Nội dung liên quan Tin Trong Nước, Tỉnh Đắk Nông

Báo điện tử Phụ nữ Việt Nam,

Cô gái "gieo" ước mơ bóng đá đến trẻ em vùng cao

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 03:54:28 04/10/2024 theo đường link https://phunuvietnam.vn/co-gai-gieo-uoc-mo-bong-da-den-tre-em-vung-cao-20240924111944292.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Hoàng Duy
Nguyễn Thị Trúc Phương (thứ 2 từ trái qua) và các em nhỏ tại tỉnh Đắk Nông
Xuất thân từ một gia đình nông thôn tại tỉnh Đồng Nai, Nguyễn Thị Trúc Phương (SN 1998) từng có một tuổi thơ khó khăn. Từ năm 2020 đến nay, cô đã trải qua một hành trình giúp hơn 5.000 trẻ em vùng cao được tiếp xúc với bóng đá, hỗ trợ làm 13 sân bóng làng xã trải dài ở các tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Phú Yên, Sơn La, Hà Giang, “gieo” ước mơ bóng đá đến trẻ em vùng cao.
Trúc Phương cho biết, từ nhỏ cô đã may mắn khi nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Nhờ những con người tốt bụng ấy mà cô được tặng học bổng, tặng xe đạp… và có cơ hội được tiếp tục con đường học tập của mình.
Trúc Phương chia sẻ, họ chính là những người đã "truyền lửa" cho cô để cô quyết tâm tham gia các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Trúc Phương theo học tại Đại học Văn hiến (TPHCM), đây cũng chính là môi trường đã giúp cô gặp được nhiều cơ hội quý giá.
"Từ khi lên thành phố để học tập và đi làm, tôi đã được gặp gỡ nhiều người, đi nhiều nơi và tham gia các chương trình thiện nguyện. Chúng tôi chủ yếu giúp các trẻ em dân tộc thiểu số đi học, lo cho các em quần áo và thực hiện một số dự án khác như xây cầu, xây trường, mang điện năng lượng mặt trời về bản.
Tuy nhiên, tôi chưa thấy có đơn vị nào giúp các em có sân chơi cả. Vậy nên tôi quyết định thành lập dự án giúp các em được chơi và học về bóng đá", Trúc Phương chia sẻ.
Trẻ em vùng sâu, vùng xa còn nhiều thiếu thốn về điều kiện sinh hoạt và học tập. Theo Trúc Phương, việc tham gia các môn thể thao lành mạnh sẽ giúp các em nhỏ phát triển thể chất, đồng thời giúp các em tránh xa các tệ nạn xã hội. Song, để các em có một quả bóng lành lặn để chơi cũng rất khó khăn.
Trúc Phương không chỉ muốn các em có sân chơi mà cô còn hy vọng dự án có thể đem đến cho các em những bộ đồ, đôi giày mới và những dụng cụ khác như lưới, khung thành… để các em có một sân chơi thể thao an toàn. Từ đó, dự án thiện nguyện cộng đồng mang tên "Gieo ước mơ bóng đá" được hình thành.
Địa điểm thực hiện dự án đầu tiên được đặt tại tỉnh Đắk Nông. Trong thời gian đầu, Trúc Phương chủ động kết nối với những người có chuyên môn về bóng đá như các cộng đồng, các cầu thủ…
Cô làm thêm công việc chụp ảnh cho các đội bóng ở các sân bóng đá phong trào tại TPHCM, đồng thời học hỏi để tích lũy kinh nghiệm tổ chức thể thao.
Khi có thêm nhiều người đồng hành với dự án, Trúc Phương không chỉ nhận được vài bộ đồ hay quả bóng mà có người còn sẵn sàng đỡ đầu duy trì hoạt động "lớp học miễn phí" trong 1-2 năm cho các em nhỏ vùng sâu, vùng xa.
"Kinh phí để duy trì các lớp học lâu dài là bài toán khiến tôi trăn trở nhiều. Các hoạt động từ thiện thường tập trung vào việc giúp đỡ các em nhỏ có cái ăn, cái mặc hoặc lo cho các em tới trường. Còn đối với hoạt động gây quỹ để các em có sân chơi, được học hỏi môn bóng đá thì thường chưa được quan tâm nhiều", Trúc Phương cho hay.
Để giải bài toán này, cô đã chủ động tổ chức các giải bóng đá thiện nguyện cho dự án với sự hỗ trợ của nhiều đơn vị tại địa phương nhằm gây quỹ và tạo động lực tham gia cho các em.
Kết quả: những lớp học đã được mở ra và các em nhỏ không chỉ được tiếp cận với bóng đá, mà có những em còn được truyền cảm hứng cho ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Sau này, đã có nhiều cầu thủ nhí được phát hiện, một số em được chọn vào đội tuyển trẻ của các câu lạc bộ tại Bình Dương, Bình Phước và Đắk Lắk.
"Tôi vui vì mình được mang hạnh phúc, nụ cười đến cho hàng nghìn em nhỏ khó khăn trên khắp cả nước. Trong hành trình này, tôi đã được nhận lại rất nhiều tình cảm của các em, của phụ huynh và cán bộ ở mỗi địa phương mình đi qua.
Bây giờ ở mỗi tỉnh mà dự án có chương trình, mình đều có cảm giác đó là ngôi nhà thứ hai, với những người tuy không phải ruột thịt nhưng họ luôn mong đợi mình quay trở về", Trúc Phương xúc động.
Trong thời gian tới, cô cho biết sẽ tiếp tục duy trì các lớp bóng đá miễn phí, đồng thời tổ chức các giải bóng đá để các em có cơ hội được giao lưu và nâng cao kỹ năng.
Bên cạnh đó, cô cũng có dự định đưa các em từ vùng cao xuống thành phố, giới thiệu các em đến với những trung tâm bóng đá chuyên nghiệp để các em có cơ hội được giao lưu với những cầu thủ nổi tiếng, tham gia các học viện bóng đá…
Sao chép thành công