Báo 24h.com.vn,

Bùng nổ bán hàng đồng giá, có khi chỉ 9.000 đồng kèm khuyến mãi

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 15:01:38 07/10/2024 theo đường link https://www.24h.com.vn/thi-truong-tieu-dung/bung-no-ban-hang-dong-gia-co-khi-chi-9000-dong-kem-khuyen-mai-c52a1608760.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Chia sẻ
Chuẩn
Tốc độ đọc
Nữ miền Bắc
Giọng đọc
Từ năm 2023 đến nay, rất nhiều nhà sản xuất, nhà phân phối, công ty thương mại điện tử từ Trung Quốc đã đến Việt Nam để hỗ trợ mở rộng mô hình bán đồng giá qua việc cung cấp nguồn hàng, chuyển giao mô hình nhượng quyền Ông Phùng Thanh Ngọc, Nhà sáng lập và giám đốc điều hành công ty Retail Hub, đơn vị tư vấn bán lẻ, quản trị chuỗi, cho biết, từ đầu năm tới nay đơn vị của ông hỗ trợ tư vấn mở thành công 18 cửa hàng bán đồng giá.
Sức hút này được dự đoán là vẫn còn tiếp diễn với nhiều tiềm năng để phát triển, nhất là xu hướng nhượng quyền cửa hàng đồng giá.
Nhu cầu lớn
Từ dữ liệu khách hàng, ông Minh Phan, Nhà sáng lập Site Plus, đơn vị tư vấn và phát triển cửa hàng cho các chuỗi bán lẻ và F&B đánh giá tại TP.HCM nhu cầu tìm kiếm mặt bằng cho phân khúc kinh doanh đồng giá, giá thấp đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ, nhất là các khu vực ngoài trung tâm.
“Mặc dù đây không phải là xu hướng kinh doanh mới, bởi vốn dĩ nó đã xuất hiện ở Việt Nam từ nhiều năm trước với những mô hình quen thuộc như Daiso, Miniso… nhưng hiện nay nền kinh tế còn nhiều khó khăn, trong khi nhu cầu tiêu dùng vẫn có, thì xu hướng này một lần nữa được đón nhận trên thị trường”- ông Minh Phan nói.
Các cửa hàng bán hàng đồng giá thu hút nhiều người tiêu dùng trẻ tuổi. ẢNH: THU HÀ
Đại diện một doanh nghiệp bán hàng đồng giá tại TP.HCM cũng kỳ vọng đối với mô hình này. Hiện đơn vị đang nỗ lực tìm kiếm mặt bằng phù hợp để mở rộng chi nhánh bắt kịp nhu cầu tiêu dùng cuối năm.
“Chúng tôi đang quản lý 3.000 – 4.000 mã sản phẩm, chủ yếu là các mặt hàng gia dụng, văn phòng phẩm, đồ trang trí nhà cửa, phụ kiện trang sức… với giá tiền phù hợp với học sinh, sinh viên, người lao động.
Hiện tại giá trị trung bình mỗi hóa đơn đạt trên 200.000 đồng/người, và từ 3- 7 món trong một lần mua sắm. Sức mua cao điểm nhất là vào các buổi tối, đặc biệt là cuối tuần", vị này chia sẻ.
Ghi nhận tại TP.HCM, hiện có khoảng 9 – 10 cửa hàng bán hàng đồng giá ra đời và phát triển ở các khu vực quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, Hóc Môn… Đa phần các sản phẩm có giá bán dưới 50.000 đồng. Nổi trội là phân khúc đồng giá 9.000 đồng, 18.000 đồng, 19.000 đồng, 29.000 đồng… với nhiều cái tên quen thuộc như Small Duck, hay Haokelai - siêu thị đồng giá 19k, Luck&Joy 19k , Fix 19k…
Thậm chí một số thương hiệu còn đang đẩy mạnh triển khai nhượng quyền thương hiệu với nhiều ưu đãi.
Trợ lực cho giá rẻ
Lý giải cho sự nở rộ của mô hình bán hàng đồng giá, ông Minh Phan cho rằng, dòng tiền trong lĩnh lực bán lẻ đang có xu hướng phát triển ở hai phân khúc: Một là phân khúc rẻ hẳn, hai là phân khúc cao hẳn.
Trong khi đó, phân khúc tầm trung - lưng chừng lại đang chững lại, hoặc thậm chí thu hẹp về quy mô, lẫn dòng tiền đầu tư. Đây là lý do thúc đẩy làn sóng kinh doanh mô hình đồng giá phát triển ồ ạt.
Ở góc độ rộng hơn, ông Nguyễn Mạnh Tấn, Phó ban truyền thông Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam kiêm Giám đốc Marketing của Haravan cho rằng, sự phát triển của các mô hình bán hàng đồng giá gần đây phần nào được thúc đẩy bởi các doanh nghiệp sản xuất của Trung Quốc.
“Từ năm 2023 đến nay, rất nhiều nhà sản xuất, nhà phân phối, công ty thương mại điện tử từ Trung Quốc đã về Việt Nam để hỗ trợ mở rộng mô hình bán đồng giá qua việc cung cấp nguồn hàng, chuyển giao mô hình nhượng quyền, kinh nghiệm phát triển.
Thêm vào đó sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử xuyên biên giới, nhất là các kho hàng ngoại quan mọc lên nhiều gần biên giới Việt Nam, đã thúc đẩy nguồn hàng giá tốt, mẫu mã phong phú, chất lượng theo nhu cầu... từ Trung Quốc về Việt Nam trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Gần đây trang web thương mại điện tử bán hàng sỉ lớn nhất Trung Quốc là 1688.com, đã chính thức cho phép nhà kinh doanh ở Việt Nam đăng ký mua hàng, thanh toán và đã có ngôn ngữ Tiếng Việt.
Tôi cho rằng, đây là yếu tố để mô hình kinh doanh trên có trợ lực hơn về nguồn hàng lẫn bài toán về chi phí hàng hóa, vận chuyển"- ông Tấn nêu quan điểm.
Cơ hội lớn nhưng không dễ dàng
Dù sở hữu các lực đẩy về lợi thế và cơ hội song dưới góc độ của chuyên gia trong lĩnh vực nhượng quyền và nhân chuỗi, ông Phùng Thanh Ngọc cho rằng: "Mô hình kinh doanh đồng giá không phải là “sân chơi dễ dàng” để ai cũng có thể tham gia".
Trong quá trình tư vấn và triển khai mô hình nhượng quyền kinh doanh cửa hàng đồng giá, ông nhận thấy có 3 hiểu lầm "chí mạng" về hình thức này, bao gồm: nhập hàng giá rẻ để tối ưu lợi nhuận, kinh doanh nhượng quyền đồng giá không cần đầu tư nhiều và hiểu lầm cuối cùng là cứ mở một cửa hàng là nhân chuỗi được.
Ông Thanh cho biết, mô hình này tồn tại được và đáp ứng tốt nhu cầu tệp khách hàng tiềm năng cần đảm bảo hàng tốt, giá cả hợp lý và trải nghiệm mua sắm tiện lợi chứ không đơn thuần là giá rẻ. Nếu tập trung vào đó người kinh doanh sẽ bị cuốn vào cuộc chạy đua về giá không hồi kết.
Bên cạnh đó, các nhà kinh doanh cần phải lựa chọn nguồn hàng kỹ càng và nhập từ những nơi có nguồn gốc rõ ràng. Vị này cho biết, nguồn hàng cho mô hình này không chỉ có ở Trung Quốc, Thái Lan mà hiện nay nhóm đồ nhựa ở Việt Nam cũng đang cung ứng tốt cho phân khúc giá rẻ này.
Đồng tình với quan điểm này, ông Minh Phan cho rằng, đặc thù của mô hình này đòi hỏi phải có mặt bằng rộng ít nhất là 200 – 500 m2 để có thể bài trí được nhiều hàng hóa nhất. Từ đó kích thích mua sắm, tăng giá trị bill trong mỗi lần mua sắm.
"Vị trí đặt cửa hàng rất quan trọng, đôi khi sẽ quyết định sự thắng thua trong lĩnh vực này. Chúng ta không thể đặt một cửa hàng đồng giá 19.000 đồng ngay trung tâm quận 1 được, chưa nói tới chi phí mặt bằng, tệp khách hàng của khu vực này cũng không phù hợp”- ông Minh Phan nhấn mạnh.
Ông Minh bày tỏ thêm, kinh doanh lĩnh vực rất phức tạp, người kinh doanh phải có kiến thức về quản trị doanh nghiệp, nhất là quản lý chuỗi, tồn kho.
Bán hàng đồng giá không phải là thị trường kinh doanh dễ dàng. ẢNH: THU HÀ
“Mô hình bán đồng giá thường chứa hàng nghìn mã sản phẩm, người kinh doanh phải có kiến thức về bán lẻ, quản trị hàng hóa, quản trị tồn kho tốt. Không phải bất cứ sản phẩm nào nhập bán cũng có lời. Sẽ có một số món nhập 10.000 đồng bán 19.000 đồng, cũng có những món nhập thế nào bán y như vậy.
Do đó việc căn chỉnh tỉ lệ hàng hóa sao cho cân đối cũng là một thách thức cho người kinh doanh”- ông Minh Phan nói.
Bà Nguyễn Cao Ngọc Dung, Quản lý cấp cao phụ trách phát triển thị trường cho dịch vụ về đo lường bán lẻ tại NielsenIQ Việt Nam thông tin, hiện nay người tiêu dùng đang có sự nhạy cảm về giá, họ đang thắt chặt chi tiêu, chịu khó tiết kiệm và tăng cường tiết kiệm.
Do đó, các doanh nghiệp bán lẻ cần thực hiện "5 đúng" về điểm bán, sản phẩm, giá, hình thức trưng bày và hoạt động kích cầu. Đồng thời các nhãn hàng, doanh nghiệp cần chứng minh giá trị của sản phẩm đối với người tiêu dùng để thuyết phục được người tiêu dùng chọn mua.
Một siêu thị bán hàng đồng giá 19.000 đồng triển khai chương trình khuyến mãi. ẢNH: THU HÀ
Cần đề cao chất lượng nguồn hàng
Về mặt kinh tế, bán hàng đồng giá, giá rẻ rất tiềm năng, tuy nhiên cần đi kèm chất lượng. Các nhà kinh doanh nên chọn lựa nguồn hàng có uy tín, đầy đủ các giấy tờ, đáp ứng các yêu cầu về thuế, hải quan, nhằm duy trì kinh tế lâu dài.
Về phía quản lý nhà nước, cũng cần chú trọng kiểm tra chất lượng hàng hóa, đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế và lợi ích tiêu dùng.
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia kinh tế
Nguồn: [Link nguồn]
Sao chép thành công