Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Hành vi vi phạm pháp luật về thuế, hóa đơn không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh, sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng nếu hàng hóa không đảm bảo về chất lượng.
Thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật về thuế, hóa đơn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh diễn ra khá phổ biến, nhất là hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua, lập hóa đơn không đúng thời điểm theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ...
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, Công an tỉnh Trà Vinh đã kiểm tra, phát hiện 98 trường hợp vi phạm, chủ yếu là các mặt hàng mỹ phẩm, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, phân bón, thức ăn thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, chế phẩm sinh học... với tổng trị giá hàng hóa trên 2,5 tỷ đồng. Chuyển cơ quan Thuế ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 79 vụ, tổng số tiền 563.796.000 đồng;
giáo dục, nhắc nhở 02 trường hợp; còn lại đang xác minh, làm rõ; đồng thời, lực lượng chức năng đã lồng ghép tuyên truyền 315 cuộc, nội dung phổ biến các quy định của pháp luật cũng như chế tài xử lý vi phạm về thuế, hóa đơn đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh biết, chấp hành nghiêm theo quy định.
Để công tác phòng, chống vi phạm pháp luật về thuế, hóa đơn hiệu quả, nhằm chống thất thu thuế, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Ban Giám đốc Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với cơ quan Thuế và các ngành chức năng liên quan trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác kiểm tra, kết hợp tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật trong kinh doanh thương mại, chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm về thuế, hóa đơn; nhất là tuyên truyền Luật Quản lý thuế năm 2019; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023; Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, ngày 19/10/2020 của Chính phủ Quy định về hóa đơn chứng từ và Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, ngày 19/10/2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn (được sửa đổi bổ sung một số điều tại Nghị định số 102/2021/NĐ-CP, ngày 16/11/2021 của Chính phủ).
Công an Trà Vinh kiểm tra, phát hiện hóa chất trong xử lý môi trường nước không có hóa đơn, chứng từ trên khâu lưu thông ở địa bàn huyện Càng Long
Tại khoản 1, Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này”. Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán tài sản nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước và bán hàng dự trữ quốc gia) là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền; thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).
Nghị định số 125/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 102/2021/NĐ-CP) quy định cụ thể những hành vi vi phạm; hình thức xử phạt gồm
phạt cảnh cáo, phạt tiền căn cứ vào hành vi vi phạm (mức phạt tiền lên đến 200.000.000 đồng đối với tổ chức, 100.000.000 đồng đối với cá nhân). Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị hình thức xử phạt bổ sung, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
Thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan quản lý địa bàn, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân và cho cam kết không vi phạm pháp luật về thuế, hóa đơn; đồng thời, thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường để kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.