Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp đến thôn Làng Nủ để động viên thăm hỏi sau vụ lũ quét tang thương. (Nguồn: VGP)
(PLVN) - Sau trận lũ quét do bão Yagi gây ra, toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương đã khẩn trương vào cuộc nhằm khắc phục hậu quả. Sự chỉ đạo mạnh mẽ từ Chính phủ và các cấp lãnh đạo, tinh thần đồng thuận giữa chính quyền địa phương và các lực lượng cứu trợ đều hướng đến mục tiêu quan trọng: ổn định cuộc sống Nhân dân.
Hành động mạnh mẽ trong đau thương
Những ngày qua, cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) đã đổ bộ và gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho các tỉnh miền núi phía Bắc, gây bao đau thương, mất mát, thiệt hại về người, về của, xáo trộn đời sống Nhân dân.
Ngay khi bão Yagi đổ bộ vào miền Bắc, gây lũ quét tàn phá nhiều tỉnh, thành, Chính phủ đã ngay lập tức triển khai hàng loạt biện pháp ứng phó. Cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc quyết liệt nhằm ứng phó với tình hình mưa lũ phức tạp. Chính phủ và các Bộ, ngành liên tục theo dõi sát sao diễn biến bão, đưa ra các chỉ thị khẩn cấp. Đặc biệt, Công điện số 93/CĐ-TTg ngày 11/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được ban hành với mục tiêu tập trung ứng phó với lũ lớn, bảo vệ an toàn hệ thống đê điều tại các con sông lớn ở Bắc Bộ, bao gồm sông Hồng và sông Thái Bình.
Công điện này yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công các đồng chí trong Thường vụ, thường trực Ủy ban trực tiếp tới các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống lũ, hộ đê. Đồng thời, giao phó trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng người đứng đầu đơn vị, từng ngành, từng Bộ. Sự chủ động này đã giúp giảm thiểu phần nào những thiệt hại nghiêm trọng từ cơn bão Yagi.
Trước sự tàn phá của thiên tai, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường các khu vực bị thiệt hại nặng nề để kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục.
Ngày 12/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão và thăm hỏi, động viên Nhân dân vùng ảnh hưởng tại các địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Phú Thọ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gửi thư thăm hỏi, kêu gọi cả hệ thống chính trị chung tay khắc phục hậu quả. Đặc biệt, ông nhấn mạnh: Ưu tiên cao nhất đối với toàn bộ các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ là cứu dân. Đồng thời, Chủ tịch nước cho biết, Bộ Chính trị đã họp, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị tập trung thực hiện mọi biện pháp để tập trung cao độ cứu người, tìm kiếm người mất tích, lo hậu sự cho người xấu số; không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa, không để các cháu học sinh thiếu lớp, thiếu trường, không để người bệnh không có nơi khám, chữa bệnh... Thông điệp mạnh mẽ của người đứng đầu Đảng và Nhà nước ngay khi bão vừa xảy đến đã cho thấy tinh thần chung của toàn bộ hệ thống chính trị cùng hướng về vùng bị bão lũ.
Tại hiện trường vụ sạt lở ở thôn Làng Nủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp lội xuống đầm lầy, động viên lực lượng đang tìm kiếm người bị mất tích do lũ cuốn, gặp thân nhân các gia đình nạn nhân, trực tiếp chia sẻ sự mất mát. Ngay sau đó, Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương khảo sát, quy hoạch lại các địa điểm an toàn với sự tham gia ý kiến khoa học của các cơ quan chuyên môn. Đối với bản Làng Nủ, Thủ tướng yêu cầu: “Đến ngày 31/12, tất cả người còn sống, các hộ dân phải có chỗ ở, nơi sinh sống ổn định, có điện nước, nơi vui chơi, cây xanh... bảo đảm môi trường sống an toàn, lành mạnh. Không để ai bị đói, rét, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, thiếu nước sạch”.
Chung một tấm lòng
Hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, đoàn viên, thanh niên xông pha giúp dân trong lũ lớn. (Ảnh: Công an Lạng Sơn).
Trong cơn bão lớn, sự đồng lòng từ các cấp chính quyền và toàn xã hội đã nhanh chóng được thể hiện qua các hành động cụ thể. Từ khi bão bắt đầu, Chính phủ đã thành lập các đoàn cứu trợ, phối hợp cùng với lực lượng cứu hộ địa phương nhằm tìm kiếm những nạn nhân bị mất tích, đồng thời cung cấp lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân tại các khu vực bị cô lập. Các lực lượng y tế cũng được huy động để phòng ngừa dịch bệnh phát sinh sau lũ, bảo đảm không xảy ra tình trạng dịch lây lan. Lực lượng công binh đã được điều động để nhanh chóng triển khai xây dựng lại các công trình cần thiết, phục vụ đời sống của người dân.
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, cũng như các công điện và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lực lượng Công an nhân dân đã thể hiện tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Trong bão lũ, hơn 150.000 lượt cán bộ và chiến sĩ công an, cùng hàng chục nghìn trang thiết bị và phương tiện đã tích cực hỗ trợ Nhân dân trong công tác phòng, chống, ứng phó, cứu nạn, cứu hộ và khắc phục thiệt hại.
Hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, đoàn viên, thanh niên và cộng đồng dân cư đã kịp thời giúp đỡ, sơ tán, cứu hộ, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.
Quân đội đã huy động hàng trăm nghìn cán bộ và chiến sĩ, hơn 10.100 phương tiện các loại, bao gồm hơn 400 xe đặc chủng, hàng nghìn ô tô, tàu thuyền và 6 máy bay trực thăng. Nhiều chiến sĩ đã thức trắng đêm, chiến đấu với mưa gió, đối mặt với nguy cơ sạt lở đất và lũ lụt, sẵn sàng hy sinh sự an toàn của mình để đặt sự an toàn và cứu giúp đồng bào lên hàng đầu.
Sự xuất hiện kịp thời của những lực lượng, đoàn thể ấy đã thắp lên niềm hy vọng trong lòng Nhân dân, khiến đồng bào có thêm điểm tựa, niềm tin những lúc gian khó, tuyệt vọng.
Sự chung sức, chung lòng của hệ thống chính trị còn được thể hiện qua những con số cụ thể. Đến nay, Chính phủ đã hỗ trợ các địa phương trên 350 tỷ đồng, 300 tấn gạo… và đang tiếp tục thống kê để hỗ trợ. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, với tổng số tiền đến nay là trên 1.000 tỷ đồng. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 180 tỷ đồng cho hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai, nhằm giúp các địa phương khắc phục thiệt hại và ổn định đời sống người dân. Đặc biệt, tỉnh Lào Cai nhận được 150 tỷ đồng từ ngân sách trung ương để xử lý hậu quả do cơn bão số 3 gây ra. Tỉnh Yên Bái cũng được hỗ trợ 30 tỷ đồng, bên cạnh 20 tỷ đồng đã được cấp trước đó.
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ diễn ra vào ngày 15/9, với tinh thần khẩn trương và quyết liệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra các mục tiêu cấp bách cần thực hiện ngay để khắc phục hậu quả sau bão: Không để người dân nào phải thiếu ăn, thiếu mặc, bị đói, bị rét, thiếu nước sạch, không có chỗ ở, các sinh hoạt thiết yếu hàng ngày; khắc phục hậu quả siêu bão số 3 có hiệu quả; nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân về tinh thần và vật chất; khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; kiểm soát tốt lạm phát và phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7%; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội và môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển.
Có thể thấy rõ, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị trong những ngày bão lũ hoành hành vừa qua đã khẳng định sức mạnh đoàn kết và trách nhiệm lớn lao của Nhà nước ta. Từ các cấp lãnh đạo đến từng cán bộ, chiến sĩ, mọi lực lượng đều đã hành động một cách quyết liệt và tận tâm để cứu dân, khắc phục thiệt hại và tái thiết đời sống của Nhân dân, cam kết mạnh mẽ không để người dân rơi vào cảnh khốn cùng, đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường. Những nỗ lực và hành động đồng bộ chính là nguồn động viên to lớn, mang lại niềm tin và hy vọng cho cả quốc gia trong những thời khắc khó khăn nhất. Đây cũng là minh chứng rõ nét cho sự đoàn kết, lòng nhân ái và sức mạnh luôn tiềm tàng của dân tộc Việt.