Nội dung liên quan Phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Tin Trong Nước
Báo điện tử Tiền Phong,
Cảnh lạ ở hẻm ‘nhà thùng’ TPHCM: Trăm năm ngăn đôi 2 cảnh đời trái ngược
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
15:03:19 07/10/2024
theo đường link
https://tienphong.vn/canh-la-o-hem-nha-thung-tphcm-tram-nam-ngan-doi-2-canh-doi-trai-nguoc-post1679873.tpo
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Hẻm "nhà thùng", có từ thời Pháp thuộc như ngăn đôi 2 cảnh đời trái ngược với một bên là dãy nhà cao cửa rộng trong khi phía đối diện là những căn nhà bé tí, lụp xụp rộng chưa đầy 10m2. Hẻm “nhà thùng” Sáng cuối tháng 9, tranh thủ trời ngớt mưa, bà Trần Thị Mừng (65 tuổi, quận 1, TPHCM) đưa chiếc bếp gas mini ra hẻm để đun ấm trà sớm. Nhà quá chật, bà phải đun xong ấm nước, cất bếp mới có chỗ bày rổ lặt rau. Bà Mừng là một trong những người gắn bó lâu nhất ở hẻm 24 đường Thủ Khoa Huân (quận 1, TPHCM), nơi còn được biết đến với biệt danh “ hẻm nhà thùng các-tông”. Biệt danh ấy xuất phát từ cuộc sống thực tế của người dân trong hẻm ngày trước. Hẻm 24 Thủ Khoa Huân (quận 1, TPHCM) nhìn từ phía có dãy nhà cao tầng, khang trang. Ảnh: Hà Nguyễn Các bậc cao niên tại đây cho biết, hẻm “nhà thùng” có từ thời Pháp thuộc. Thời điểm ấy, nơi đây chỉ có vài căn nhà lớn, khang trang, diện tích hàng trăm mét vuông. Đó là những căn nhà thuộc quyền sở hữu của Chú Hỏa, một trong tứ đại phú hào Sài Gòn xưa. Cư dân của những căn nhà này đa phần là người Hoa di cư từ nơi khác đến thuê trọ. Sau đó, người dân buôn bán ở lòng, lề đường xung quanh chợ Bến Thành bắt đầu đến khu đất phía trước những căn nhà của Chú Hỏa dựng lều ở tạm. Lâu dần, họ hình thành những ngôi nhà tạm bé xíu, ọp ẹp, xiêu vẹo. Khi đất nước thống nhất, những người này được vận động đi kinh tế mới. Nhưng vì không quen công việc, cuộc sống tại nơi ở mới, nhiều người quay trở về khu vực hẻm , tiếp tục dựng nhà tạm để mưu sinh. Lâu dần, nơi đây hình thành dãy nhà siêu nhỏ với diện tích từ 3 - 10m2. Từ ngày đó, con hẻm nhỏ như ngăn đôi 2 cảnh đời trái ngược với một bên là dãy nhà cao cửa rộng, diện tích lớn của người Hoa, bên còn lại là những căn nhà lụp xụp, bé tí diện tích chưa đầy 10m2 của dân đi kinh tế mới trở về. Bà Mừng kể: “Mẹ tôi ở đây từ lúc 15 tuổi. Ba mẹ tôi cũng được vận động đi làm kinh tế mới. Nhưng không quen cuộc sống ở nông thôn nên ông bà quay về chốn cũ. Khi trở về đây, ba mẹ cất nhà tạm bằng gỗ với diện tích 1,8 x 2,8m. Chị em chúng tôi sinh ra, lớn lên trong căn nhà nhỏ xíu, chật chội này. Đối diện dãy nhà cao tầng, khang trang là dãy nhà lụp xụp, diện tích cực nhỏ. Ảnh: Hà Nguyễn Lúc đó, hầu hết nhà ở cùng dãy với nhà tôi đều là của người đi kinh tế mới trở về nên dãy nhà còn gọi là 'dãy nhà kinh tế mới', để phân biệt với dãy nhà khang trang đối diện của Chú Hỏa. Ngày còn nhỏ, tôi vẫn nghe mẹ kể, mỗi tháng bà đều thấy người của Chú Hỏa đến đây thu tiền nhà. Sau này, hầu hết gia đình người Hoa thuê nhà của Chú Hỏa đều chuyển đi hết. Chỉ có những người như chúng tôi vẫn cố bám trụ. Từ đó đến giờ, những ngôi nhà ở 'dãy kinh tế mới' vẫn gần như giữ nguyên trạng. Nhà nào cũng bé xíu, trông như thùng các-tông”. Gắn bó Về làm dâu tại hẻm "nhà thùng" từ năm 1969, bà Phấn chưa bao giờ nghĩ có ngày nơi đây lại trở nên sầm uất, san sát nhà cửa như bây giờ. Ảnh: Hà Nguyễn Bà Mừng gần như gắn bó cả đời với hẻm "nhà thùng". Ảnh: Hà Nguyễn Vì diện tích quá nhỏ, chỉ vài mét vuông nên hầu hết các chủ nhà đều dành diện tích tầng trệt làm nhà vệ sinh, xếp gọn đồ cho 1 - 2 người ngủ. Không có diện tích để cất giữ đồ đạc, vật dụng, họ đành treo, xếp, đặt chúng ở trước nhà, lấn ra một bên hẻm. Ngồi trước tiệm giặt ủi có chiều rộng chỉ đặt vừa đủ 3 chiếc máy giặt lồng ngang của người cháu, bà Lê Thị Phấn (72 tuổi) cho biết mình đến con hẻm làm dâu từ năm 1969. Những năm ấy, bà sống với chồng trong căn nhà nhỏ như hộp diêm nằm ở "dãy kinh tế mới". Bà nhớ mãi khoảng thời gian khu đất vắng ngắt, lâu lâu mới thấy có gia đình người Hoa đến ở trong mấy căn nhà của Chú Hỏa. Sau giải phóng, nhà cửa san sát khiến căn nhà của vợ chồng bà càng teo tóp, nhỏ hẹp. Càng vào sâu, những căn nhà "dãy kinh tế mới" càng nhỏ và chật đến nỗi người dân đem đồ ra bày, treo ở một bên hẻm. Ảnh: Hà Nguyễn Thời ấy, vợ chồng bà mưu sinh bằng công việc buôn bán lặt vặt. Sau này, bà có thời gian trở về quê ở miền Tây sinh sống. Dẫu vậy, khi về già bà vẫn nhớ nhung cảnh cũ, người xưa ở hẻm "nhà thùng". Bà quyết định trở lại hẻm và làm việc trong tiệm giặt ủi này. Bà tâm sự: “Già rồi, chồng mất từ lâu, về quê không làm gì ra tiền nên tôi trở lại đây. Vợ chồng tôi không có con nên căn nhà cũ tôi cho cháu chồng vào ở. Sinh sống ở hẻm gần 60 năm, tôi có nhiều kỷ niệm, gắn bó với từng nếp nhà, viên gạch, con người tại đây. Có lẽ vì vậy mà đi đâu, tôi cũng nhớ về chốn này”. Trong khi đó, gia đình bà Mừng đã sống 3 thế hệ ở hẻm "nhà thùng". Cho đến bây giờ, bà vẫn không quên cảnh cả nhà hơn chục người chen chúc trong căn nhà chưa đầy 6m2. Lúc mẹ bà Mừng còn sống, gia đình ưu tiên cho bà cụ nằm ở tầng trệt với các cháu nhỏ. Các thành viên còn lại nằm xếp lớp, chen chúc trên gác lửng. Bà Mừng chia sẻ: “Nhà chật nên sinh hoạt hàng ngày như tắm giặt, nấu nướng, phơi phóng đều diễn ra ngay ở một bên hẻm. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, chúng tôi phải ở thôi, không còn cách nào khác. Những năm trở lại đây, nhiều thành viên của gia đình tôi có cuộc sống riêng nên ra ngoài thuê trọ. Nhờ vậy, nhà tôi mới đỡ chật chội. Người dân sinh sống ở "dãy kinh tế mới” đa phần buôn bán nhỏ. Người ở dãy nhà lầu đối diện đa số khá giả hơn. Dù người dân trong hẻm gần như có 2 cảnh đời trái ngược nhưng rất yêu thương, hòa thuận và đoàn kết. Vì vậy, hẻm nhỏ và chật chội nhưng cuộc sống của chúng tôi rất bình yên". Ông Nguyễn Thiện Toàn, Trưởng ban Công tác mặt trận khu phố 8, phường Bến Thành, quận 1, TPHCM cho biết: "Khu vực hẻm 24 đường Thủ Khoa Huân trước đây do người dân đi kinh tế mới trở về dựng nhà lên để ở và tồn tại đến bây giờ. Đa số những căn nhà ở cuối dãy nhà được người dân gọi là "dãy kinh tế mới" có diện tích rất nhỏ. Dù vậy, chính quyền các cấp cũng tạo điều kiện cho các hộ gia đình tại đây xây, sửa nhà để đảm bảo an toàn. Các hộ dân tại đây đã được cấp số nhà, sổ đỏ, hộ khẩu và đồng hồ điện, nước đầy đủ. Vì hẻm nhỏ, cụt nên địa phương rất quan tâm công tác phòng cháy chữa cháy. Chính quyền các cấp trang bị cho mỗi hộ dân các bình chữa cháy mini. Chúng tôi cũng thường xuyên tập huấn cho người dân về việc đảm bảo an toàn điện, phòng cháy chữa cháy, sử dụng bình chữa cháy mini".