Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Trong những ngày này các phạm nhân đủ điều kiện đặc xá năm 2024 tại Trại tạm giam Công an tỉnh Sơn La đang mong chờ ngày công bố quyết định chính thức. Trong niềm phấn khởi vì được ra tù theo diện đặc xá, nhiều phạm nhân bày tỏ sự biết ơn của mình đối với những cán bộ quản giáo đã quan tâm, giúp đỡ, động viên họ trong những năm tháng cải tạo, trở về nẻo thiện.
Năm nay, tại Trại tạm giam Công an tỉnh Sơn La có 9 phạm nhân được đề nghị đặc xá. Mỗi người mỗi tội danh, mỗi hoàn cảnh gia đình, nhưng niềm vui của ngày trở về thì ai cũng giống ai, lấp lánh trong ánh mắt, rộn rã trong lời nói... Trong số những người được đề nghị đặc xá, chúng tôi gặp phạm nhân Nguyễn Thị Huệ (SN1963, trú tại huyện Mai Sơn, Sơn La) khi đang dọn dẹp chỗ ngủ cũng như một số vật dụng thiết yếu của bản thân, không giấu được sự xúc động chị là một trong những phạm nhân được đề nghị đặc xá lần này. Phạm nhân Huệ cho biết: Chị phạm tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và bị tuyên phạt 20 tháng tù. Ước mơ trở về với gia đình nay đã trở thành hiện thực khi được đặc xá dịp này.
Phạm nhân Nguyễn Thị Huệ (ở giữa) và các phạm nhân cùng buồng chia sẻ những câu chuyện cuộc sống
Tuổi đã ngoài 60, cái tuổi mà đã trải qua nhiều nốt thăng giáng của cuộc đời, chị Huệ cũng như những phạm nhân lớn tuổi khác đang chấp hành án cũng thấu hiểu rằng không gì bằng những công việc thiện lương. Chị Huệ kể cho chúng tôi những câu chuyện nhân văn trong trại, rồi những câu chuyện về cuộc sống, nhưng khi câu chuyện về gia đình, người thân được kể thì bất giác người phụ nữ ấy không cầm được nước mắt.
“Tôi cảm thấy vô cùng ân hận và xấu hổ, sau nhiều tháng chấp hành án tại đây tôi mới thấy rằng, bản thân mình có lỗi với xã hội một thì có lỗi với gia đình hàng trăm, hàng nghìn lần, nhưng chính gia đình và mọi người trong Trại đã giúp tôi cần nỗ lực cải tạo để sớm trở về với gia đình, với xã hội. Từng là cán bộ cơ quan Nhà nước nên thời điểm đầu khi bị bắt, bản thân tôi cũng thấy buồn, mặc cảm nhưng rồi các cán bộ trong trại lúc nào cũng động viên, các chị em trong buồng tâm sự, chia sẻ thì tôi cũng luôn đặt ra mục tiêu cao nhất là cố gắng để sớm được khoan hồng” .
Giống phạm nhân Huệ, phạm nhân Triệu Văn Giáng (SN2003, trú tại huyện Phù Yên, Sơn La) cũng là một trong những phạm nhân được đặc xá trong lần này. Phạm tội “Giao cấu với người đủ từ 13 đến 16 tuổi”, bị tuyên phạt 20 tháng, khi biết tin mình được đặc xá, anh cũng như anh em khác mất ăn, mất ngủ vì vui sướng. Tuổi còn trẻ, nhưng vì bồng bột, thiếu suy nghĩ mà anh vướng vào vòng lao lý.
Cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh Sơn La phổ biến cho các phạm nhân hiểu rõ đối tượng, điều kiện được đề nghị đặc xá
Từ ngày đơn được nộp, Giáng thao thức đến mất ngủ. Viễn cảnh về ngày ra trại hiện về mỗi đêm. Tiếng của người thân, của bố mẹ, của anh chị họ hàng quanh bản thăm hỏi, tiếng rộn ràng của đường xá ngoài kia dường như là một thế giới rất xa, rất khác so với không gian yên ắng nơi này, dù chỉ cách nhau đúng một bức tường trại giam.
“Tôi đã nghĩ nếu lần này có tên trong quyết định chính thức được đặc xá, đó là dấu mốc lớn nhất để tôi viết tiếp những ước mơ, những dự định còn dang dở. Còn không, đây cũng là động lực để phấn đấu cải tạo tiếp. Khi được ra Trại tôi sẽ phụ giúp gia đình một thời gian, rồi ra Tết tôi sẽ đi học nghề, kiếm tiền phụ giúp gia đình”, Giáng nói tiếp.
Theo kế hoạch vào ngày 1/10, Trại tạm giam Công an tỉnh Sơn La sẽ công bố quyết định đặc xá. Bố của Giáng gọi điện thông báo sẽ “chơi sang” một lần, thuê một chuyến ô tô cho cả nhà đi đón Giáng, bởi số tiền thuê đó cũng không nhỏ đối với gia đình làm nông nghiệp như gia đình em. Khi nhắc đến gia đình và ngày trở về, trong ánh mắt của chàng thanh niên 21 tuổi đã tràn ngập niềm vui.
Về công tác đặc xá năm 2024, Thượng tá Phạm Bá Duy, Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Sơn La cho hay, ngoài việc tuyên truyền, phổ biến cho phạm nhân hiểu rõ đối tượng, điều kiện được đề nghị đặc xá theo Quyết định số 758/2024/QĐ-CTN ngày 30/7/2024 của Chủ tịch nước, Trại tạm giam Công an tỉnh đã hướng dẫn cho phạm nhân có đủ điều kiện viết đơn đề nghị đặc xá trước khi tổ chức cuộc họp các tổ, đội phạm nhân bình xét, bỏ phiếu giới thiệu phạm nhân đủ điều kiện để hội đồng trại giam thẩm định, lập hồ sơ trình Hội đồng Tư vấn đặc xá thẩm tra, xét duyệt. Tất cả đều đảm bảo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định, công khai, dân chủ, khách quan, công bằng và minh bạch.
Tổ Kiểm tra thẩm định liên ngành số 1, Hội đồng Thẩm định đặc xá Trung ương làm việc với Công an tỉnh về việc xét duyệt, kiểm tra hồ sơ, danh sách phạm nhân được đề nghị đặc xá năm 2024.
Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp là đơn vị chủ trì tham mưu cho Công an tỉnh về công tác đặc xá. Trung tá Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Đội trưởng Đội hướng dẫn thi hành án hình sự và hòa nhập cộng đồng, Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, cho biết: Công tác đặc xá đòi hỏi phải triển khai công tác xác minh, nghiên cứu hồ sơ, đề xuất, báo cáo rõ chi tiết từ nhân thân cho đến quá trình cải tạo và cả những thủ tục cần thiết khác như bồi thường thiệt hại, xoá án tích và các điều kiện về đảm bảo an ninh trật tự sau khi người đặc xá được về địa phương.
Tiểu ban chỉ đạo về công tác đặc xá của Công an tỉnh đã phân công các thành viên khẩn trương nghiên cứu hồ sơ, kiểm tra chặt chẽ về điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục trong việc đặc xá đối với từng trường hợp theo danh sách đề nghị xét không để xảy ra sai sót. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã trực tiếp kiểm sát việc thực hiện công tác đặc xá tại Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh; Công an tỉnh đã báo cáo tổ thẩm định liên ngành thuộc Hội đồng tư vấn đặc xá về thẩm định hồ sơ đề nghị đặc xá năm 2024.
Ngày 1/10 đang đến gần, trong những ngày này không khí tại Trại tạm giam Công an tỉnh Sơn La như rộn ràng hơn bao giờ hết. Để chuẩn bị “hành trang” cho các phạm nhân trước khi trở về, từ nhiều tháng nay ngoài tư vấn, bồi dưỡng kiến thức, cho các phạm nhân, đồng thời phối hợp với các đơn vị tổ chức cấp Căn cước cho phạm nhân được đặc xá.
Cánh cổng trại đóng lại, cánh cửa của cuộc đời sẽ mở ra. Trong số những người được đặc xá có những người tóc đã bạc, có những thanh niên tuổi mới đôi mươi. Mỗi người, mỗi số phận, mỗi hoàn cảnh, mỗi câu chuyện và mỗi ước mơ; nhưng tất cả họ đều mang chung một niềm khao khát hướng thiện… Chỉ mai thôi. Họ sẽ tiếp tục được viết tiếp những ước mơ còn đang dang dở!