Báo Dân Việt | Đọc Tin Tức Online Nhanh Mới Nhất 24h,

Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam: Nữ nông dân tỷ phú chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề, vượt qua nghịch cảnh

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 15:19:52 14/10/2024 theo đường link https://danviet.vn/nhung-bong-hong-nong-dan-ty-phu-noi-ve-chuyen-doi-chuyen-nghe-no-luc-phi-thuong-vuot-qua-nghich-canh-2024101312315642.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Minh Ngọc
Trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc và 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2024 về dự Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam có nhiều nữ tỷ phú giỏi trong sản xuất, kinh doanh, họ còn thể hiện sự kiên cường, nỗ lực phi thường của người phụ nữ Việt Nam để vượt qua nghịch cảnh, vươn lên trở thành những tỷ phú.
Bình luận
Vượt qua bạo bệnh, nữ nông dân xứ Mường giúp HTX thu nhập hơn 2 tỷ đồng 10 giờ sáng, ngày 13/10, Nông dân Việt Nam xuất sắc Nguyễn Thị Bảy - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Lương Phú, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) được người con trai "tháp tùng" xuống Hà Nội bằng xe ô tô cá nhân để chuẩn bị tham dự chuỗi Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam năm 2024.
Dưới sắc thu tháng 10 của Thủ đô, trong bộ trang phục truyền thống của người dân tộc Thái, chị Bảy bước vào sảnh khách sạn nổi bật, thu hút mọi ánh nhìn từ mọi người. Chị bảo, đây là lần đầu tiên được tham dự một chương trình lớn đến vậy nên phải thật chỉn chu, lan tỏa được vẻ đẹp, văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Để có được thành công như ngày hôm nay, người phụ nữ quê xứ Mường có dáng người nhỏ nhắn ấy đã phải vượt qua biết bao nhiêu chông gai, thử thách, kể cả những lần đối diện với vận mệnh sinh tử khi chị bị căn bệnh ung thư quái ác hành hạ.
Nông dân Việt Nam xuất sắc Nguyễn Thị Bảy - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Lương Phú, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) trong bộ trang phục truyền thống của người dân tộc Thái nổi bật, thu hút mọi ánh nhìn khi bước vào sảnh khách sạn Công đoàn, sáng 13/10. Ảnh: Khổng Chí
Nhưng rồi bằng ý chí, nghị lực phi thường, chị Bảy đã vượt qua tất cả. Chị dành mọi tâm huyết để đưa HTX Dịch vụ nông nghiệp Lương Phú có được những bước trưởng thành vượt bậc, giúp các thành viên và liên kết với các hộ nông dân để tạo công ăn việc làm, thu mua nông sản.
Hiện nay, HTX của chị đang triển khai trồng cây nha đam với diện tích hơn 25ha với gần 100 hộ tham gia ở các huyện Kim Bôi, Tân Lạc, Mai Châu, Lạc Sơn...trong đó nhiều nhất hai huyện Tân Lạc và Kim Bôi. 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu của HTX đạt trên 2 tỷ đồng.
Với giọng nói nhẹ nhàng, chị bảo, sau những thăng trầm đến với mình cả về chuyện đời, chuyện nghề thì tâm niệm duy nhất đến bây giờ là làm sao giúp HTX Dịch vụ nông nghiệp Lương Phú ngày càng mở rộng quy mô sản xuất hơn nữa, từ đó, giúp người dân có thu nhập cao hơn.
"Đa phần thành viên của HTX và các hộ dân liên kết đều là người dân tộc thiểu số, bởi vậy, chúng tôi càng phải cố gắng hơn nữa để giúp họ có công ăn việc làm ổn định, từng bước cải thiện đời sống", chị Bảy tâm sự với Dân Việt.
Dịp xuống Hà Nội lần này, chị Bảy nói là "cơ hội có một không hai" với mình để có dịp được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, cũng như cách quản trị HTX từ những nông dân, HTX xuất sắc khác trên toàn quốc, từ đó ứng dụng vào HTX của mình.
Bằng nỗ lực phi thường, chị Bảy đã vượt qua nhiều biến cố của gia đình và căn bệnh ung thư quái ác. Để ghi nhận những nỗ lực đó, năm 2024 chị được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc. Ảnh: Khổng Chí
Nữ nông dân vượt khó, làm giàu ở mảnh đất vùng biên Ngồi lặng lẽ trên ghế sofa trong sảnh khách sạn trước khi chờ làm thủ tục nhận phòng, chị Nguyễn Thị Hà, Giám đốc HTX Thịnh Phong, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) vẫn chưa hết mệt mỏi sau chuyến đi hơn 6 giờ đồng hồ để kịp có mặt ở Hà Nội.
Chị bảo: "May mắn quá", trên địa bàn xã Bản Lầu và HTX Thịnh Phong đã không bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Tâm sự với Dân Việt, chị Hà nói tiếp, nhìn vào sự phát triển mạnh mẽ của HTX Thịnh Phong hôm nay, ít ai biết được rằng những năm trước, chị chỉ là một phụ nữ quanh năm chân lấm tay bùn, bám vào mấy sào ruộng để mưu sinh.
Nhưng giờ đây, tất cả những gian khó ấy "đều đã ở lại", thay vào đó, là hình ảnh về nữ Giám đốc HTX với những thành công, vươn lên làm giàu ở vùng đất biên giới. Ở tuổi 41, tỷ phú vùng đồi Nguyễn Thị Hà đã trở thành tấm gương phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo điển hình của tỉnh Lào Cai.
Xuất thân trong một gia đình thuần nông, những năm đầu khi mới lập gia đình, cuộc sống gia đình chị Hà gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Tài sản của gia đình chị chẳng có gì ngoài mảnh đất do bố mẹ để lại. Suốt ngày quanh quẩn với cây ngô, cây lúa, không đủ lo cho con cái. "Cái nghèo đeo đẳng đã là động lực để tôi quyết tâm vươn lên thoát nghèo", chị nói.
Tuy vậy, chị không lựa chọn con đường đi làm ăn xa nhà theo lời rủ của các bạn cùng lứa, chị Hà quyết tâm bám trụ lại mảnh đất biên cương Bản Lầu làm kinh tế.
Chị cho biết: "Sinh ra và lớn lên ở Bản Lầu, tôi nhận thấy cơ hội làm giàu, phát triển sản xuất kinh doanh ở đây không thua kém gì các địa phương khác trên cả nước, trong khi chính quyền luôn có những chính sách hỗ trợ hết sức phù hợp để người dân yên tâm bám đất, bám bản".
Chị Nguyễn Thị Hà, Giám đốc HTX Thịnh Phong, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) có mặt tại Hà Nội chuẩn bị tham dự chuỗi Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam năm 2024. Theo đó, HTX Thịnh Phong sẽ được tôn vinh là HTX tiêu biểu do Hội Nông dân Việt Nam tuyên truyền, vận động và hướng dẫn thành lập được vinh danh trong năm 2024. Ảnh: Khổng Chí
Năm 2008, gia đình chị Hà vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 30 triệu đồng để đầu tư mua trâu, lợn nái, lợn đực giống và mở cửa hàng phân bón phục vụ bà con. Chị cho biết, Bản Lầu vốn nổi tiếng là "thủ phủ" trồng và xuất khẩu chuối, dứa của Lào Cai. Rất nhiều tỷ phú của Bản Lầu đều làm giàu từ hai loại cây này.
Và đến năm 2015, HTX Thịnh Phong thành lập do chị Hà làm Giám đốc, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực: Thu mua nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp, chăn nuôi. Ngay sau khi thành lập hợp tác xã, Giám đốc Hà đã bàn với các thành viên góp vốn xây dựng liên kết chặt chẽ với các hộ trên địa bàn xã, bao tiêu tối đa quả dứa với giá có lợi nhất cho nông dân.
Nếu như trước khi thành lập HTX Thịnh Phong, mỗi vụ dứa, chị Hà chỉ thu mua được 25 - 30 tấn dứa quả/ngày thì nay, HTX đã thu mua được 70 - 80 tấn dứa quả/ngày, không chỉ ở Bản Lầu mà còn mở rộng lên Lùng Vai.
Để mua được số lượng quả dứa như trên, HTX phải cạnh tranh với các đơn vị, cá nhân thu mua khác. Tuy nhiên, yếu tố quyết định không hẳn là giá mà là sự gắn kết và tin tưởng của các hộ trồng dứa với hợp tác xã.
Theo chia sẻ của nữ Giám đốc HTX Thịnh Phong, trong cơ chế thị trường, HTX cũng là một thành phần kinh tế, hoạt động bình đẳng chứ không có sự ưu ái nào. Do vậy, điều quan trọng nhất là phải tạo được niềm tin với nông dân, thực hiện đúng cam kết và có trách nhiệm chia sẻ với họ.
Với chủ trương đó, khi vào vụ thu hoạch dứa, HTX Thịnh Phong đều thông báo chi tiết, công khai về số lượng, kích cỡ quả, giá thu mua tới các hộ.
Khi người dân mang dứa đến, HTX đều thu mua hết. Mặt khác, hợp tác xã không “tranh mua, tranh bán” mà luôn thu mua với giá hợp lý nhất để không gây thiệt thòi cho nông dân. Hơn nữa, khi thị trường tiêu thụ khó khăn, HTX Thịnh Phong vẫn đứng ra thu mua, không để dứa chín bỏ trên nương.
Để nâng cao giá trị quả dứa, chị Hà đã rất nhạy bén khi đã ký hợp đồng đưa quả dứa Mường Khương vào siêu thị lớn ở Hà Nội và các chợ đầu mối tại Bắc Ninh, Hà Nội, Phú Thọ, Tuyên Quang.
Cùng với đó, HTX Thịnh Phong trực tiếp cung cấp dứa quả cho các nhà máy chế biến tại Nam Định, Hưng Yên, Thanh Hóa. Nhờ vậy, mỗi vụ dứa, HTX Thịnh Phong tiêu thụ 5.000 tấn quả dứa cho nông dân Bản Lầu và Lùng Vai.
Với khả năng chiếm lĩnh thị trường cùng sự nhạy bén về kinh doanh của Giám đốc Nguyễn Thị Hà, HTX Thịnh Phong đã có bước phát triển mạnh.
Hiện nay, HTX đã có doanh thu hơn 10 tỷ đồng; thu nhập bình quân của xã viên từ 12 - 15 triệu đồng/tháng…
Sao chép thành công