Tin nóng an ninh trật tự 24h - Báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh,

Chuyển tiền nhầm vào tài khoản người dân để chiếm đoạt tài sản

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 15:25:44 14/10/2024 theo đường link https://congan.com.vn/vu-an/canh-giac/chuyen-tien-nham-vao-tai-khoan-nguoi-dan-de-chiem-doat-tai-san_168527.html
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
(CATP) Thời gian gần đây xuất hiện nhiều trường hợp người dân bị chuyển tiền nhầm vào tài khoản. Sau đó đối tượng liên hệ về khoản tiền chuyển nhầm khiến không ít người gặp rắc rối, thậm chí trở thành nạn nhân của chiêu trò này. Đây là một trong những hình thức lừa đảo tinh vi nhằm cho vay lãi nặng hoặc đánh cắp thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản.
Bỗng dưng mang nợ
Theo cơ quan chức năng, thủ đoạn của các đối tượng là cố ý chuyển tiền vào tài khoản cá nhân kèm lời nhắn tương tự cho mượn tiền hoặc giải ngân khoản vay. Sau đó, chúng giả danh người thu hồi nợ, hăm dọa, yêu cầu phải trả số tiền đã nhận cùng với khoản lãi cắt cổ. Cũng như các hình thức lừa đảo khác, lừa đảo chuyển tiền vào tài khoản đánh vào lòng tốt và sự nhẹ dạ, mất cảnh giác của nạn nhân.
Thực tế, có nạn nhân bị đòi nợ theo kiểu "khủng bố". Đối tượng xấu gửi cả hình ảnh căn cước công dân của nạn nhân, ảnh nạn nhân, thông tin chuyển tiền, đồng thời chửi bới, đe dọa cung cấp thông tin đến người thân, gia đình, bạn bè, nơi làm việc. Không chịu được áp lực, ngại va chạm, nhiều người chấp nhận chuyển tiền cho chúng dù không hề vay mượn.
Cụ thể là trường hợp của chị Nguyễn Thị Y. (SN 1968, ngụ huyện Hóc Môn). Đầu tháng 9/2024, bất ngờ chị nhận được 20 triệu đồng qua tài khoản. Chỉ chưa đầy một ngày sau, chị Y. nhận được điện thoại từ một người lạ tự xưng là người chuyển nhầm tiền; đồng thời thông báo đây là số tiền nợ cùng hơn 2 triệu đồng tiền lãi. Khi chị khẳng định mình không hề vay nợ và sẽ liên hệ với Công an thì người kia liên tục nhắn tin, gọi điện đe dọa.
Điều đáng nói, đối tượng yêu cầu chị Y. chuyển tiền vào một tài khoản khác. Vì không rõ danh tính người nhận là ai nên khiến chị vô cùng hoang mang không biết chuyển xong có tiếp tục bị đòi nữa không. Sau khi được người thân tư vấn, chị đã đến ngân hàng yêu cầu được trợ giúp và chuyển trả lại số tiền trên vào tài khoản đã chuyển cho chị trước đó. Chưa chịu buông tha, đối tượng vẫn nhắn tin, gọi điện đe dọa chị Y. với mỗi cuộc gọi là một giọng nói khác nhau.
Cảnh báo thủ đoạn chuyển tiền nhầm để lừa đảo
Tương tự, chị Lê Nam T. (ngụ TPHCM) nhận hơn 3 triệu đồng chuyển vào tài khoản ngân hàng kèm theo nội dung không rõ ràng và đã gặp không ít rắc rối. Theo chị T, cách đây không lâu, đối tượng đã nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của chị, ít nhất là 250.000 đồng, nhiều nhất là 1 triệu đồng. Sau đó, chị T. liên tục nhận được những cuộc gọi lạ yêu cầu thanh toán tiền lãi từ số tiền mà đối tượng đã chuyển với thái độ dọa nạt. Không chỉ vậy, chúng còn cắt ghép hình ảnh của chị T. đăng tải trên mạng với nội dung tố giác chị vay mượn tiền nhưng không trả nợ. Chị T. bức xúc cho biết chưa bao giờ vay tiền ở bất kỳ công ty tài chính nào. Không hiểu sao các đối tượng lại có thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng của chị. Ngay khi sự việc xảy ra, chị đã liên hệ với ngân hàng hỗ trợ tra cứu lịch sử chuyển tiền và "phong tỏa" số tiền mà đối tượng chuyển nhầm rồi đến cơ quan Công an trình báo.
Anh N.Đ.D (quê Tây Ninh) cho biết bỗng nhiên nhận được số tiền hơn 6 triệu đồng từ một số tài khoản lạ có tên Bùi Quang Huy chuyển vào tài khoản ngân hàng của anh. Do số tiền không rõ nguồn gốc nên anh đã chuyển trả lại cho đối tượng theo đúng số tài khoản được hiện thị trên ứng dụng ngân hàng. Tuy nhiên, đối tượng này tiếp tục chuyển hơn 4 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng của anh D. Do từng đọc được thông tin từ các cơ quan truyền thông, biết đây là thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng sử dụng nhằm lừa cho vay nặng lãi hoặc đánh cắp thông tin khách hàng chiếm đoạt tiền trong tài khoản nên anh D. tiếp tục chuyển trả lại cho đối tượng kèm nội dung nếu còn tiếp tục chuyển khoản sẽ báo Công an. Ngay sau đó, đối tượng đã dừng việc chuyển tiền.
Từ các vụ việc trên cho thấy, các đối tượng dùng thủ đoạn cố ý chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người dân khi có đầy đủ thông tin cá nhân. Sau đó, chúng giả danh là người thu hồi nợ của công ty tài chính để liên hệ yêu cầu trả lại tiền vừa chuyển vào tài khoản như một khoản vay. Trường hợp khác, đối tượng liên hệ xin nhận lại khoản tiền đã chuyển nhầm vào tài khoản nhưng thông báo đang ở nước ngoài và gửi đường link dịch vụ chuyển tiền quốc tế. Thực chất, thông qua đường link này, chúng sẽ chiếm đoạt toàn bộ số tiền trong tài khoản của nạn nhân khi họ điền đầy đủ thông tin vào tài khoản do đối tượng cung cấp.
Cơ quan công an khuyến cáo
Khi nhận được tiền chuyển khoản nhầm, người nhận cần lưu ý không sử dụng số tiền đó vào việc chi tiêu cá nhân và chỉ làm việc với ngân hàng để trả lại tiền cho người chuyển nhầm, tuyệt đối không chuyển lại tiền cho người lạ khi không có bên thứ ba làm chứng.
Người dân có thể chủ động liên hệ với ngân hàng hoặc cơ quan Công an để thông báo về việc nhận tiền chuyển nhầm hoặc đợi đại diện ngân hàng liên hệ làm việc. Nếu nhận được điện thoại từ ngân hàng, cần kiểm tra xem đó có đúng là số điện thoại của ngân hàng hay không. Để chắc chắn hơn, chủ tài khoản vẫn nên đến ngân hàng làm việc trực tiếp.
Trường hợp khoản tiền chuyển nhầm có giá trị nhỏ thì chủ tài khoản có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp sao kê rồi đối chiếu với những thông tin nhận được và tiến hành chuyển lại. Đối với số tiền lớn, chủ tài khoản nên sắp xếp thời gian đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng để thực hiện việc xác minh hoặc liên hệ với cơ quan công an để giải quyết. Tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật như: Mật khẩu truy cập tài khoản, Mật khẩu giao dịch một lần (OTP) cho bất cứ ai (kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng) và dưới bất cứ hình thức nào đồng thời cảnh giác với các yêu cầu truy cập đường link website, đăng nhập, cung cấp thông tin tài khoản, thông tin cá nhân.
Đặc biệt, việc không trả lại số tiền hoặc sử dụng vào mục đích cá nhân là vi phạm pháp luật. Công dân cần liên hệ ngân hàng hoặc cơ quan Công an để được tư vấn giải quyết, tránh vi phạm pháp luật. Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn hoặc liên hệ với cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
Theo cảnh báo của Công an TPHCM, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thời gian qua diễn biến phức tạp, hơn 50% các vụ lừa đảo sử dụng không gian mạng. Tội phạm sử dụng nhiều thủ đoạn, như giả mạo các cơ quan, tổ chức thuế, ngân hàng, Công an... để gọi điện thoại lừa gạt; giả mạo website các tập đoàn, công ty, thương hiệu lớn để thu hút vốn đầu tư, tuyển dụng nhân sự; lập các trang Facebook có logo của các trường đại học để lừa đảo tiền học phí, lệ phí. Các đối tượng triệt để sử dụng những ứng dụng, công nghệ, phương tiện hiện đại để thực hiện hành vi phạm tội, hoạt động ẩn danh, khó truy vết. Phần lớn hoạt động có tổ chức, nhưng chỉ liên lạc, móc nối qua không gian mạng, không tiếp xúc, trao đổi trực tiếp.
Để tránh "sập bẫy", các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo tội phạm, nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa tội phạm; luôn cảnh giác khi nhận các cuộc gọi mà người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, tư pháp, tố tụng để thông báo, mời làm việc, yêu cầu điều tra, giải quyết vụ án qua điện thoại.
Ngoài ra, người dân cần thận trọng, rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch điện tử, giao dịch trực tuyến; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số căn cước, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP cho người lạ. Đặc biệt, người dân không chuyển tiền cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.
HIẾU ĐỨC
Sao chép thành công