Báo Dân Trí,

Cụ bà liệt nửa người, cụ ông run tay làm đồ thủ công ủng hộ bà con vùng lũ

Nội dung bài viết được lấy tự động vào lúc 15:34:06 01/10/2024 theo đường link https://dantri.com.vn/an-sinh/cu-ba-liet-nua-nguoi-cu-ong-run-tay-lam-do-thu-cong-ung-ho-ba-con-vung-lu-20241001101019107.htm
Đảm bảo nội dung là mới nhất, chính xác nhất và tôn trọng bản quyền về nội dung của tác giả. Hệ thống tự động chuyển về bài viết gốc trong 30 giây. Nếu bạn muốn ở lại trang này để đọc nội dung do hệ thống thu thập tự động, vui lòng click
(Dân trí) - Dù sức khỏe suy giảm, tâm trí lúc nhớ, lúc quên nhưng hàng trăm cụ ông, cụ bà tại một viện dưỡng lão ở TPHCM vẫn kiên trì làm đồ thủ công, bán kiếm tiền ủng hộ bà con vùng lũ. Đôi bàn tay run run, cơ thể bị liệt nửa người, bà Ngô Nga Kiều vẫn cố đan từng vòng tre, hoàn thành những bước cuối cùng của công đoạn làm chiếc nón lá.
Cứ mỗi hôm ăn trưa xong, bà Kiều lại cùng các cụ ông, cụ bà khác trong Hệ thống dưỡng lão Bình Mỹ (huyện Củ Chi, TPHCM) làm đồ thủ công như kẹp tóc, nón lá, túi vải, tranh vỏ sò…
Hàng trăm cụ ông, cụ bà tại một hệ thống dưỡng lão ở TPHCM đã cùng làm đồ thủ công, bán kiếm tiền ủng hộ đồng bào vùng lũ (Ảnh: Nguyễn Vy).
Bà Kiều bộc bạch, những món đồ này sẽ được bày bán tại viện dưỡng lão, trong ngày 1/10 - Quốc tế người cao tuổi - rồi chuyển trực tiếp đến tài khoản của Mặt trận tổ quốc Việt Nam nhằm ủng hộ đồng bào khắc phục ảnh hưởng sau bão lũ.
"Dù già rồi, sức khỏe cũng không được như trước, chúng tôi vẫn muốn góp một chút công sức để hỗ trợ đồng bào khắc phục sau bão lũ. Nhìn những hình ảnh nhiều người mất hết tất cả chỉ trong tích tắc, tôi không kiềm lòng được, thấy mình vẫn còn may mắn hơn họ rất nhiều", bà Kiều xúc động, nói.
Nhiều người sức khỏe không được tốt, mắc chứng run tay, liệt nửa người... vẫn cố gắng gia công đồ lưu niệm để góp chút công sức hỗ trợ bà con vùng lũ (Ảnh: Nguyễn Vy).
Với đôi bàn tay run, bà Kiều làm suốt 1 tiếng mới đan xong chiếc nón lá hay vẽ một chiếc túi vải. Thỉnh thoảng, bà Kiều chợt quên mất mình đang làm gì, rồi lại mỉm cười tươi, ra hiệu bản thân đang rất hạnh phúc khi bỗng dưng nhớ ra hoạt động ý nghĩa này.
Tâm trí lúc nhớ, lúc quên, nhưng ông Nguyễn Văn Tri (81 tuổi) luôn rơi nước mắt khi nhắc đến hình ảnh bà con vùng lũ chịu nhiều đau thương, mất mát khi cơn bão số 3 đi qua.
Ông Tri rơi nước mắt khi nhắc đến đau thương của bà con vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai (Ảnh: Nguyễn Vy).
"Tôi ngồi ở đây, được ăn ngon, ngủ yên, thức dậy có người chăm sóc. Còn đồng bào ngoài kia phải chịu nhiều khổ cực, mất mát vì bão lũ. Tôi thấy rất thương họ. Hi vọng một chút công sức của tôi có thể giúp bà con vượt qua khoảng thời gian khó khăn này", ông Tri trải lòng.
Ông Tri được chia làm vòng tay, nhưng cứ 10 cái, ông chỉ làm thành công được 1 cái vì mắc chứng run tay. Thế nhưng, cụ ông chưa từng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Ngày nào ông Tri cũng háo hức, ăn trưa thật nhanh để ra cùng làm với những người khác.
Tại buổi lễ mừng ngày 1/10 - Quốc tế người cao tuổi - hơn 500 sản phẩm mà các cụ già ở 4 cơ sở của Hệ thống dưỡng lão Bình Mỹ thực hiện, được bày bán cho người tham gia, thân nhân của các cụ. Toàn bộ tiền mặt bán được trong ngày tổ chức sẽ được chuyển đến tài khoản của Mặt trận tổ quốc Việt Nam
Có mặt tại chương trình từ sớm, bà Hiền Lương, thân nhân của người cao tuổi được chăm sóc tại đây, chia sẻ bản thân cảm thấy rất xúc động trước tấm lòng của các cụ ở viện dưỡng lão. Vì thế, bà đã mua ủng hộ một chiếc nón lá, chuyển khoản thẳng đến mã QR số tài khoản của Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Dù món đồ chỉ vài chục nghìn đồng, bà Lương vẫn quyết định chuyển 100.000 đồng để ủng hộ.
"Dù sức khỏe các cụ không còn như trước, nhưng các sản phẩm mà họ làm ra rất đẹp và chứa đựng nhiều ý nghĩa", bà Hiền Lương nói.
Những món quà được bày bán tại gian hàng trong buổi lễ mừng Quốc tế người cao tuổi, được tổ chức tại Hệ thống dưỡng lão Bình Mỹ (Ảnh: Nguyễn Vy).
Theo ông Bùi Anh Trung, người sáng lập Hệ thống Dưỡng lão Bình Mỹ, hầu hết, người già tại viện dưỡng lão đều mắc chứng sa sút trí tuệ hoặc sức khỏe. Vì thế, quá trình gia công các sản phẩm thủ công gặp không ít khó khăn.
Song hoạt động đã tạo ra nhiều kỷ niệm đẹp, giúp các cụ vui hơn vì được đóng góp chút công sức cho xã hội.
"Nỗi đau lớn nhất của người cao tuổi khi về già là cảm thấy bản thân không còn có ích cho xã hội. Vì thế, hoạt động này không chỉ góp một phần nhỏ trong việc giúp người dân khu vực miền Bắc khắc phục hậu quả do bão lũ mà còn giúp người cao tuổi khẳng định giá trị của bản thân", ông Trung cho hay.
Sao chép thành công