Nội dung liên quan Thành phố Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa, Tin Trong Nước
Báo Khánh Hòa điện tử,
Cẩn trọng khi đắp thuốc lá, thuốc nam lên vết thương
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
05:31:06 17/09/2024
theo đường link
https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/y-te-suc-khoe/202409/can-trong-khidap-thuoc-la-thuoc-nam-len-vet-thuong-8140117/
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
C.ĐAN Trong 2 tháng gần đây, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận một số trường hợp bị biến chứng nặng ở vết thương do bệnh nhân đắp thuốc nam, hoặc lá cây không rõ nguồn gốc, có ca đã tử vong. Nhiều bệnh nhân phải cắt bỏ chi do nhiễm trùng nặng Ngày 11-9, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng, BVĐK tỉnh tiếp nhận bệnh nhân T.N.L (64 tuổi, TP. Nha Trang) trong tình trạng đầu gối chân trái bị nhiễm trùng và hoại tử nhẹ do đắp thuốc lá. Bệnh nhân L. cho biết, 5 ngày trước, ông đau gối bàn chân trái. Theo lời giới thiệu, bệnh nhân đắp thuốc nam, nhưng vết thương không lành mà ngày càng đau nhức hơn, sưng tấy, rỉ dịch mới vào viện. Các bác sĩ đã mổ cắt lọc mở rộng vết thương cho ông L. Đầu tháng 9, bệnh nhân N.T.T (68 tuổi, TP. Nha Trang) bị tai nạn sinh hoạt, gây đau nhức ở mông, tuy nhiên ông T. không đi khám và điều trị tại cơ sở y tế mà bó thuốc nam. Sau thời gian bó thuốc, tình trạng bệnh của ông không thuyên giảm mà ngày càng đau nhức. Khi vào BVĐK tỉnh khám, vết thương nơi bó thuốc của ông T. bị nhiễm trùng nặng, gây hoại tử lan từ mông đến bàn chân. Do bị áp xe mông và gây nhiễm trùng huyết, hoại thư sinh hơi nặng, các bác sĩ của Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng, BVĐK tỉnh phải thực hiện 2 lần phẫu thuật, mở đường mổ từ mông xuống cổ chân để cắt, lọc các chỗ bị hoại tử. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân diễn tiến nặng, tiên lượng khó qua khỏi. Trước đó 1 tuần, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng của bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân nam (thị xã Ninh Hòa) bị mắc bệnh xơ gan kèm tiểu đường, do đau nhức chân nên không đến các cơ sở y tế khám mà kêu người tới nhà chích lể. Kết quả, chỗ chích lể bị nhiễm trùng nặng, gây hoại thư sinh hơi từ bàn chân. Bác sĩ của trung tâm đã nỗ lực mổ cắt lọc và mở rộng xung quanh khu vực nhiễm trùng để lấy mủ nhưng do tình trạng quá nặng, bệnh nhân không qua khỏi. Theo thống kê, năm 2023, BVĐK tỉnh đã tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân bị nhiễm trùng do đắp thuốc nam, lá cây không rõ nguồn gốc, trong đó hầu hết các bệnh nhân tới điều trị tại bệnh viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng, có gần 1/3 bệnh nhân phần chân hoặc tay bị nhiễm trùng rất nặng không thể giữ lại, phải chấp nhận cắt bỏ. Cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra vết mổ cho bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng do đắp lá thuốc. Nên tới cơ sở y tế để được điều trị đúng Theo bác sĩ chuyên khoa II Phạm Đình Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, BVĐK tỉnh, bình quân mỗi tháng, khoa tiếp nhận khoảng 6 - 8 trường hợp nhập viện do nhiễm trùng vết thương vì đắp thuốc nam hoặc lá cây. Hầu hết các trường hợp đã điều trị một thời gian dài ở các thầy lang, chỉ khi bệnh nặng mới nhập viện. Chính tâm lý chủ quan này khiến công tác điều trị của các bác sĩ gặp nhiều khó khăn; một số trường hợp đã tử vong vì bị biến chứng quá nặng. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bỏng đã tiếp nhận gần 50 ca bị nhiễm trùng do đắp lá thuốc, hầu hết các ca đều trong tình trạng nặng. Việc người dân đắp lá thuốc không rõ nguồn gốc ở vết thương dễ gây nhiều biến chứng và hậu quả khó lường, nhất là những người có bệnh nền đái tháo đường, suy giảm miễn dịch. Với các trường hợp bị biến chứng nhẹ, nhập viện sớm, các bác sĩ có thể xử trí cắt lọc nhiều lần để giữ lại các phần chi cho bệnh nhân, nặng thì phải phẫu thuật cắt bỏ. Những trường hợp bị biến chứng nặng suy đa tạng gần như không thể cứu được. Bác sĩ Phạm Đình Thành khuyến cáo, khi bị chấn thương hoặc có vết lở, người dân tuyệt đối không nên đắp thuốc bằng lá cây hoặc bôi dầu nóng… vì sẽ làm nóng vùng bị tổn thương, gây phản ứng viêm, dẫn tới nguy cơ áp xe, viêm khớp, hoại tử sinh hơi; nặng hơn là suy đa tạng... Khi bị chấn thương nên chườm lạnh, kê cao chân và đến bác sĩ chuyên khoa để được điều trị đúng, không để xảy ra hậu quả đáng tiếc. C.ĐAN