Nội dung liên quan Xã Cẩm Sơn, Huyện Cẩm Xuyên, Tỉnh Hà Tĩnh, Tin Trong Nước
Báo Tin Tức,
Công tác dân vận - yếu tố then chốt tạo đồng thuận trong lòng dân
Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc
15:39:34 01/10/2024
theo đường link
https://baotintuc.vn/dia-phuong/cong-tac-dan-van-yeu-to-then-chot-tao-dong-thuan-trong-long-dan-20241001113100031.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và
tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả.
Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong
30
giây.
Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
Thời gian qua tại tỉnh Hà Tĩnh, nhiều công trình, dự án trọng điểm đã được triển khai nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân. Đáng chú ý, hầu hết các dự án đều liên quan đến việc giải phóng mặt bằng với quy mô lớn, nhưng đến nay chính quyền chưa phải thực hiện biện pháp cưỡng chế. Để có kết quả đó, vai trò của công tác dân vận đã được đề cao; các cấp ủy, chính quyền vận dụng linh hoạt, hiệu quả, tạo ra sự đồng thuận trong lòng dân. Sẵn sàng nhường mảnh đất “hương hỏa” Cán bộ chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động dòng họ Đào Đình tại xã Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) di dời nhà thờ để phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam. Gia đình ông Đào Đình Hoan ở thôn Thượng Sơn (xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên) là một trong những điển hình về làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Hà Tĩnh. Ngoài việc tiên phong thực hiện tái định cư tại chỗ theo chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Nhà nước, ông Hoan là người nhận trách nhiệm thuyết phục các gia đình trong dòng họ tự nguyện di dời nhà thờ và mộ tổ để nhường đất thực hiện dự án. Từ trước đến nay, việc xử lý các công trình như nhà thờ, khu mộ tổ hay nghĩa trang vốn là vấn đề khá nhạy cảm đối với các cấp chính quyền khi thực hiện giải phóng mặt bằng. Để giải quyết vấn đề này, việc “dân vận” phải cực kỳ khéo léo, thuyết phục. Bởi vậy, dù có tâm lý ngại đụng chạm đến công trình tâm linh là mộ tổ và nhà thờ họ, nhưng dòng họ Đào Đình ở thôn Thượng Sơn đã có sự đồng thuận, thống nhất cao để thực hiện công tác di dời. Ông Đào Đình Hoan chia sẻ, vừa là đảng viên, vừa là tộc trưởng của dòng họ, ông nhận thức được rằng những suy nghĩ, hành động của mình sẽ tác động sâu sắc đến anh em, bà con, dòng họ. Do đó, khi biết được gia đình mình nằm trong diện phải di dời, thực hiện tái định cư, ông đã tiên phong thực hiện kiểm đếm, tháo dỡ nhà cửa, công trình phụ để nhường mặt bằng sạch cho dự án. Công trình nhà thờ của họ Đào Đình tại xã Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) được xây dựng lại sau khi giải phóng mặt bằng. Trong các cuộc họp họ, ông cùng các đảng viên trong dòng họ đã phân tích kỹ lưỡng mục tiêu đầu tư của dự án, cũng như chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mà Nhà nước đang áp dụng để mọi người trong dòng họ hiểu rõ và nhận thức đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Theo anh Đào Đình Lợi, thành viên của dòng họ Đào Đình (xã Cẩm Sơn), ban đầu cũng có một số ý kiến trái chiều nhưng khi chúng tôi khơi dậy lòng tự tôn của dòng họ bằng cách nhắc lại những đóng góp, hy sinh của các thế hệ, con em trong dòng họ đối với đất nước thì ai cũng đồng tình. Tại huyện Cẩm Xuyên, thông qua công tác dân vận, chính quyền và cấp ủy các cấp đã đạt được những kết quả tích cực trong việc triển khai các dự án lớn trên địa bàn, như giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam, đường điện 500 kV mạch ba. Điều này được thực hiện nhờ sự đồng thuận, chia sẻ của người dân. Bà Hà Thị Việt Ánh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cẩm Xuyên cho biết, thời gian qua, trên địa bàn triển khai nhiều dự án trọng điểm, liên quan đến đời sống, sản xuất của hàng nghìn hộ dân. Nhiều vụ việc khó, chưa có tiền lệ liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng ở Cẩm Mỹ, Thiên Cầm, Cẩm Sơn, Cẩm Lạc... đã được cấp ủy chính quyền các cấp hóa giải nhờ phát huy hiệu quả quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện công khai, minh bạch các chính sách của Nhà nước. Trong đó, chính quyền luôn đề cao lợi ích của nhân dân và sự phát triển của địa phương. Qua đó cho thấy, công tác dân vận đã góp phần tăng cường củng cố công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đồng thuận vì lợi ích chung Tiểu thương buôn bán tại chợ tạm Giang Đình (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) trong thời gian chờ xây dựng chợ mới. Còn tại huyện Nghi Xuân, thời gian qua, việc vận động các hộ dân tháo dỡ ki ốt để xây dựng chợ Giang Đình đã trở thành câu chuyện nóng. Được biết, dự án từ khi chấp thuận chủ trương đầu tư đến năm 2024 đã kéo dài 7 năm, nhưng chưa thể thực hiện. Nguyên nhân do phần lớn các tiểu thương kinh doanh lâu năm tại chợ không đồng thuận về chủ trương giao cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng chợ mới. Bà Võ Thị Chương, tiểu thương chợ Giang Đình cho hay, ban đầu bà và nhiều hộ kinh doanh khác tại đây phản đối việc xây dựng chợ mới vì lo lắng việc doanh nghiệp sau khi có chợ mới phải nộp mức phí cao hơn. Trong khi, việc kinh doanh tại chợ truyền thống những năm gần đây đã chịu ảnh hưởng không nhỏ của việc kinh doanh trực tuyến, qua mạng. Sau khi chính quyền, doanh nghiệp tổ chức đối thoại nhiều lần, các tiểu thương đã nhận thức được vấn đề và đều đồng thuận di dời ki ốt sang chợ tạm để phục vụ quá trình xây dựng chợ mới. Bà con cũng mong muốn việc xây dựng sớm hoàn thành để các hộ kinh doanh có nơi buôn bán khang trang, sạch đẹp hơn. Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Nghi Xuân Trần Quỳnh Thao thông tin, đến tháng 3/2024, còn 80 hộ tiểu thương không đồng thuận với chủ trương xây mới chợ. Trước thực tế đó, huyện Nghi Xuân đã thành lập các tổ tuyên truyền. Các tổ đã quyết liệt tuyên truyền, vận động từng hộ tiểu thương. Đến ngày 30/6/2024, các lực lượng chức năng đã hoàn thành việc tháo dỡ ki ốt ở chợ Giang Đình với sự đồng thuận, chấp hành nghiêm túc của 100% tiểu thương tại đây. Trong quá trình phá dỡ ki ốt, các hộ tiểu thương đã đồng thuận, chấp hành nghiêm túc, không xảy ra tình trạng tụ tập đông người để cản trở, chống người thi hành công vụ, gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông xung quanh khu vực chợ Giang Đình. Qua đó, góp phần thực hiện thành công công tác phá dỡ chợ Giang Đình, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản; tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông được đảm bảo. Đặc biệt, việc làm này được người dân địa phương đồng tình, ủng hộ. Theo đánh giá của Ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Tĩnh, xuyên suốt quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển, ở bất cứ hoàn cảnh, lĩnh vực nào cũng cần đến sự đồng thuận, thống nhất của người dân. Vì vậy, các cấp ủy đảng ở Hà Tĩnh luôn quán triệt, thực hiện hiệu quả cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội làm nòng cốt, nhân dân làm chủ". Cùng với đó là phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" trong lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị liên quan trực tiếp đến quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân. Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Tĩnh Trương Thanh Huyền cho biết, từ công tác dân vận, nhất là sự lan tỏa của phong trào thi đua "Dân vận khéo" trong thực tiễn tại Hà Tĩnh thời gian qua cho thấy, tiềm năng, khát vọng, ý chí của người dân đã được cấp ủy, chính quyền các cấp khơi dậy và phát huy mạnh mẽ. Thời gian tới, cùng với việc thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, kết luận của Trung ương về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới", tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận của hệ thống chính trị theo hướng rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ cách làm và được thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn. Đồng thời, công tác dân vận tiếp tục bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh, từ đó lựa chọn hoạt động trọng tâm, trọng điểm để triển khai, thực hiện. Bài, ảnh: Hữu Quyết (TTXVN)