Báo Dân Trí,

Cô giáo xin tiền phụ huynh mua laptop, giáo viên nghèo đến vậy sao?

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 07:22:24 01/10/2024 theo đường link https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/co-giao-xin-tien-phu-huynh-mua-laptop-giao-vien-ngheo-den-vay-sao-20240930131651946.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
(Dân trí) - Khi sự việc khi cô giáo xin tiền phụ huynh mua máy tính xách tay (laptop) xảy ra ngay giữa trung tâm TPHCM đã có nhiều cảm thán: "Giáo viên nghèo đến vậy sao?". "Giáo viên ở TPHCM không nghèo"
Khi mới đọc thông tin cô giáo xin tiền phụ huynh để mua laptop , anh Trương Minh Nhân, ở Đồng Nai còn nghĩ là tin chế, tin giả. Bởi đọc diễn biến lạ lùng quá, khó tin quá.
Khi biết "hóa ra chuyện này là có thật", anh gọi ngay cho em gái mình, là giáo viên một trường tiểu học ở Phú Nhuận, TPHCM.
Những tin nhắn xin ủng hộ mua máy tính của cô giáo ở trường học ngay trung tâm TPHCM gây choáng váng dư luận (Ảnh chụp màn hình).
Câu đầu tiên anh Nhân hỏi em gái là: "Giáo viên nghèo đến vậy ư?". Cô em cười hỏi lại: "Anh thấy em nghèo không?" và nhắc lại thu nhập của mình gần gấp đôi vợ chồng anh cộng lại.
Anh Nhân cho hay, em gái đã đi dạy được 17 năm. Trước đây cô dạy thêm bên ngoài trung tâm bồi dưỡng văn hóa. Tiền lương với tiền dạy thêm giúp cô có cuộc sống khá ổn định, hỗ trợ được ít nhiều cho cha mẹ, anh chị ở quê.
Hơn 5 năm trở lại đây, em gái anh Nhân nghỉ dạy thêm hoàn toàn để dành thời gian cho con cái.
Qua chia sẻ của em gái, anh Nhân cho biết em mình có tổng thu nhập gần 25 triệu đồng/tháng bao gồm tất cả các khoản lương, thưởng Tết, thu nhập tăng thêm theo chính sách của thành phố.
Cũng như anh Nhân, trước sự việc một giáo viên Trường tiểu học Chương Dương, quận 1, TPHCM xin tiền phụ huynh để mua laptop, nhiều người phải thốt lên: "Giáo viên nghèo lắm hay sao?".
Hơn 20 năm trong nghề, cô T.N., giáo viên tiểu học ở Bình Thạnh, TPHCM chia sẻ, chế độ dành cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên ở TPHCM đã được cải thiện rất nhiều.
Nếu so với rất nhiều ngành nghề trong xã hội, cô T.N. khẳng định, giáo viên ở TPHCM không nghèo. Trừ trường hợp giáo viên mới ra trường, giáo viên hợp đồng...
Trường hợp cô T.N., tiền lương, tiền phụ cấp, đứng lớp, thêm tiền thu nhập tăng thêm từ Nghị quyết 03 (giờ là Nghị quyết 08) không dưới 25 triệu đồng/tháng.
Cô T.N. cho hay, nâng cao thu nhập là việc cần nỗ lực ở mọi ngành nghề, đặc biệt là nghề giáo tác động trực tiếp đến chất lượng giáo dục, tương lai của đất nước.
Tuy nhiên, hơn ai hết chính người thầy cần nhìn thực tế rằng so với mặt bằng chung, lương giáo viên hiện nay có thể chưa cao theo mức đầu tư cần thiết nhưng không thấp, không nghèo.
Cách đây không lâu, một giáo viên công lập bậc THPT ở TPHCM công khai khoản thu nhập 412 triệu đồng trong năm 2023 với lời khẳng định thu nhập này là "điều bình thường".
Tính trung bình trong năm, thu nhập của giáo viên có thâm niên 28 năm trong nghề là hơn 34,3 triệu đồng/tháng.
Thu nhập trên của thầy giáo này bao gồm lương nhà giáo (lương theo hệ số 5,7, các khoản phụ cấp, đứng lớp... ) và thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 của HĐND TPHCM.
Mức thu nhập tính thuế trong năm của người này là 267,682 triệu đồng, tiền thuế thu nhập cá nhân phải nộp là hơn 33,7 triệu đồng. Mức đóng thuế của thầy cao do không có người phụ thuộc.
Mức lương và thu nhập tăng thêm của giáo viên này tiếp tục tăng từ ngày 1/7/2024 khi lương cơ sở tăng cao nhất từ trước đến nay lên 30%.
Theo thầy giáo này, nếu không có tiền thu nhập tăng thêm thì thu nhập theo lương giáo viên gần 30 năm trong nghề của ông chỉ khoảng 20 triệu đồng là thấp, nhất là so với chi phí ở TPHCM.
Tuy nhiên, TPHCM có tiền thu nhập tăng thêm nên giáo viên tuy không giàu nhưng có thể sống ổn.
Ngoài lương theo hệ số, phụ cấp, giáo viên ở TPHCM có khoản thu nhập tăng thêm theo nghị quyết của thành phố (Ảnh minh họa: P.N).
Nghèo nhân cách?
Cô T.N. nêu quan điểm, giáo viên xin tiền phụ huynh phục vụ cho nhu cầu cá nhân nếu lấy cái nghèo ra viện cớ là không trung thực. Nếu nghèo thì ở đây là nghèo nhân cách, nghèo lòng tự trọng chứ không phải xuất phát từ việc nghèo tiền nghèo bạc.
Hơn nữa, điều cô T.N. trăn trở nhất ở đây là giáo viên đi làm được trả lương nhưng nhiều người đặt mình ở tâm thế mình làm nghề cao quý, mình đang ban ơn, làm phúc cho phụ huynh, cho học sinh. Từ tâm lý đó, họ cho mình được quyền vòi vĩnh và đòi hỏi người khác phải phục vụ mình.
Hơn 20 năm công tác trong nghề, cô T.N đau đớn nói rằng trường hợp giáo viên vòi vĩnh như vậy không hiếm…
Nghị quyết 03 của HĐND TPHCM có hiệu lực từ tháng 4/2018. Đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ không chuyên trách ở cấp phường - xã, thị trấn được cấp có thẩm quyền đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Hệ số điều chỉnh tăng thu nhập để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị tối đa trong năm 2018, 2019, 2020 lần lượt là 0,6 lần, 1,2 lần, 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ.
Từ tháng 8/2023, thành phố bãi bỏ Nghị quyết 03, thay thế bằng Nghị quyết 08/2023 về chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Theo Nghị quyết 185/2023 của HĐND TPHCM về dự toán thu ngân sách Nhà nước và thu chi ngân sách năm 2024, hệ số chi thu nhập tăng thêm tối đa là 1,5 lần so với tiền lương ngạch bậc, chức vụ.
Từ ngày 1/7, công thức tính thu nhập tăng thêm đối với giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi lương cơ sở tăng như sau:
Hệ số lương + Hệ số phụ cấp chức vụ (nếu có) x 2,34 triệu đồng (mức lương cơ sở) x 1,5 (hệ số thu nhập tăng thêm) = Mức thu nhập tăng thêm/tháng.
Với mức chi này, tùy tiêu chuẩn xếp hạng, hệ số lương, chức vụ, giáo viên hoàn thành xuất sắc có thể nhận thu nhập tăng thêm từ hơn 7 triệu đồng đến hơn 20 triệu đồng/tháng.
Mức hoàn thành tốt nhiệm vụ bằng 80% mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Sao chép thành công