đồng bào Chăm đang vui mừng chào đón Lễ hội Katê năm 2024 tại di tích tháp PôSahInư. Đây là Lễ hội truyền thống của đồng bào Chăm diễn ra hàng năm vào đầu tháng 7 Chăm lịch nhằm thể hiện sự thành kính, biết ơn đối với các vị thần linh, ông bà, tổ tiên đã bảo bọc, chở che cho con cháu khỏe mạnh, cuộc sống bình an, no ấm và hạnh phúc; thể hiện khát vọng của cộng đồng luôn cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Lễ hội của người Chăm.
Đồng thời, lễ hội cũng là dịp để đồng bào thắt chặt tinh thần đoàn kết, mối tương thân tương ái, nâng cao ý thức về cội nguồn dân tộc, giá trị đạo đức, tinh thần hòa hợp, gắn kết các thành viên trong cộng đồng lại với nhau.
Lễ hội truyền thống của người Chăm.
Lễ hội Katê không chỉ là lễ hội truyền thống đặc sắc gắn với tập quán xã hội và tín ngưỡng của đồng bào Chăm, mà còn là một trong năm lễ hội đặc sắc của tỉnh được đưa vào Danh mục các lễ hội tiêu biểu của địa phương cần bảo tồn và phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch. Năm 2022, lễ hội đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần rất lớn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của địa phương.
Sao chép thành công