Báo Thanh Niên,

Bún riêu 'treo' ấm áp tình người ở TP.HCM

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 08:21:26 02/10/2024 theo đường link https://thanhnien.vn/bun-rieu-treo-am-ap-tinh-nguoi-o-tphcm-18524093022043901.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
"Treo một tô bún, đổi lấy một nụ cười" là suy nghĩ của chủ quán với hy vọng người nghèo có bữa ăn no bụng, đong đầy yêu thương. Dòng thông báo " Bún treo đồng giá 25.000 đồng/tô. Bạn có thể để lại một phần ăn san sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng. Gửi tặng mọi người mấy tô bún cho ấm lòng nha " nhận được nhiều lời khen từ dân mạng. Ai nấy đều ấm lòng khi biết đến quán bún ngập tràn yêu thương, san sẻ với người nghèo . Quán ở địa chỉ 1829 đường Phạm Thế Hiển, Q.8, TP.HCM. Chủ quán là bà Trần Thị Thúy Hồng (57 tuổi).
Bà Hồng ghi số lượng bún treo mỗi ngày
ẢNH: DƯƠNG LAN
"Treo" bún, nhận niềm vui Bà Hồng cho biết, cách đây không lâu tình cờ xem trên ti vi nói về quán phở "treo" ở Hà Nội. Bà cũng muốn làm mô hình tương tự về bún riêu "treo" để người nghèo xung quanh có những bữa ăn no bụng. Người phụ nữ bày tỏ nguyện vọng với con gái và nhận ngay cái gật đầu đồng ý. Bà bán bún riêu cách đây 15 năm, giờ đây "treo" thêm bún để bà con không có điều kiện vẫn được thưởng thức.
Mỗi ngày chủ quán và con gái "treo" cố định hàng chục tô bún. Nhiều khách ghé quán ăn xong thấy dòng thông báo liền ngỏ ý gửi thêm tiền để quán "treo" được nhiều tô hơn. Từ sáng sớm, nhiều thực khách của bún "treo" đã đợi sẵn, xếp hàng lịch sự nhận những phần ăn miễn phí, bổ dưỡng.
Quán 'bún treo' ở TP.HCM: Bữa sáng miễn phí cho người nghèo
"Tôi không suy nghĩ đến chuyện lời lãi khi làm việc này. Tôi có sẵn nhà ngay mặt đường, không mất tiền thuê mặt bằng nên có thể hỗ trợ trong khả năng. Tôi đi lên từ hai bàn tay trắng nên thấu hiểu sự vất vả của những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống", bà Hồng bày tỏ.
Dòng thông báo về bún “treo” nhận được quan tâm của dân mạng
ẢNH: DƯƠNG LAN
Nhiều khách quen của quán lâu nay là những người lao động nghèo. Vì vậy, mỗi tô bún dù giá 25.000 đồng nhưng thấy người nào khó khăn thì giá bao nhiêu bà Hồng cũng bán. "Tôi hỏi những người đến nhận bún miễn phí và được biết không ít người thường xuyên phải nhịn bữa sáng. Giờ bà con không phải đắn đo tiền bạc, nhận bún về ăn để có sức làm việc, buôn bán kiếm tiền", bà Hồng chia sẻ.
Nhân lên những tấm lòng thơm thảo Chị Trương Trần Như Ý (27 tuổi), con gái bà Hồng, bày tỏ sự hào hứng khi mẹ ngỏ ý muốn gửi những phần bún miễn phí cho người nghèo. Chị hỗ trợ mẹ in các dòng thông báo, đăng tải lên mạng xã hội lan tỏa đến mọi người. Khách quen, bạn bè biết đến nhiệt tình ủng hộ và gửi thêm tiền bù những phần bún đó. "Mẹ tôi bán bún từ lâu rồi, tôi lớn lên bằng gánh hàng của mẹ. Mẹ nấu rất đảm bảo, các thành viên trong gia đình ăn như thế nào mẹ bán cho khách như vậy. Từ khi có những phần bún "treo", quán nhộn nhịp và hai mẹ con tôi có thêm nhiều niềm vui", chị Như Ý cho hay.
Bà Gấm (phải) nhận bún từ chủ quán
ẢNH: DƯƠNG LAN
Không chỉ người quen, bạn bè ủng hộ, chị Như Ý rất xúc động khi một người bán vé số đã đến quán và ủng hộ. Cả người cho và người nhận bún đều cảm thấy ấm lòng vì những nghĩa cử cao đẹp trong cuộc sống. "Chú bán vé số đi chiếc xe dành cho người khuyết tật đến quán không lấy bún mà đưa cho mẹ 200.000 đồng để treo thêm 8 tô bún. Chú ấy nói hôm đó bán đắt hàng nên muốn dành sự may mắn giúp những người khác. Hôm vừa rồi chú quay lại nói đang phải gửi tiền về quê cho mẹ nên hẹn lần khác sẽ gửi tiền. Tôi nhận ra rằng không chỉ những người có điều kiện mới san sẻ tấm lòng mà những hoàn cảnh có thể chưa đủ đầy vẫn luôn có tấm lòng thơm thảo", chị Như Ý nói.
Bà Trần Thị Gấm (59 tuổi, ở Q.8), bán hàng thuê cho một tiệm tạp hóa, thường xuyên nhận những tô bún "treo" ở quán, trải lòng: "Tôi hy vọng nhiều người sẽ chung tay để bún "treo" được duy trì lâu dài, những người thu nhập thấp sẽ có những bữa ăn chất lượng. Giờ cái gì cũng đắt đỏ, mỗi bữa ăn ngoài mất mấy chục ngàn, tôi không dám ăn. Tôi bán hàng gần đây nên thường xuyên đến nhận bún, dù miễn phí nhưng tô bún luôn đầy đặn. Tôi chỉ biết thầm cảm ơn những tấm lòng tốt đã chia sẻ với người khó khăn như chúng tôi".
Sao chép thành công