Báo Quân đội Nhân dân,

Chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính tại Hà Nội - động lực và những vấn đề đặt ra-Bài 3: Tháo gỡ điểm nghẽn (Tiếp theo và hết)

Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Để chuyển đổi số (CĐS) thực sự là động lực giúp công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của TP Hà Nội đạt hiệu quả cao, cần nhìn nhận thẳng thắn vào các hạn chế còn tồn tại, đánh giá kỹ lưỡng các khó khăn để đưa ra những giải pháp cụ thể và từng bước tháo gỡ các vướng mắc.
Hiện nay có 4 điểm nghẽn chính cần có giải pháp hiệu quả để tháo gỡ là: Nhận thức của người dân, vấn đề bảo đảm an toàn dữ liệu, hạ tầng công nghệ và chất lượng nhân lực.
Chú trọng bảo đảm an toàn dữ liệu
Những năm gần đây, nhờ sự đầu tư kịp thời về cơ sở vật chất, hạ tầng mạng và hệ thống máy tính của TP Hà Nội , hoạt động CĐS ứng dụng trong giải quyết TTHC tại nhiều địa phương, quận, huyện trên địa bàn Thủ đô đã có những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Thục Lương, Phó chủ tịch UBND phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, do các hệ thống phần mềm giải quyết TTHC hiện nay đều có sự liên thông dữ liệu, thông tin của cán bộ, người dân được nhập vào phần mềm rất nhiều nên khi áp dụng CĐS trong giải quyết TTHC thì việc e ngại đầu tiên là lộ lọt an toàn thông tin. Đối với việc sử dụng chữ ký số dù mang lại nhiều tiện ích nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nếu để lọt vào tay những đối tượng có mục đích xấu thì rất nguy hiểm.
Vì vậy, phường Nhật Tân đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, cơ quan công an để thực hiện hoạt động bảo đảm an toàn dữ liệu, hoạt động này giúp người dân, công chức, viên chức cảm thấy yên tâm hơn khi nhập hồ sơ thông tin lên các phần mềm dịch vụ công trên hệ thống máy tính.
Cán bộ phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP Hà Nội hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính.
Đối với vấn đề này, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội đã thực hiện công tác bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống phần mềm được triển khai trên địa bàn Thủ đô; tổ chức lực lượng quản trị, giám sát 24/24 giờ; phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an và Công an TP Hà Nội để kiểm tra, đánh giá và dán tem chứng nhận đủ điều kiện an toàn cho các hệ thống thiết bị trước khi kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cải thiện hạ tầng công nghệ
Một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công của CĐS trong giải quyết TTHC là chất lượng hệ thống trang thiết bị và hệ thống phần mềm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của người dân cho rằng, hoạt động nhập thông tin, thực hiện các TTHC thông qua phần mềm đôi lúc gặp nhiều khó khăn do phần mềm còn chậm, kết nối kém; một số trường thông tin trên phần mềm bố trí chưa hợp lý khiến người dân khó sử dụng.
Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường tiếp thu ý kiến của người dân; tổ chức nghiên cứu, cập nhật để sửa lỗi phần mềm theo hướng đơn giản, dễ sử dụng. Khi phát triển phần mềm cần lấy người dân làm trung tâm, đặt địa vị vào hoàn cảnh của người dân để thấu hiểu những khó khăn của người dân khi sử dụng phần mềm trong giải quyết TTHC, đặc biệt là với người cao tuổi.
Bên cạnh đó, TP Hà Nội cần tiếp tục quan tâm đến các địa phương trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất phục vụ CĐS. Hiện nay, công tác giải quyết TTHC đã được thực hiện trực tuyến nên hạ tầng mạng cần được bảo đảm thông suốt, hệ thống máy tính cần được đầu tư, nâng cấp để đủ sức “tải” được các ứng dụng dịch vụ công hoạt động song song, tránh trường hợp người dân đến trụ sở UBND để làm thủ tục nhưng lại phải đợi lâu hoặc ra về do các trục trặc kỹ thuật; không để ách tắc toàn bộ quy trình giải quyết TTHC chỉ vì lỗi đường truyền hoặc lỗi hệ thống.
Nhận định CĐS sẽ có một số bất cập trong thời gian đầu thực hiện là thiếu hụt nguồn lực, trang thiết bị, máy móc. Đồng chí Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội cho biết, Sở đã thành lập nhiều đoàn công tác đi khảo sát tại các quận, huyện, đặc biệt là các địa phương còn gặp khó khăn để đánh giá thực trạng hạ tầng thiết bị, từ đó có phương án bổ sung, nâng cấp, thay thế các hệ thống máy móc cũ, lạc hậu, chưa đáp ứng được hoàn toàn nhiệm vụ vận hành hệ thống phần mềm.
UBND TP Hà Nội cũng đã xác định, để phục vụ công cuộc cải cách hành chính thì công nghệ phải phù hợp với các yêu cầu và mục tiêu mà thành phố đề ra trong giai đoạn công nghiệp 4.0 hiện nay. Thành phố sẽ tập trung vào việc xây dựng và liên kết, chia sẻ các cơ sở dữ liệu, đặc biệt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tạo tiền đề cho việc thực hiện CĐS trong cải cách TTHC, thay đổi cách thức trong quá trình thực hiện TTHC giữa chính quyền với công dân. Bên cạnh đó, thành phố sẽ đẩy mạnh đầu tư và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ trong công tác quản lý, nâng cao chất lượng nghiệp vụ và tổ chức quản lý dữ liệu hiệu quả trên môi trường điện tử.
Nhân lực là yếu tố then chốt
Hiện nay, CĐS đang là lĩnh vực được xác định có yếu tố quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước thời kỳ đổi mới, vì vậy, nguồn nhân lực công nghệ là yếu tố then chốt cần được chú trọng đầu tư. Tại một số phường trên địa bàn thành phố, khối lượng công việc liên quan đến CĐS là rất lớn nhưng lại không có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin, thường chỉ có một cán bộ văn hóa kiêm nhiệm.
Điều này đang tạo ra sự phụ thuộc vào cấp trên trong xử lý các vấn đề về công nghệ thông tin của bộ phận một cửa cấp phường, mỗi khi có sự cố mạng hoặc phần mềm gặp lỗi thì phải đợi cán bộ chuyên trách về công nghệ cấp quận xuống hỗ trợ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian xử lý TTHC.
Vì vậy, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, bố trí thêm đội ngũ cán bộ chuyên trách về công nghệ tại các địa phương để có sự phản ứng, hỗ trợ kịp thời trong các hoạt động liên quan đến CĐS. Đối với lực lượng sẵn có tại cơ sở, cần sắp xếp một cách linh hoạt để tìm ra những cán bộ vừa có chuyên môn về giải quyết TTHC, vừa có kiến thức về công nghệ thông tin để thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, các cán bộ cấp phường, xã cũng phải tự nỗ lực trau dồi thêm kiến thức về công nghệ, chủ động tham gia có hiệu quả các khóa bồi dưỡng về CĐS, không được mang tâm lý ỷ lại, phụ thuộc vào cơ quan cấp trên.
TP Hà Nội cũng cần quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin để phục vụ trong các cơ quan hành chính; tạo chế độ, môi trường làm việc lành mạnh, có sức hút đối với lực lượng kỹ sư công nghệ. Thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng phương thức điện tử trong giải quyết TTHC. Đối với người dân Thủ đô, cần chung tay, đồng lòng ủng hộ công cuộc CĐS bằng những việc làm thiết thực như tìm hiểu, nâng cao kiến thức về công nghệ, chủ động cập nhật các thông tin theo quy định của pháp luật trên các phần mềm về TTHC để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ mỗi khi đến các trụ sở cơ quan hành chính.
Bài và ảnh: HOÀNG CHUNG - QUANG DUY
* Mời bạn đọc vào chuyên mục
Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.
Sao chép thành công