Báo SGGP Online,

Cẩn trọng với bệnh do não mô cầu

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 16:20:34 27/09/2024 theo đường link https://www.sggp.org.vn/can-trong-voi-benh-do-nao-mo-cau-post760922.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Người mắc bệnh do não mô cầu có thể tử vong chỉ sau 1-2 ngày khởi phát triệu chứng nếu không được điều trị kịp thời. TPHCM vừa ghi nhận 1 ca tử vong vì căn bệnh trên vào ngày 24-9.
Tử vong sau một ngày khởi phát bệnh
Trường hợp tử vong vì não mô cầu tại TPHCM là một nữ công nhân 52 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, làm việc tại một công ty trên địa bàn tỉnh Long An. Trước khi nhập viện một ngày, người bệnh bị sốt, ớn lạnh, đau nhức toàn thân, xuất hiện các mảng ban màu hồng tím ở cánh tay và lan ra toàn thân.
Ngày 24-9, người bệnh được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM trong tình trạng thở nhanh, huyết áp 150/90mmHg, chẩn đoán sốc nhiễm trùng do não mô cầu thể tối cấp. Ngay lập tức, ê-kíp điều trị tiến hành hồi sức tích cực (thở máy, lọc máu), sử dụng kháng sinh và thuốc vận mạch. Tuy nhiên, vì tình trạng quá nặng nên người bệnh tử vong sau 6 giờ nhập viện.
Ngay sau đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) phối hợp Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh và Trạm y tế xã Đa Phước điều tra dịch tễ, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm.
Kết quả điều tra ghi nhận, có 2 người tiếp xúc gần với người bệnh. Nhân viên y tế đã cấp kháng sinh dự phòng và hướng dẫn 2 người này tự theo dõi sức khỏe để phòng bệnh não mô cầu. HCDC kích hoạt quy trình chia sẻ thông tin dịch bệnh giữa các tỉnh liên kết vùng, thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An (địa phương nơi người bệnh làm việc) phối hợp điều tra dịch tễ.
Các biện pháp phòng bệnh do não mô cầu. Đồ họa của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM
Từ đầu năm đến nay, bệnh do não mô cầu xuất hiện rải rác ở nhiều địa phương trên cả nước. Tháng 5 vừa qua, Hà Nội ghi nhận một người bệnh (nam, 22 tuổi) có triệu chứng đau rát họng, ăn uống kém, kèm sốt, co giật toàn thân, mất ý thức. Đến tháng 6, tỉnh Bắc Kạn ghi nhận một gia đình có 2 người mắc bệnh do não mô cầu và 2 người khác tử vong nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm.
Điểm chung của các người bệnh là sốt cao, đau đầu, đi ngoài phân lỏng, nổi ban xuất huyết lan ra toàn thân, lơ mơ. Hai trường hợp tại Bắc Kạn đều diễn tiến đến tử vong chỉ sau vài giờ nhập viện. Ngay sau đó, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã chỉ đạo Sở Y tế địa phương này tổ chức triển khai tăng cường phòng chống bệnh do não mô cầu.
Bệnh có vaccine phòng ngừa chủ động
BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TPHCM, cho rằng, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng trước thông tin thành phố có ca tử vong do não mô cầu. Thực tế, các ca bệnh thỉnh thoảng vẫn xuất hiện lẻ tẻ ở một số tỉnh, thành phố. Điều quan trọng là phải xác định những người tiếp xúc với ca bệnh và cho uống thuốc kháng sinh dự phòng, tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh để người dân tuân thủ thực hiện.
BS Trương Hữu Khanh cũng bày tỏ lo ngại khi căn bệnh này diễn tiến rất nhanh, người bệnh có thể tử vong sau 1-2 ngày khởi phát triệu chứng nếu không được điều trị kịp thời và đúng phác đồ. “Vì thế, nếu có dấu hiệu sốt, đau nhức và xuất hiện các mảng đỏ trên da, người bệnh nên đến bệnh viện thăm khám ngay, không trì hoãn”, BS Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.
Người dân chủ động tiêm vaccine phòng một số loại bệnh tại Viện Pasteur TPHCM
Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, bệnh do vi khuẩn não mô cầu gây ra thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, chủ yếu thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh do hít phải dịch tiết mũi, hầu, họng bắn ra, dễ gây thành dịch lớn. Các thể lâm sàng của bệnh gồm: viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, viêm khớp, viêm màng ngoài tim... Trong đó, thường gặp là viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết.
Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cảnh báo, bệnh do não mô cầu thường để lại di chứng nặng nề, như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ 10%-20%, nguy cơ tử vong có thể từ 8%-15%.
Do đó, người dân trong cộng đồng, đặc biệt tại những vùng có dịch lưu hành, cần tuân thủ các biện pháp phòng bệnh như: vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nâng cao thể trạng... Đồng thời, chủ động tiêm vaccine não mô cầu tại các cơ sở tiêm chủng trên cả nước. Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
GIAO LINH
Sao chép thành công