Báo Lao Động Online,

Công nhân lo vì học sinh tăng nhưng trường lớp ít

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 07:22:56 19/09/2024 theo đường link https://laodong.vn/giao-duc/cong-nhan-lo-vi-hoc-sinh-tang-nhung-truong-lop-it-1396244.ldo
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Đình Trọng
Tại Bình Dương, số học sinh vẫn không ngừng tăng, trường lớp mở không kịp. Các lớp học quá tải, khiến người lao động lo lắng chất lượng học tập của con em.
Học sinh chỉ học 1 buổi trên lớp sau đó phải di chuyển tới cơ sở ở ngoài trường để học bán trú buổi 2. Ảnh: Đình Trọng
Lớp học quá đông
Đầu năm học, khi đưa con vào lớp 1 Trường Tiểu học Thới Hòa nhập học, chị Nguyễn Thị Sáng (người lao động ngụ ở phường Thới Hòa, TP Bến Cát) không khỏi... lo lắng vì lớp học quá đông.
“Lớp học đông quá, tôi xem danh sách thấy sĩ số tới 53 em. Lối đi giữa các bàn học chỉ có một khe nhỏ để len qua. Các lớp khác cũng y như thế. Tôi không biết thầy cô sẽ xoay xở dạy các cháu thế nào, lớp đông như vậy liệu chất lượng giáo dục có đảm bảo?” - chị Sáng băn khoăn.
Nhiều học sinh cấp 3 của TP Bến Cát phải về trường ở TP Thủ Dầu Một để theo học, việc này khiến phụ huynh lo lắng.
Là một người lao động, chị Nguyễn Thanh Hậu (ngụ phường Thới Hòa, TP Bến Cát) chia sẻ: “Tôi có 2 con gái đều phải đi gần 10km để đến Thủ Dầu Một. Các cháu chở nhau đi học xa, đường toàn xe container chở hàng, tôi rất lo lắng, nhưng cũng đành phải chịu vì ở Bến Cát chỉ có 2 trường THPT”.
Theo báo cáo của Sở GDĐT tỉnh, năm học 2024-2025, toàn ngành có 713 trường (375 trường công lập, 338 trường ngoài công lập). Tổng số học sinh các cấp học từ mầm non đến THPT, giáo dục thường xuyên toàn tỉnh khoảng 520.690 học sinh, tăng thêm 25.968 học sinh so với năm học 2023-2024.
Năm nay, Bình Dương xây mới, nâng cấp, cải tạo thêm 12 trường học, tăng thêm 266 phòng học. Tuy nhiên, ở nhiều khu vực đông công nhân lao động như Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát... vẫn xảy ra tình trạng thiếu trường, thiếu lớp.
Học bán trú ở cơ sở ngoài trường
Việc thiếu trường, thiếu lớp , khiến các trường vất vả tổ chức học bán trú cho học sinh ở bên ngoài; phụ huynh cũng phải đóng thêm tiền đưa đón học sinh, lo lắng về điều kiện cơ sở vật chất thiếu an toàn.
Trong đó, đáng chú ý ở Trường Tiểu học Hòa Lợi, phường Hòa Lợi, TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Trường phải tổ chức cho hơn 500 học sinh bán trú ở bên ngoài.
Ghi nhận của phóng viên, mỗi ngày sau khi học buổi chính tại Trường Tiểu học Hòa Lợi, học sinh phải đi qua 1 cơ sở cách trường 1,2km và 1 cơ sở cách trường 3km để học bán trú. Dù các cơ sở được đầu tư cơ bản, nhưng phụ huynh lo lắng về an toàn của trẻ vì quá đông học sinh, trong khi diện tích cơ sở chưa đủ rộng.
Ông Nguyễn Hữu Tài - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Lợi - cho biết, trường đã tổ chức họp phụ huynh để giải thích, việc trường chỉ có 28 phòng học, trong khi có đến 2.091 học sinh. Do vậy không thể học buổi 2 ở trong trường, phải tổ chức học buổi 2 ngoài trường.
“Nhà trường đã lấy ý kiến phụ huynh với tinh thần có đồng ý hay không, trình bày gặp khó khăn gì để trường hỗ trợ. Một số phụ huynh không đồng ý thì đón học sinh về, chứ không phải 100% học sinh học bán trú ở bên ngoài”, ông Tài nói.
Sẽ tạo điều kiện cho người lao động yên tâm tham gia sản xuất
Theo bà Trần Thị Thảo - Phó Chủ tịch UBND TP Bến Cát, việc tổ chức buổi 2 nhằm tạo điều kiện cho phụ huynh là công nhân, người lao động trên địa bàn yên tâm tham gia sản xuất.
Ngoài ra, các trường còn thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo tất cả học sinh đều được đến trường và phụ huynh yên tâm lao động.
Về lâu dài, TP Bến Cát đã xây dựng danh mục đầu tư trường học giai đoạn 2024-2025 định hướng đến 2030. Việc xây dựng trường mới thì kinh phí lại là của tỉnh, địa phương chỉ có kinh phí để sửa chữa. Vì vậy địa phương liên tục kiến nghị để phân bổ đầu tư trường lớp. Về đất đai xây trường, thành phố Bến Cát cơ bản đảm bảo.
Sao chép thành công