Báo Tuổi Trẻ Online,

Chủ hộ kinh doanh cũng có thể bị tạm hoãn xuất cảnh nếu nợ thuế

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 13:05:38 05/10/2024 theo đường link https://tuoitre.vn/chu-ho-kinh-doanh-cung-co-the-bi-tam-hoan-xuat-canh-neu-no-thue-20241004224420959.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
và 1 tác giả khác
Cơ quan quản lý đang đề xuất bổ sung đối tượng chủ hộ kinh doanh, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, cá nhân kinh doanh... bị tạm hoãn xuất cảnh nếu nợ thuế chây ỳ. Ông Nguyễn Văn Được, trưởng ban chính sách Hội tư vấn và đại lý thuế TP.HCM, cho rằng doanh nghiệp cần kiểm tra tình trạng thuế trên hệ thống eTax Mobile, cập nhật đầy đủ địa chỉ nhận thông báo thuế và email, số điện thoại... để có thể nhận thông báo kịp thời từ cơ quan thuế - Ảnh: A.H.
Câu chuyện tạm hoãn xuất cảnh chủ doanh nghiệp (DN) nợ thuế hay DN mua phải hóa đơn của DN có rủi ro cao thì xử lý thế nào là hai vấn đề nóng nhất tại tọa đàm Doanh nhân và kế hoạch phòng tránh rủi ro về thuế do Hội tư vấn và đại lý thuế TP.HCM (HTCAA) và tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức ngày 4-10.
Đáng lưu ý cơ quan quản lý đang đề xuất bổ sung đối tượng chủ hộ kinh doanh, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cá nhân kinh doanh... bị tạm hoãn xuất cảnh nếu nợ thuế chây ỳ.
DN sẽ phải tuân thủ thuế ở mức cao hơn Câu chuyện tạm hoãn xuất cảnh chủ DN nợ thuế đang là vấn đề nóng bỏng khi chỉ tám tháng đầu năm 2024, có 17.952 trường hợp bị cơ quan thuế thông báo tạm hoãn xuất cảnh, cao gấp nhiều lần so với năm 2023. Mới nhất, Tổng cục Thuế vừa ban hành công văn 4216 gửi các cục thuế để đốc thúc thu nợ thuế trong những tháng cuối năm.
Ông Nguyễn Văn Được, trưởng ban chính sách HTCAA, cho biết vừa qua đại diện pháp luật nhiều DN đã bị tạm hoãn xuất cảnh vì DN nợ thuế chây ỳ.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của DN mà còn ảnh hưởng đến uy tín cá nhân lãnh đạo DN khi không thể đi công tác nước ngoài, công việc cũng bị ảnh hưởng.
Theo ông Được, tạm hoãn xuất cảnh là một biện pháp cưỡng chế nhằm thu hồi nợ thuế. Đây gần như là giải pháp cuối cùng khi các biện pháp thu nợ trước đó không phát huy tác dụng. Để ban hành quyết định này, cơ quan thuế cũng phải tuân theo trình tự thủ tục như: kiểm tra đối chiếu nợ thuế, gửi văn bản cho cơ quan xuất nhập cảnh và người nộp thuế.
Sau đó cơ quan xuất nhập cảnh thực hiện tạm hoãn xuất nhập cảnh ngay trong ngày và đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan xuất nhập cảnh. Trường hợp người nộp thuế đã hoàn thành nghĩa vụ thì trong 24 giờ làm việc cơ quan thuế phải ban hành văn bản hủy bỏ gửi cơ quan tạm hoãn xuất nhập cảnh.
"Có thể vì một lý do nào đó mà DN lẫn người đại diện pháp luật không nhận được thông tin về việc tạm hoãn xuất cảnh, dẫn đến bị "sốc" khi ra sân bay bị chặn lại. Vì thế, DN cần kiểm tra tình trạng thuế trên hệ thống eTax Mobile, cập nhật đầy đủ địa chỉ nhận thông báo thuế và email, số điện thoại... để có thể nhận thông báo kịp thời", ông Được nói.
Cũng theo ông Được, hiện nay cơ quan quản lý đang đề xuất sửa đổi bổ sung đối tượng bị tạm hoãn xuất nhập cảnh theo khoản 1, điều 66 Luật Quản lý thuế số 38, theo đó bổ sung thêm chủ hộ kinh doanh, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cá nhân kinh doanh...
Thêm vào đó, hiện nay theo Luật Quản lý thuế số 38, cơ quan thuế không phải áp dụng tuần tự các bước cưỡng chế thuế như trước mà được bỏ qua các bước trước nếu cảm thấy không hiệu quả. Như vậy DN sẽ phải tuân thủ pháp luật thuế ở mức cao hơn nếu không muốn bị rơi vào danh sách tạm hoãn xuất cảnh.
Về phía DN cũng phải cân nhắc khi chọn người đứng ra làm đại diện pháp luật của DN, đặc biệt trong trường hợp có nợ thuế quá hạn nhưng chưa có khả năng nộp. Trên thực tế đã có trường hợp DN rơi vào tình huống này đã phải đổi đại diện pháp luật. Điều này với DN nhỏ có thể đơn giản nhưng với các DN lớn không dễ chút nào vì phải qua nhiều bước.
Ông Đặng Ngọc Minh, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho hay việc tạm hoãn xuất cảnh là một trong những biện pháp thực hiện thu hồi nợ, nhằm đảm bảo lợi ích của ngân sách nhà nước. Mặc dù thời gian qua ngành thuế đã đẩy mạnh các giải pháp quản lý, đánh giá thu hồi tiền thuế nhưng đến nay số nợ thuế vẫn ở mức cao.
Mua phải hóa đơn của doanh nghiệp trong danh sách rủi ro xử lý ra sao? Tại tọa đàm, ông Cao Đức Nam, phó ban chính sách HTCAA, cho biết gần đây các đường dây mua bán hóa đơn bùng phát, báo chí đã thông tin về việc cơ quan công an triệt phá các đường dây buôn bán hóa đơn với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn, thậm chí hàng chục ngàn tỉ đồng. DN nào đọc xong cũng run.
Vấn đề được đặt ra là làm sao DN có thể kiểm soát được việc này, nhất là những DN lớn, hằng ngày xử lý rất nhiều hóa đơn. Nếu vô tình nhận phải hóa đơn bất hợp pháp thuộc những đường dây mua bán hóa đơn đã bị phanh phui thì sẽ bị xử lý thế nào.
Ông Nam cũng thừa nhận trên thực tế, ở vai trò là công ty tư vấn thuế, khách hàng của công ty gặp rất nhiều. Khi nhận các thông báo từ cơ quan thuế về hành vi kê khai sai, thiếu thuế... DN đã phải lên giải trình.
Có trường hợp không chỉ bị xử phạt kê khai sai mà bị đưa về hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, trốn thuế, bị phạt từ 2 - 3 lần thuế, ngoài ra bị tính lãi chậm nộp 0,03%/ngày. Nguy hiểm hơn nếu lượng hóa đơn mua vào có số thuế giá trị gia tăng lớn, từ 100 triệu đồng trở lên thì có thể bị xử lý hình sự.
Để hạn chế những rủi ro nêu trên, các chuyên gia cho rằng các doanh nhân, chủ DN cần nắm rõ các quy định, nâng cao ý thức tuân thủ về pháp luật thuế.
Bên cạnh đó cần xây dựng các quy định kiểm soát rủi ro về hóa đơn và quản lý chặt chẽ quá trình hoạt động của DN nhằm đảm bảo việc nhận diện sớm rủi ro. Từ đó góp phần kiểm soát việc thực hiện kế hoạch thuế theo chiến lược dài hạn của DN, chủ động trong việc tương tác và làm việc hiệu quả với cơ quan thuế, từ đó giúp DN hoạt động hiệu quả hơn.
Ông Lê Khánh Lâm, phó chủ tịch HTCAA, chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH kiểm toán và tư vấn RSM Việt Nam, khuyến cáo các DN tăng cường kiểm soát hóa đơn mua vào thông qua quy chế quản lý nhận hóa đơn (hợp đồng, biên bản, chứng từ xuất nhập, giao nhận hàng, thanh toán chuyển khoản...), sử dụng phần mềm hỗ trợ quản lý hóa đơn chuyên dụng.
"Ngoài ra, đội ngũ DN, doanh nhân cũng cần tìm hiểu và cập nhật các quy định tuân thủ thuế. Tham khảo ý kiến chuyên gia trong các trường hợp có rủi ro. Song song đó đẩy mạnh đào tạo nhân sự kế toán, tài chính. Đồng thời, tích cực tham gia các lớp cập nhật thuế để nắm bắt các quy định mới", ông Lâm nhấn mạnh.
Cần phân nhóm đối tượng nợ thuế Về biện pháp cưỡng chế tạm hoãn cấm xuất cảnh đối với người nộp thuế, trao đổi với Tuổi Trẻ , tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên cao cấp về thuế Trường đại học Kinh doanh và công nghệ, đánh giá đây là biện pháp cần thiết để đảm bảo thu ngân sách, vì nộp thuế là nghĩa vụ, là trách nhiệm của công dân.
Người dân, doanh nghiệp làm thủ tục về thuế tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
"Vì phần lớn tiền thuế là do người dân đóng góp, thể hiện qua thuế gián thu. Người dân đi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ thì trong giá đã có thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt... Nên tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế bảo vệ môi trường... được doanh nghiệp thu hộ Nhà nước và nộp thay cho người tiêu dùng.
Do đó đến kỳ nộp thuế, doanh nghiệp phải nộp vào ngân sách chứ không được phép chiếm dụng. Tiền thuế thu được sẽ để chi cho các hoạt động an sinh xã hội, an ninh quốc phòng... nên quyền lợi của Nhà nước phải được đặt lên hàng đầu", ông Tú nói.
Song, ông Tú cho rằng với tổng số gần 18.000 người bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế là con số rất lớn.
Cơ quan thuế cần có phân tích số người nộp thuế này có bao nhiêu trường hợp là chây ỳ, cố tình không nộp, bỏ trốn, hay trường hợp gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan nên nợ thuế tạm thời... Mục đích là để có những giải pháp phù hợp, đảm bảo thu hồi nợ thuế cho ngân sách.
Thực tế thời gian qua, do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và vừa qua là cơn bão số 3, doanh nghiệp rất khó khăn, nhất là khó khăn về vốn nên không tránh khỏi việc chậm nộp thuế. Do đó, cơ quan thuế đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp để áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp và đúng quy định.
Về lâu dài, theo ông Tú, chính sách cần có tiêu chí để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
Đơn cử, doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh; có những dấu hiệu tẩu tán tài sản; không kê khai thuế trong thời gian dài; tỉ lệ nợ tiền thuế trên vốn chủ sở hữu mà lớn, chây ỳ không chịu nộp thuế... thì cần áp dụng các biện pháp cưỡng chế, trong đó có biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
Sao chép thành công