Nội dung liên quan Nhật Bản, Tin Quốc Tế
Báo Khánh Hòa điện tử,
Chính trị gia Shigeru Ishiba và trọng trách đưa "Nhật Bản trở lại"
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
15:38:58 01/10/2024
theo đường link
https://baokhanhhoa.vn/the-gioi/202409/chinh-tri-gia-shigeru-ishiba-va-trong-trach-dua-nhat-ban-tro-lai-b8644e8/
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Lên nắm quyền vào thời điểm chi phí sinh hoạt tăng cao, ông Shigeru Ishiba hứa sẽ đưa Nhật Bản "thoát khỏi hoàn toàn" tỷ lệ lạm phát cao, cam kết đạt được "tăng trưởng tiền lương thực tế." Ông Shigeru Ishiba phát biểu trong cuộc họp báo sau khi được bầu làm Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP), tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 27/9/2024. (Ảnh: Kyodo/TTXVN) Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền vào ngày 27/9, nhà lập pháp kỳ cựu Shigeru Ishiba sẽ kế nhiệm ông Fumio Kishida, trở thành thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản. Là một chính trị gia có bề dày hoạt động, ông Ishiba lần đầu tiên được bầu vào Hạ viện năm 1986, tham gia chính trường sau khi làm việc tại Ngân hàng Mitsui (nay là Sumitomo Mitsui Banking Corp.) trong khoảng 4 năm. Cha của ông, Jiro Ishiba, cũng là một chính trị gia, từng là Bộ trưởng Nội vụ và Thống đốc tỉnh Tottori, miền Tây Nhật Bản. Ông Ishiba từng đảm nhận nhiều vị trí trong các nội các tiền nhiệm, là Bộ trưởng Quốc phòng (2007-2008); Bộ trưởng Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (2008-2009) và Bộ trưởng Phụ trách tái thiết địa phương (2014-2016). Về chức vụ trong đảng LDP, ông Ishiba từng đảm nhận các vị trí Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu chính sách của LDP (2009-2011) và Tổng Thư ký (2012-2014). Ông Ishiba đã tranh cử Chủ tịch LDP 4 lần trong khoảng thời gian 2008-2020, nhưng chưa bao giờ giành chiến thắng. Trong lần tranh cử thứ năm này, ông gọi đây là "trận chiến cuối cùng" của mình. Trong sự nghiệp chính trị kéo dài 38 năm của mình, chính trị gia 67 tuổi này chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực an ninh và phục hồi các cộng đồng nông thôn của Nhật Bản. Ông được biết đến là một người ủng hộ việc phục hồi địa phương và đây là một yếu tố giúp ông thường dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ý kiến trước bầu cử về việc ứng cử viên nào có năng lực nhất để lãnh đạo đảng. Giới chuyên gia nhận định kinh nghiệm và những chuyến đi đến vùng nông thôn Nhật Bản đã góp phần nâng cao uy tín và sự ủng hộ của cử tri đối với ông. Theo cuộc thăm dò của Nikkei được tiến hành trong các ngày 13-15/9 vừa qua, có 26% số người được hỏi tin rằng ông Ishiba phù hợp để lãnh đạo LDP, đứng đầu trong số 9 ứng cử viên của lần tranh cử này. Ông Shigeru Ishiba được coi là một chính trị gia giàu kinh nghiệm và đáng tin cậy. (Ảnh: THX/TTXVN) Ông Jeff Kingston, Giám đốc nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple ở Tokyo, đánh giá: "Ông ấy có uy tín nhất vì là người hiểu được nỗi đau của người dân." Hosoya Yuichi, Giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Keio ở Tokyo, cho rằng. “Ông Ishiba được coi là một chính trị gia giàu kinh nghiệm và đáng tin cậy.” Trên cương vị Chủ tịch LDP cầm quyền, tân lãnh đạo phải ưu tiên các nhiệm vụ lớn. Trước tiên, đó là tạo sự chuyển biến tích cực cho nền kinh tế. Lên nắm quyền vào thời điểm chi phí sinh hoạt tăng cao, vốn đã trở nên trầm trọng hơn do đồng yen yếu, chính trị gia kỳ cựu này đã hứa sẽ đưa Nhật Bản "thoát khỏi hoàn toàn" tỷ lệ lạm phát cao, cam kết đạt được "tăng trưởng tiền lương thực tế." Bên cạnh đó, một trong những trọng tâm của ông Ishiba sẽ là khôi phục các thành phố nhỏ đang bị suy giảm dân số. Masakazu Tokura, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản, nhóm vận động hành lang doanh nghiệp lớn nhất của đất nước, mô tả ông Ishiba là "một nhà lãnh đạo sẵn sàng thúc đẩy các sáng kiến." Ông Ken Kobayashi, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, coi tân Chủ tịch LDP là "người am hiểu chính sách" và là "người nắm bắt cơ hội." Ông nhận định: "Nền kinh tế Nhật Bản đã có bước đi đầu tiên hướng tới tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi hy vọng ông ấy sẽ đẩy nhanh đà tăng trưởng này," ám chỉ đến mức tăng lương lớn nhất trong hơn 30 năm qua trong các cuộc đàm phán tiền lương vào mùa Xuân năm 2024. Một nhiệm vụ không kém phần quan trọng là cải thiện hình ảnh của LDP trước cuộc tổng tuyển cử vào năm tới, đặc biệt trong bối cảnh LDP bị phanh phui vụ bê bối gây quỹ chính trị. Trong một nền văn hóa chính trị coi trọng sự tuân thủ, ông Ishiba từ lâu đã được đánh giá là một người thẳng thắn, sẵn sàng lên tiếng về những vấn đề trong nội bộ đảng. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Shigeru Ishiba sau khi đắc cử chức Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, tại Tokyo ngày 27/9/2024. (Ảnh: Kyodo/TTXVN) Lãnh đạo sắp mãn nhiệm Fumio Kishida sẽ từ chức để mang đến cho LDP một diện mạo mới trước công chúng. LDP kỳ vọng ông Ishiba, với bề dày kinh nghiệm, sự ổn định và năng lực của mình sẽ giúp LDP giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện lần tới, đặc biệt trong bối cảnh đảng Dân chủ Lập hiến đối lập chính đã chọn cựu Thủ tướng Yoshihiko Noda, một chính trị gia nổi tiếng với những bài phát biểu truyền cảm hứng, làm lãnh đạo mới của mình. Giáo sư chính trị của Đại học Tokyo Yu Uchiyama nhận định ông Ishiba có thể sẽ thể hiện tốt trong cuộc đối đầu sắp tới tại quốc hội với lãnh đạo phe đối lập. Nhiệm vụ thứ ba của tân Chủ tịch LDP là thúc đẩy Nhật Bản đóng vai trò chủ động hơn về quốc phòng. Là một chuyên gia về lĩnh vực quốc phòng, ông Ishiba được nhận định có lập trường mạnh mẽ, ủng hộ Nhật Bản có chính sách an ninh chủ động hơn trong khi vẫn tuân thủ theo hiến pháp hòa bình của mình. Ông luôn ủng hộ quyền tự vệ tập thể của Nhật Bản và các cải cách nhằm tăng cường năng lực của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF). Ông muốn sửa đổi Hiến pháp Hòa bình theo hướng đề cập cụ thể đến JSDF, điều phù hợp với mục tiêu lâu dài của LDP là chấm dứt cuộc tranh luận trong nước về tính hợp hiến của lực lượng này. Cách tiếp cận thực dụng đối với quốc phòng đã đưa ông Ishiba trở thành nhân vật chủ chốt trong các cuộc tranh luận về lập trường quân sự của Nhật Bản và vai trò của nước này trong động lực an ninh khu vực. Ông Shigeru Ishiba cam kết đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng trì trệ. (Ảnh; Kyodo/TTXVN) Giới phân tích nhận định việc ủng hộ một Nhật Bản quyết đoán hơn có thể làm phức tạp mối quan hệ với Mỹ. Ông K Yhome, Nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu Asian Confluence, nhận định: "Ông Ishida là người có ý thức mạnh mẽ về việc tăng cường an ninh trong khu vực.” Về quan hệ với Mỹ, trong khi nhấn mạnh đến nhu cầu duy trì liên minh song phương, ông Ishiba cũng cho biết với tư cách là thủ tướng, ông sẽ tìm cách xem xét lại thỏa thuận xác định quy chế của lực lượng Mỹ đồn trú tại Nhật Bản. Ông đề xuất một kế hoạch cùng quản lý các căn cứ quân sự của Mỹ tại Okinawa với JSDF. Động thái này nhằm để Nhật Bản nắm quyền kiểm soát và chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với an ninh của chính mình. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, mặc dù muốn thể hiện vai trò chủ động hơn trong vấn đề an ninh, song không có khả năng ông Ishiba sẽ đi chệch khỏi đường lối chính thống trong khuôn khổ liên minh với Mỹ. Đối với Hàn Quốc, ông là một trong số ít chính trị gia LDP thừa nhận những sai lầm của Nhật Bản trong quá trình thực dân hóa Triều Tiên giai đoạn 1910-1945, một động thái hứa hẹn sẽ duy trì được mối quan hệ nồng ấm hơn với Hàn Quốc. Ngoài ra, mục tiêu của ông Ishiba trong lĩnh vực đối ngoại còn là mở rộng xu thế này ra khắp châu Á, một nhiệm vụ không hề dễ dàng trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực gia tăng tầm ảnh hưởng của mình. Ông Shigeru Ishiba sẽ sớm đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng vào ngày 1/10 và gần như ngay lập tức sẽ tham gia vào hoạt động ngoại giao thượng đỉnh. Mùa Thu được gọi là "mùa ngoại giao" với một loạt các hội nghị quốc tế. Ông sẽ gặp mặt với các nhà lãnh đạo thế giới và giải quyết các vấn đề khó khăn như ứng phó với môi trường an ninh ngày càng nghiêm trọng ở Đông Á và cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc. Dự kiến ngày 9-11/10, ông sẽ dự hội nghị cấp cao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Lào. Riêng đối với Trung Quốc, Nhật Bản dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh hai nước vào tháng 11. Có rất nhiều thách thức về chính sách đối ngoại nằm ở vị trí ưu tiên trong danh sách việc cần làm của ông Ishiba. Tuy nhiên, sức mạnh toàn cầu thực sự bắt đầu từ trong nước. Bất chấp tất cả những lời bàn tán về "vòng tuần hoàn lành mạnh," nền kinh tế Nhật Bản vẫn dễ bị tổn thương đáng kể trước những cú sốc quốc tế-sự suy thoái của Trung Quốc, hậu quả từ bất ổn địa chính trị ở Trung Đông và châu Âu, các cuộc chiến thương mại sắp tới… Chuyên gia William Pesek của Nikkei nhận định Nhật Bản cần xây dựng sức mạnh kinh tế lớn hơn và sức bền tài chính trong nước. Nhiệm vụ khó khăn này giờ đây thuộc về ông Ishiba, người chắc chắn sẽ không lãng phí một phút nào để thực hiện mục tiêu “Nhật Bản đã trở lại.” Theo TTXVN