Báo Dân tộc và Phát triển – Cơ quan ngôn luận của Ủy ban Dân tộc,

Cao Bằng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, bố trí kinh phí hỗ trợ khắc phục thiệt hại của bão số 3

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 04:31:41 30/09/2024 theo đường link https://baodantoc.vn/cao-bang-kien-nghi-thu-tuong-chinh-phu-xem-xet-bo-tri-kinh-phi-ho-tro-khac-phuc-thiet-hai-cua-bao-so-3-1727575762082.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Minh Thu
Bão số 3 (Yagi) là cơn bão rất mạnh, dị thường, có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và 70 năm qua trên đất liền nước ta, gây thiệt hại hết sức nặng nề về người, tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Cao Bằng
Do ảnh hưởng của cơn bão và hoàn lưu sau bão, tại tỉnh Cao Bằng, mưa lớn diện rộng, kéo dài, mưa to và rất to, xuất hiện lũ lớn trên các sông, suối gây ngập lụt một số khu vực dân cư tại các huyện: Bảo Lâm, Bảo Lạc, Nguyên Bình, Thạch An, Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hà Quảng, Hòa An và TP. Cao Bằng; sạt lở đất, đá xảy ra toàn bộ các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh gây thiệt hại về người, nhà ở, công trình hạ tầng, đặc biệt sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra tại huyện Nguyên Bình.
Thiên tai tại tỉnh Cao Bằng đã khiến 55 người chết, 19 người bị thương, 2 người mất tích, hiện vẫn chưa tìm thấy; 2.290 nhà bị thiệt hại, ảnh hưởng; 796 nhà có nguy cơ sạt lở phải di dời; thiệt hại trên 2.252ha nông nghiệp; 17,5ha thủy sản; 3.291 con gia súc, gia cầm bị chết do sạt lở, cuốn trôi. Nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến giao thông nông thôn bị sạt lở, ngập nước; 67 công trình thủy lợi bị hư hỏng, sạt lở vùi lấp, đổ gẫy; 49 điểm trường, 5 cơ sở y tế, 6 công trình văn hóa bị hư hỏng… Ước tính thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng.
Điện lực Bảo Lạc huy động nhân lực, thiết bị khắc phục sự cố mất điện trên địa bàn. (Ảnh: Báo Cao Bằng)
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, tỉnh Cao Bằng đã nhanh chóng triển khai công tác, ứng phó và khắc phục hậu quả thiệt hại do bão số 3 theo chỉ đạo của Chính phủ. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, tổ chức bố trí ổn định sinh hoạt tạm thời cho các hộ gia đình có nhà bị sập đổ hoàn toàn, các hộ phải sơ tán; cấp phát các nguồn cứu trợ, hỗ trợ khẩn cấp của Chính phủ, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước kịp thời đến người dân bị thiệt hại.
Đến thời điểm hiện tại, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường nông thôn (thuộc cấp huyện quản lý) đang tiếp tục thực hiện đảm bảo giao thông bước 1, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đi lại của Nhân dân; các cơ sở giáo dục, y tế đã hoạt động trở lại bình thường. Tỉnh Cao Bằng đã bố trí lắp dựng nhà bạt để di dời các hộ dân có nhà bị thiệt hại; vận động sơ tán người dân trong vùng có nguy cơ cao sạt lở đất chủ động di dời đến các nhà văn hóa xóm, nhà người thân.
Cùng với đó, tỉnh Cao Bằng đã khởi công xây dựng 2 khu tái định cư, dự kiến bàn giao vào ngày 30/10; phấn đấu đến ngày 31/12, tất cả người dân mất nhà ở phải có nhà. Đồng thời, triển khai công tác huy động, hỗ trợ, cứu trợ đảm bảo ổn định sinh hoạt, đời sống người dân vùng bị thiên tai… Tuy nhiên, thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh rất lớn (gần 1.000 tỷ đồng, bằng số thu ngân sách một năm của tỉnh); công tác triển khai phục hồi tái thiết sản xuất, ổn định dân cư, khắc phục sửa chữa các công trình hạ tầng còn gặp nhiều khó khăn.
Lực lượng chức năng tìm kiếm người mất tích trong vụ sạt lở trên địa bàn huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng
Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3, thay mặt Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, ông Hoàng Xuân Ánh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh về diện tích Quy hoạch Vườn Quốc gia Phia Oắc - Phia Đén, huyện Nguyên Bình, do hiện nay có trên 781ha diện tích đất nông nghiệp, đất thổ cư của Nhân dân chồng lấn với diện tích quy hoạch Vườn Quốc gia; Chỉ đạo, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với cơ quan, chức năng địa phương nghiên cứu, khảo sát, đánh giá toàn bộ khu vực sạt lở, sụt lún, đặc biệt là các vị trí trọng yếu tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo để tỉnh Cao Bằng có phương án đề xuất khắc phục, sửa chữa đảm bảo an toàn và kịp thời phục vụ các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024).
Tỉnh Cao Bằng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm bố trí kinh phí hỗ trợ cho tỉnh khắc phục thiệt hại của hoàn lưu bão số 3; xem xét, giao nhiệm vụ xây dựng chính sách hỗ trợ cho việc cải tạo, khôi phục diện tích đất sản xuất bị bồi lấp, xói lở do thiên tai không thể canh tác được. Sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh vì các mức hỗ trợ theo Nghị định số 02 không còn phù hợp với thực tế.
Thiên tai tại tỉnh Cao Bằng đã khiến 55 người chết, 19 người bị thương, 2 người mất tích, hiện vẫn chưa tìm thấy; 2.290 nhà bị thiệt hại, ảnh hưởng; 796 nhà có nguy cơ sạt lở phải di dời; thiệt hại trên 2.252ha nông nghiệp; 17,5ha thủy sản; 3.291 con gia súc, gia cầm bị chết do sạt lở, cuốn trôi. Nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến giao thông nông thôn bị sạt lở, ngập nước; 67 công trình thủy lợi bị hư hỏng, sạt lở vùi lấp, đổ gẫy; 49 điểm trường, 5 cơ sở y tế, 6 công trình văn hóa bị hư hỏng… Ước tính thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng.
Sao chép thành công