Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
TP - Đại tá H, một cán bộ làm ở cơ quan phòng chống mua bán người của lực lượng Công an sửng sốt khi chính cháu của mình cũng bị lừa bán sang casino ở Campuchia và đang kêu cứu, bởi thủ đoạn của các đối tượng này luôn mới và xảo quyệt.
“Truyền thông và nhiều người hay nói rằng, phần lớn các nạn nhân bị mua bán là phụ nữ, trẻ em, thuộc nhóm đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn miền núi. Nhưng nhận thức này phải thay đổi, vì bây giờ nạn nhân lại là những người hiểu biết và sống ở vùng đồng bằng”. Đó là chia sẻ của Đại tá Phạm Long Biên, Trưởng phòng phòng chống mua bán người , Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh Bộ đội biên phòng khuyến cáo người dân cảnh giác trước thủ đoạn mới của tội phạm buôn bán người Ảnh: Lê Văn Chương
Hội nghị quán triệt công tác nghiệp vụ phòng, chống ma túy và tội phạm , tổng kết rút kinh nghiệm việc thực hiện chuyên án A2 - 824 P vừa được Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tổ chức tại tỉnh Bình Định với sự chủ trì của Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh Bộ đội biên phòng. Đây là dịp để lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm của Bộ đội biên phòng các tỉnh chia sẻ về những thủ đoạn mới nhất của tội phạm, trong đó có tội phạm buôn người và phương pháp đấu tranh đối với chúng.
Chuyện của Đại tá H cũng là một trong những điểm nhấn để nói về thủ đoạn của các đối tượng. Hiện nay hoạt động của các đối tượng này chỉ chiếm khoảng 12% là hoạt động đơn lẻ, còn lại 88% là có tổ chức. Thủ đoạn tinh vi và đặc biệt nguy hiểm của chúng thể hiện ở chỗ tất cả các hành vi được liên kết chặt chẽ, từ người nhắn tin, người tuyển dụng lao động, người tiếp xúc, người tung tin về thu nhập khủng từ 30-40 triệu đồng/tháng, đến người đưa đón, người tìm cách móc nối để đưa nạn nhân vượt biên sang nước ngoài.
Trần Ngọc Hoàng, 29 tuổi, quê ở tỉnh Đồng Nai, là một vũ công của các chương trình ca múa nhạc. Hoàng kể rằng nhận được tin nhắn của một ông chủ khách sạn ở Campuchia đề nghị sang tham gia show diễn và được trả tiền khá hậu hĩnh. Sau lời đề nghị làm ăn trên thì có nhiều nhân viên khác kết nối, chia sẻ về cơ đồ của ông chủ, các hoạt động có thể “hốt bạc” mang về Việt Nam. Vậy rồi Hoàng đón xe sang thăm dò thị trường và được đưa ngay vào casino làm nô lệ, chát lừa đảo . Đây là một ví dụ về thủ đoạn rất mới của tội phạm này.
Một chốt gác đêm trên đường biên giới khu vực cánh gà cửa khẩu quốc tế Tây Ninh để chống buôn bán người Ảnh: Lê Văn Chương
Tại Đồn Biên phòng cửa khẩu Mộc Bài, Bộ đội biên phòng Tây Ninh còn lưu giữ hàng trăm bộ hồ sơ của các nạn nhân được giải cứu từ năm 2022. Lướt qua các hồ sơ cho thấy có rất nhiều thanh niên là đồng bào ở các tỉnh Tây Bắc như: Sùng A Thể sinh năm 2001; Sùng A Phình sinh năm 2003 (cùng dân tộc H’Mông ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên); Lò Quốc Toản sinh năm 2005, dân tộc Dao, ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang…
Tuy nhiên đến thời điểm này, số lượng nạn nhân là người đồng bằng, có học thức đã tăng trở lại. Gần đây nhất vào ngày 25/9, Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang đã giải cứu chị T.T.Đ (33 tuổi, quê ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau), bị lừa bán sang Campuchia đã 4 ngày. Lực lượng đấu tranh phòng chống tội phạm của Bộ đội biên phòng đã phối hợp với chính quyền nước bạn và sau 3 giờ đồng hồ đã xác định được địa điểm nạn nhân đang ở là một quán bar ở tỉnh Kam Pốt, Campuchia. Tụ điểm này do người nước ngoài làm chủ. Việc giải cứu chị T.T.Đ sau đó đã diễn ra thành công.
Phần nổi của tảng băng
Có một kênh mà các đối tượng mua bán người đều phải “đi qua”, đó là mạng xã hội. Đây cũng là “cửa vào” của các lực lượng đấu tranh ngăn chặn nạn buôn bán người. Phóng viên khi tiếp cận các đối tượng bị Bộ đội biên phòng bắt giữ và đã kịp đọc một số tin nhắn trên điện thoại khi đối tượng chưa kịp hủy, những dòng tin này cho thấy sự nhẹ dạ cả tin của nhiều người trẻ. Trong telegram của một cô gái tên Ka nhắn cho đối tượng tuyển người: “Công ty cũ ép chỉ tiêu quá. Mình còn 1 đám ở VN, tại nó chờ tui đi trước, mới qua sau…”.
Những tin nhắn tuyển dụng tiếp tục đánh vào tâm lý sẽ được trả lương cao để lôi kéo. Có tin nhắn dụ dỗ rất chi tiết: “Tiền cơm: 3 triệu/tháng. Bằng cấp: 2 triệu. Có kinh nghiệm: 2 triệu. 6 tháng không về phép: Thưởng 20 triệu. Thâm niên lên đến 100 triệu đồng…Hỗ trợ ký túc xá từ 4-6 người, có đầy đủ kem, pót, xà phòng miễn phí”.
Đại tá Phạm Long Biên, Trưởng phòng phòng chống mua bán người, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng) cho biết “Theo thống kê sơ bộ của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), 9 tháng của năm 2024, đã có 53 tỷ USD chảy qua kênh lừa đảo trực tuyến liên quan đến mua bán người, trong đó riêng Việt Nam là 19 tỷ USD và đó mới chỉ là phẩn nổi của tảng băng”.
Trong trường hợp cần trợ giúp, công dân Việt Nam liên hệ với đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia: + 855-974056789; Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sihanoukville: +855-97933999 hoặc Tổng đài bảo hộ công dân +84-981 84 84 84.
Nạn mua bán người bây giờ không còn rơi vào đối tượng là phụ nữ và trẻ em, mà chiếm tới 63% là nam giới. Tình trạng mua bán người có khi còn diễn ra ngay trong nước mà nạn nhân chưa hề hay biết. Chuyên án A2-824P của Bộ đội biên phòng vừa giải cứu 11 nạn nhân, trong đó có 7 cháu gái dưới 16 tuổi, có cháu mới 14 tuổi, khi được giải cứu thì các cháu vẫn không biết mình đang bị kẻ xấu buôn bán. Kết thúc chuyên án tại địa bàn 3 tỉnh Kon Tum, Bình Định và Phú Yên, người nhà nạn nhân cho biết, đã báo cáo với lực lượng chức năng địa phương ở tỉnh Kon Tum nhưng không được hồi đáp. Nhưng may mắn là được Bộ đội biên phòng giải cứu.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh Bộ đội biên phòng nhấn mạnh, cần thường xuyên chia sẻ, vạch trần thủ đoạn của các đường dây, tổ chức buôn người, nhằm giúp thanh thiếu niên không rơi vào cạm bẫy. Hiện nay nạn nhân là dân tộc Kinh chiếm tới 68%, dân tộc thiểu số là nạn nhân chỉ chiếm 32%.