Báo điện tử Phụ nữ Việt Nam,

Cần gỡ "nút thắt" về vốn cho hợp tác xã do phụ nữ quản lý

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 03:21:28 24/09/2024 theo đường link https://phunuvietnam.vn/can-go-nut-that-ve-von-cho-hop-tac-xa-do-phu-nu-quan-ly-20240923123510346.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
PVH
Các thành viên HTX Quế Trà My-Minh Phúc thực hiện các công đoạn sản xuất sản phẩm từ cây quế
Có lợi thế là nằm ngay tại vùng trồng quế, với nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng “nút thắt” về vốn đã khiến Hợp tác xã (HTX) Quế Trà My - Minh Phúc (xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) khó có thể mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất. Làm thế nào để tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng hiện cũng là trăn trở của nhiều HTX do phụ nữ quản lý tại tỉnh Quảng Nam.
Rất muốn chuyên nghiệp hoá nhưng… Huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) có 2.000 ha quế, sản lượng khai thác đạt hơn 400 tấn/năm. Tận dụng thế mạnh này của địa phương, năm 2018, HTX Quế Trà My - Minh Phúc được thành lập để chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ quế. Đến nay, HTX có 18 thành viên, với Ban lãnh đạo đều là nữ.
HTX liên kết với 26 hộ dân trên địa bàn xã, xây dựng vùng nguyên liệu có diện tích 56ha đạt tiêu chuẩn GACP để phục vụ chế biến. Hiện nay, HTX sản xuất được 20 sản phẩm từ quế như: Bột quế, dung dịch sát khuẩn, dung dịch xịt phòng, quế vỏ, xà phòng quế…
Trong đó, sản phẩm nước rửa chén và nước lau sàn quế của HTX đã đoạt giải Nhì tại vòng chung kết cấp vùng, giải Khuyến khích tại vòng Chung kết toàn quốc cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp phát huy tài nguyên bản địa năm 2023" do Hội LHPN Việt Nam tổ chức.
Hành trình để có được những kết quả này không dễ dàng, trong đó việc huy động vốn là "bài toán" khó của HTX. Chị Nguyễn Thị Việt (trú tại thôn 3, xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My), Giám đốc HTX Quế Trà My - Minh Phúc, cho biết, dù HTX nằm ngay tại vùng trồng quế nhưng do địa hình phức tạp, rừng quế cách xa đường quốc lộ nên chi phí vận chuyển nguyên vật liệu rất lớn.
Với những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường, HTX phải đầu tư máy móc, trang thiết bị để nâng cấp quy trình sản xuất. "Gần đây, chúng tôi đã đầu tư hệ thống chiết tách tinh dầu, với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng. Để có số tiền lớn như vậy, chúng tôi phải huy động từ các thành viên. Có người thậm chí phải thế chấp tài sản riêng để đóng góp.
Các thành viên HTX Quế Trà My-Minh Phúc thực hiện các công đoạn sản xuất sản phẩm từ cây quế
Sau khi mua được máy thì cạn kiệt kinh phí nên một số khâu như nhãn mác, bao bì, dù rất muốn chuyên nghiệp hoá nhưng chúng tôi vẫn phải làm thủ công", chị Nguyễn Thị Việt chia sẻ.
Tăng cường trang bị kỹ năng huy động vốn Thực hiện Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" (sau đây gọi tắt là Đề án 01) và chỉ đạo của TƯ Hội LHPN Việt Nam, năm 2023, Hội LHPN tỉnh Quảng Nam đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Đề án 01.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoá, Trưởng ban Gia đình xã hội - Kinh tế (Hội LHPN tỉnh Quảng Nam), cho biết, trong quá trình hỗ trợ chị em nâng cao trình độ, năng lực quản lý, điều hành HTX, Hội LHPN tỉnh Quảng Nam nhận được nhiều ý kiến, đề xuất phát triển HTX do phụ nữ tham gia quản lý.
Trong đó, vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm nhất là làm thế nào để HTX do phụ nữ tham gia quản lý đủ điều kiện vay vốn từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng.
Ban Giám đốc HTX Quế Trà My - Minh Phúc bên các sản phẩm từ cây quế
"Quá trình xây dựng hồ sơ vay vốn, chứng minh năng lực hoàn trả tại ngân hàng phải thực hiện theo đúng quy định của nhà nước. Tuy nhiên, thực tế, nhiều HTX không có tài sản có tính thanh khoản để thế chấp. Nếu thế chấp bằng tài sản cá nhân thì người đó phải thật sự tâm huyết và có sự thống nhất trong nội bộ HTX mới có thể huy động được", bà Nguyễn Thị Thanh Hoá nói.
Để góp phần tháo gỡ vướng mắc này, Hội LHPN tỉnh Quảng Nam đã tham mưu thực hiện Đề án 01 lồng ghép với việc thực hiện các tiêu chí trong xây dựng Nông thôn mới của tỉnh. Theo đó, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ủy thác tín dụng với Ngân hàng Chính sách xã hội, phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cùng các ngân hàng thương mại khác trên địa bàn tỉnh để tìm giải pháp hỗ trợ các HTX tiếp cận tín dụng.
Hội LHPN tỉnh cũng quan tâm cung cấp kiến thức, kỹ năng quản lý, điều hành cho thành viên ban lãnh đạo HTX do phụ nữ tham gia quản lý nhằm nâng cao hiểu biết, kiến thức, năng lực, tính chủ động, sự nhanh nhạy của ban lãnh đạo HTX trong huy động vốn phục vụ sản xuất.
Đối với vấn đề kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm của HTX, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã vận động các HTX tham gia trưng bày sản phẩm của mình tại các hội chợ, dự án. Tuy nhiên, do đặc thù địa bàn tỉnh Quảng Nam có nhiều khu vực miền núi, bà con ở vùng sâu vùng xa là người đồng bào dân tộc thiểu số nên công tác kết nối còn chưa được thuận lợi.
Để phát huy hơn nữa tính hiệu quả của Đề án 01, lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Quảng Nam mong muốn TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức nhiều buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành hoạt động hiệu quả; tạo cơ hội kết nối, hợp tác, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm của phụ nữ các vùng miền cũng như với phụ nữ nước bạn, hỗ trợ sản phẩm của phụ nữ vươn xa.
Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Nam có 103 HTX có nữ tham gia quản lý với 309 thành viên nữ và 617 lao động nữ. Hội LHPN tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 45 HTX, 20 tổ hợp tác, tổ liên kết do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành được các cấp Hội hỗ trợ thành lập; tạo việc làm ổn định cho 300 thành viên, lao động nữ trong HTX, 200 lao động nữ trong tổ hợp tác; tư vấn, hỗ trợ thành lập mới 15 HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo việc làm cho lao động nữ; 100% cán bộ Hội làm công tác hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX được tập huấn...
Sao chép thành công