Báo Dân tộc và Phát triển – Cơ quan ngôn luận của Ủy ban Dân tộc,

Chương trình MTQG 1719 tạo động lực phát triển vùng đồng bào DTTS huyện Kon Rẫy

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 12:51:38 30/09/2024 theo đường link https://baodantoc.vn/chuong-trinh-mtqg-1719-tao-dong-luc-phat-trien-vung-dong-bao-dtts-huyen-kon-ray-1727171763628.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Ngọc Chí
9 giờ trước
Huyện Kon Rẫy (Kon Tum) có hơn 65% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS). Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), diện mạo vùng đồng bào DTTS huyện Kon Rẫy đã từng bước đổi thay. Cái nghèo khó đang dần được đẩy lùi và cuộc sống đầy đủ, sung túc hơn đang dần hiện hữu.
Nguồn lực đầu tư từ Chương trình MTQG 1719 từng bước làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS huyện Kon Rẫy
Huyện Kon Rẫy hiện nay đang triển khai thực hiện 08/10 dự án thuộc Chương trình MTQG 1719. Từ năm 2022 đến nay, huyện được bố trí kinh phí hơn 129 tỷ đồng để triển khai thực hiện. Để đảm bảo nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719 được triển khai hiệu quả, UBND huyện Kon Rẫy đã soát, xác định nhu cầu tình hình thực tế của từng địa phương để phân bổ vốn một cách hợp lý, hiệu quả và ưu tiên đầu tư. Xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng Dự án, Tiểu dự án bao gồm thời gian, mục tiêu và các bước triển khai thực hiện.
Ông Đào Đức Tiến - Trưởng phòng Dân tộc huyện Kon Rẫy cho biết: Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 thì huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn vốn để kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án, Tiểu dự án, chất lượng công trình và các vấn đề phát sinh. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai thực hiện Chương trình ở các cấp để nâng cao kỹ năng và hiểu biết về quản lý dự án và sử dụng vốn. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc lên kế hoạch, thực hiện và giám sát các dự án. Điều này giúp tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm.
Vợ chồng anh A Blung (ngồi giữa) ở thôn 3, xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy được hỗ trợ xây dựng nhà từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc triển khai các chính sách dân tộc và Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn huyện Kon Rẫy đã tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Khi được nhà nước hỗ trợ, các hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào DTTS đã nhận được sự hỗ trợ của người thân, cộng đồng để giúp họ phát triển kinh tế bền vững.
Anh A Blung (dân tộc Xơ Đăng) ở thôn 3, xã Đăk Kôi được huyện Kon Rẫy chia sẻ: Là hộ nghèo, nhiều năm liền phải ở trong căn nhà tạm bợ, năm 2022, gia đình được huyện hỗ trợ 40 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, gia đình vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện, người thân cho mượn thêm 100 triệu đồng và được cộng đồng làng hỗ trợ ngày công nên đã xây dựng được căn nhà khang trang với diện tích hơn 80m2. Nhà ở ổn định rồi, gia đình sẽ luôn phấn đấu làm ăn, năm 2023 đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo.
Huyện Kon Rẫy hỗ trợ cây giống Mắc ca để các hộ đồng bào DTTS nghèo trồng xen trong vườn cà phê
Sau 03 năm triển khai thực hiên Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn huyện Kon Rẫy đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo nên sự thay đổi rõ rệt trong diện mạo các thôn, làng và đời sống của đồng bào DTTS. Hệ thống trường học và cơ sở giáo dục được cải thiện nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Các công trình hạ tầng cơ sở như đường giao thông, cầu, điện, nước sinh hoạt và các công trình công cộng đã được đầu tư nâng cấp và xây mới.
Đặc biệt, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật canh tác mới đã được triển khai. Qua đó, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp; đồng thời, tạo điều kiện cho đồng bào DTTS tăng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp. Hiện thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 38 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm 7,66%.
Sau khi được hỗ trợ bò cái sinh sản, chị Y Thẻ (ngoài cùng bên trái) chăm sóc hằng ngày với mong muốn sau này có thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo
Chị Y Thẻ (dân tộc Ba Na) ở thôn 3, xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy chia sẻ: Tháng 11/2023, gia đình được xã hỗ trợ 1 con bò cái sinh sản trị giá gần 20 triệu đồng. Sau thời gian chăm sóc thì đến nay đã sinh sản được 1 bê con. Gia đình cố gắng chăm sóc để sau này phát triển thêm, có thu nhập cho gia đình và có tiền trả lại khoản tiền đối ứng theo quy định.
Bà Y Qua, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pne cho biết: Đăk Pne là xã đặc biệt khó khăn, với gần 100% là đồng bào Ba Na sinh sống. Những năm qua, nguồn lực đầu tư từ Chương trình MTQG 1719 đã làm thay đổi diện mạo các thôn, làng và đặc biệt là nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất đã giúp cho đồng bào DTTS chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả.
Với nguồn lực đầu tư từ Chương trình MTQG 1719, không chỉ làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS mà còn giúp cho các hộ DTTS nghèo ở huyện Kon Rẫy có động lực phát triển kinh tế, ổn định đời sống và vươn lên thoát nghèo bền vững trong thời gian tới.
Sao chép thành công