Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
VOV.VN - Thời điểm này, nông dân tỉnh Cà Mau đang tiến hành làm vụ lúa trên đất nuôi tôm. Năm nay mưa nhiều, thuận lợi cho bà con canh tác vụ mùa.
Thời điểm này, một bộ phận nông dân ở TP. Cà Mau đang tiến hành cải tạo để gieo sạ và chăm sóc vụ lúa trên đất vuông tôm. Theo người dân địa phương, cứ khoảng tháng 7 hàng năm bà con sẽ tát cạn vuông tôm, đón những cơn mưa để rửa mặn vuông. Tùy theo lượng mưa nhiều ít mà họ tiến hành vụ lúa sớm hay trễ. Nhưng thông thường, cứ đến cao điểm mùa mưa hàng năm là bà con xuống giống.
Gia đình bà Nguyễn Thị Út (ở xã Định Bình, TP Cà Mau) đã xuống giống vụ lúa được nửa tháng. Nhờ lượng mưa nhiều nên lúa sạ trên đất mặn vẫn lên xanh tốt. “Năm nào mình không làm lúa trên đất nuôi tôm, để đất trống là nuôi tôm không có hiệu quả. Làm vụ lúa này cũng tốn ít chi phí, chủ yếu là tiền mua giống để sạ. Đang trong vụ lúa nhưng tôm dưới vuông vẫn có, tới nước đặt lú vẫn có thu nhập 500.000 – 700.000 đồng/ngày”, bà Út cho biết.
Tại huyện Thới Bình, đa số người dân sử dụng phương pháp ném mạ để cây lúa dễ phát triển hơn
Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, trồng lúa sẽ giúp cải tạo đất, nuôi tôm sẽ hiệu quả hơn. Cũng chính vì vậy, bà con luôn ưu tiên làm thêm vụ lúa. Đến thời điểm này, nông dân TP.Cà Mau đã xuống giống lúa trên đất nuôi tôm được hơn 500ha. Còn tại huyện Thới Bình – nơi có diện tích lúa tôm đứng đầu tỉnh Cà Mau, với khoảng 25.000ha, bà con cũng đang khẩn trương tiến hành vụ mùa.
Năm nay thời tiết lại thuận lợi, mưa nhiều nên đa phần nông dân địa phương đều cải tạo vuông tôm để trồng vụ lúa. Người dân ở huyện Thới Bình họ không sạ trực tiếp mà gieo mạ, sau đó nhổ lên ném đều trên mặt ruộng để cây lúa tự phát triển. Anh Nguyễn Văn Tươi (ở xã Trí Lực, huyện Thới Bình) cho biết, cách trồng lúa này mang lại hiệu quả cao hơn khi trồng trên đất nuôi tôm bị nhiễm mặn.
“Vùng đất gia đình nuôi tôm nước bị mặn, sạ lúa khó trúng mùa nếu gặp nắng mạ non không lên được nên phải gieo mạ, sau đó nhổ lên thảy đều trên mặt đất lúa phát triển tốt hơn. Hàng năm khi gieo mạ sẽ kết hợp rửa mặn bằng cách xới đất lên, canh những đám mưa lớn để rửa rồi bơm nước ra. Tiếp tục phơi đất đón mưa từ 2 - 3 lần mới có thể thảy mạ”, anh Tươi chia sẻ.
Tỉnh Cà Mau có diện tích lúa tôm gần 50.000 ha, tập trung nhiều tại huyện Thới Bình
Tỉnh Cà Mau có gần 50.000 ha đất lúa - tôm. Hàng năm, tùy điều kiện thời tiết mà người dân sẽ xuống giống vụ lúa trên đất nuôi tôm nhiều hay ít. Năm nay điều kiện mưa thuận lợi nên tỷ lệ người dân xuống giống lúa cao hơn các năm trước.