Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
VOV.VN - Việc phục hồi, phát triển rừng ở Đắk Lắk vẫn rất khó khăn vì chưa có cơ chế, chính sách và nguồn lực phù hợp để tạo động lực thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia. Do đó địa phương đang chắt chiu nguồn lực của mình cho nhiệm vụ quan trọng này.
Sau thời gian liên tục suy giảm nghiêm trọng cả về diện tích và chất lượng, việc phục hồi, phát triển rừng Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung, đang là yêu cầu cấp thiết. Nghị quyết 23 năm 2022 của Bộ Chính trị đã đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho các tỉnh Tây Nguyên trong công tác này. Tuy nhiên, việc phục hồi, phát triển rừng trong khu vực vẫn rất khó khăn vì chưa có cơ chế, chính sách và nguồn lực phù hợp để tạo động lực thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia.
Để khắc phục một phần những khó khăn, tỉnh Đắk Lắk đang chắt chiu nguồn lực của mình cho nhiệm vụ quan trọng này. Công Bắc, Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk về vấn đề này.
PV: Thưa ông, Đắk Lắk đang là tỉnh có độ che phủ rừng thấp nhất Tây Nguyên và thấp hơn bình quân chung cả nước. Đây có phải là do công tác phát triển rừng còn chưa được quan tâm thỏa đáng?
Ông Nguyễn Quốc Hưng : Đắk Lắk độ che phủ thấp vì những diện tích đất bằng phẳng, tốt của Đắk Lắk lớn nhất Tây Nguyên. Kể cả đất ở huyện Ea Súp không phải đất đỏ bazan, nhưng rất bằng phẳng và canh tác nông nghiệp thuận lợi. Bên cạnh đó, dân di cư tự do chủ yếu vào Đắk Lắk, hiện giờ họ đang rất khó khăn. Để sinh sống thì đất cũng xuất phát từ rừng.
Theo ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, việc phục hồi, phát triển rừng tại địa phương đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực và các cơ chế, chính sách phù hợp
Thứ hai là nguồn lực trồng rừng bây giờ đầu tư công gần như là không có. Chỉ có nguồn vốn trồng bù rừng theo diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, diện tích này một phần rất nhỏ thôi. Đầu tư công không có, các dự án ODA cũng không, đầu tư trồng rừng vốn FDI cũng không có. Muốn phát triển rừng rất khó khăn.
PV : Đắk Lắk có hàng chục công ty nông lâm nghiệp, quản lý quỹ đất rất lớn (gần 220.00ha). Tình hình họ phát triển rừng thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Hưng : Trồng rừng bây giờ chỉ trông vào các công ty lâm nghiệp và người dân nhưng các chính sách đi theo không đồng bộ. Các lâm trường hiện nay vốn lưu động gần như là không có, không phát triển rừng được.
PV : Trong bối cảnh nhiều khó khăn như thế, Đắk Lắk khắc phục thế nào và kết quả đến đâu trong mấy năm gần đây thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Hưng: UBND tỉnh Đắk Lắk đã có Quyết định 1237 ngày 24/5/2021 về kế hoạch trồng rừng và trồng cây xanh giai đoạn 2021-2025 là 7.268 ha. Đến nay mới là tháng 9/2024 thì đã trồng được 12.582 ha. Năm 2024 này, cũng sẽ trồng vượt kế hoạch, khả năng trồng được khoảng 2.500-3.000 ha so với kế hoạch 1.817 ha. Đây mới là trồng rừng, còn trồng cây phân tán là mỗi năm trồng bình quân là 200.000 cây. Các năm chúng tôi đều trồng đạt và vượt kế hoạch.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, Đắk Lắk đã chắt chiu nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ quan trọng phục hồi, phát triển Trung ương giao
PV : Diện tích đất rừng bị phá, lấn chiếm trước đây rất lớn (như Đắk Lắk thống kê có khoảng 128.000ha), tỉnh có giải pháp gì phục hồi, phát triển lại diện tích rừng thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Hưng: 128.000ha này kéo dài rất lâu rồi, khoảng 20 năm rồi, chứ không phải là mới, chúng tôi không thể nào phục hồi toàn bộ được. Nếu chúng ta cứ khăng khăng mà giữ đất cho lâm nghiệp nhưng mà trong lúc dân đói thì không khả thi. Chúng tôi sẽ định hình lại, quy hoạch lại lâm phần trên thực địa. Căn cứ quy hoạch tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt và quy hoạch sử dụng đất của từng huyện, từ đó quy hoạch bố trí đất sản xuất, đất ở cho dân. Những diện tích nào đã quy hoạch lâm nghiệp, có rừng thì chúng tôi kiên quyết bảo vệ rừng. Diện tích mất rừng thì tiến hành trồng rừng, trồng rừng gỗ nhỏ, trồng rừng gỗ lớn, nông lâm kết hợp.
PV : Nghị quyết 23 năm 2022 của Bộ chính trị về phương hướng phát triển vùng Tây Nguyên yêu cầu phải tăng độ che phủ rừng trong khu vực, chú trọng phục hồi và phát triển rừng. Đắk Lắk đã có giải pháp gì cho vấn đề này thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Hưng : Trong giai đoạn này rất khó khăn huy động vốn để trồng rừng, tuy nhiên, chúng tôi phải vận dụng và có định hướng cho các công ty lâm nghiệp cũng như các hợp tác xã và người dân tăng cường trồng rừng. Chúng tôi đang đẩy mạnh xúc tiến cho các doanh nghiệp bỏ vốn ra hỗ trợ cho dân làm Chứng chỉ rừng trồng FSC (Chứng chỉ rừng bền vững- PV). Và khi rừng có chứng chỉ như vậy thì người dân sẽ hưởng lợi, hoặc doanh nghiệp trồng rừng sẽ hưởng lợi hơn, giá bán sẽ cao hơn ít nhất là 10%. Bên cạnh đó, về mặt thủ tục hành chính chúng tôi cũng hỗ trợ hết mình để tạo điều kiện để các doanh nghiệp, người dân trồng rừng.
Nghị định 58 của Chính phủ vừa mới ban hành tháng 5 năm 2024 cũng đã có một số chính sách để hỗ trợ. Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các doanh nghiệp, người dân làm sao xây dựng những dự án, những phương án để được Nhà nước hỗ trợ theo chính sách mới.