Nội dung liên quan Thành phố Hồ Chí Minh, Tin Trong Nước
Báo Tuổi Trẻ Online,
Chàng trai không tay từng được Tiếp sức đến trường nay là cử nhân IT 'có thể tự nuôi mình'
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
09:03:51 03/10/2024
theo đường link
https://tuoitre.vn/chang-trai-khong-tay-tung-duoc-tiep-suc-den-truong-nay-la-cu-nhan-it-co-the-tu-nuoi-minh-20241002093934324.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Nhẫn sinh ra đã không có tay. Chàng sinh viên từng nhận học bổng Tiếp sức đến trường nay đã bước vào đời với công việc phù hợp với bản thân. Anh Nguyễn Đình Nhẫn nhận học bổng Tiếp sức đến trường năm 2016 - Ảnh: DOÃN HÒA Không có đôi tay, mồ côi cha, không gục ngã Năm 2016, bài báo " Nghị lực vượt khó của Nhẫn " đăng trên báo Tuổi Trẻ trong chương trình học bổng Tiếp sức đến trường khu vực Bắc Trung Bộ đã lay động nhiều trái tim cảm phục của bạn đọc. Là con thứ năm trong gia đình nghèo ở xã Nghi Kim (TP Vinh), từ lúc lọt lòng Nhẫn đã gặp bất hạnh khi khiếm khuyết hai đôi tay. Năm 2007, khi Nhẫn đang học lớp 3 thì cha đột ngột qua đời sau một vụ tai nạn giao thông, để lại gánh nặng mưu sinh nuôi sáu đứa con thơ cho bà Nguyễn Thị Vinh - mẹ Nhẫn. Bản thân bị khuyết tật bẩm sinh, gia đình khó khăn nhưng Nhẫn không từ bỏ ước mơ đến trường. Không có tay, Nhẫn tập viết bằng chân và học cách sống tự lập sinh hoạt cá nhân từ đánh răng, rửa mặt đến dùng thìa xúc cơm ăn. Tất cả đều bằng chân. Ngoài thời gian được bạn đưa đến lớp học, Nhẫn lại phụ giúp mẹ các việc trong nhà như quét nhà, nấu cơm, nhặt rau, chăn bò... bằng đôi chân khéo léo. Anh Nguyễn Đình Nhẫn tâm sự không quên được ân tình từ học bổng Tiếp sức đến trường - Ảnh: DOÃN HÒA Trước ngưỡng cửa tuổi 18, Nhẫn ước mơ trở thành cử nhân công nghệ thông tin , có thể làm việc, kiếm tiền nuôi sống bản thân và sống có ích cho xã hội như tấm gương của hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng. Nhẫn từng tâm sự, người chỉ cử động được một cánh tay như anh Hùng mà vẫn làm được nhiều chuyện đáng tự hào như vậy, huống chi bản thân mình còn cả hai chân. Vì vậy, cậu tự nhủ bất cứ hoàn cảnh nào cũng không cho phép mình đầu hàng, từ bỏ. Bằng nghị lực vượt khó, suốt 12 năm học liền Nhẫn đều là học sinh khá và trúng tuyển vào Trường đại học Công nghiệp Vinh. Từ suất học bổng Tiếp sức đến trường đến hiện tại cử nhân IT Suất học bổng Tiếp sức đến trường nghĩa tình năm 2016 đã giúp Nhẫn có chi phí nhập học ban đầu, giảm bớt gánh nặng cho mẹ. Sau bốn năm miệt mài học tập, Nhẫn ra trường với tấm bằng tốt nghiệp loại khá ngành công nghệ thông tin. Sau 8 năm kể từ ngày nhận học bổng Tiếp sức đến trường, anh Nhẫn đã tốt nghiệp đại học, kiếm được công việc phù hợp với bản thân - Ảnh: DOÃN HÒA Chúng tôi gặp Nhẫn khi anh đang nhận làm đồ họa, thiết kế mỹ thuật cho một công ty ở gần nhà chuyên sản xuất, sáng tạo nội dung số trên các nền tảng mạng xã hội YouTube, Facebook, TikTok... Không thao tác bằng tay nhưng đôi chân của anh rất thuần thục sử dụng máy tính từ các phím tắt đến chuột máy tính. Kiến thức được học trên giảng đường giúp Nhẫn tự tin giao tiếp với mọi người cũng như tìm được công việc ổn định, phù hợp với bản thân. Thu nhập mỗi tháng chừng 6-7 triệu đồng từ việc làm công nghệ trên mạng xã hội hiện tại đủ để Nhẫn tự lo cho bản thân và mẹ. "Học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ là động lực to lớn, hỗ trợ kịp thời để tôi có động lực đến trường. Sau 8 năm, tôi vẫn nhớ mãi về ngày được nhận học bổng và lời dặn dò của các mạnh thường quân không được gục ngã trước số phận", anh Nhẫn nói. Anh Nhẫn cũng hy vọng rằng các bạn tân sinh viên nhận học bổng năm nay sẽ xem đây là nguồn động viên để học tập tốt để mai sau là người có ích cho gia đình, cống hiến cho cộng đồng xã hội. Không chỉ hỗ trợ tiền mặt giúp các bạn tân sinh viên nghèo tới giảng đường, học bổng Tiếp sức đến trường còn trao gửi niềm tin, tiếp thêm động lực cho các bạn hướng về một tương lai tươi sáng hơn. Những nhà hảo tâm âm thầm đứng sau học bổng Tiếp sức đến trường muốn nhắn nhủ với các bạn tân sinh viên mai sau trưởng thành, có điều kiện hãy quay trở lại chương trình tiếp nối, cùng tiếp sức cho những đàn em có hoàn cảnh khó khăn như mình được trao gửi hôm nay. Anh Nguyễn Đình Nhẫn và mẹ - Ảnh: DOÃN HÒA Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…). Với phương châm "Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường", "Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ " - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ "Nghĩa tình Quảng Trị", "Nghĩa tình Phú Yên"; các câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội Tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ. Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007. Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ. Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.